Đời thường

TRUYỆN NGẮN CỦA KHÔI VŨ 10/01/2016 17:01 GMT+7

TTCT - Cái quãng đời ít thật nhiều giả ấy như hư ảo, đã qua. Ông đang được trải nghiệm những ngày “sống thật” của đời mình.

Minh họa: Vũ Đình Giang
Minh họa: Vũ Đình Giang

Nơi bán vé đã có bốn người đứng xếp hàng. Ông bước lên ngang người thứ nhì, nói với cả hàng: “Xin lỗi, xin cho tôi được bước lên để hỏi cô bán vé một câu thôi, rồi tôi sẽ trở lại xếp hàng”. Một cô gái trong hàng nói: “Vâng, mời bác”.

Ông bước lên: “Cô làm ơn xem hộ chuyến tàu SE1 về Biên Hòa lúc 11g40 hôm nay còn vé ghế ngồi mềm hay không?”. Cô nhân viên bán vé ngồi phía trong phòng cửa kính bấm máy vi tính rồi trả lời: “Còn bác ạ. Bác có việc phải đi gấp sao?”. “Vâng! Người nhà tôi mới phải nhập viện sáng nay”.

Ông nói thêm “Cảm ơn” rồi định lui về vị trí xếp hàng thì nghe một giọng thanh niên trong bốn người đang đứng nối đuôi nhau: “Cô gì ơi, cô bán vé cho bác ấy luôn đi”.

Cầm tờ vé điện tử trên tay, ông lại nói “Cảm ơn” với bốn người tử tế rồi ra ghế ngồi đợi giờ lên tàu. Mười phút sau thì loa phóng thanh thông báo chuyến tàu xuất phát từ Huế sắp vào ga Đà Nẵng. Ông theo chân mọi người. Tàu chạy 17 tiếng. Theo lời cô bán vé thì 4 giờ sáng nó sẽ đến ga Biên Hòa.

***

Chuyến đi tập thể cùng đoàn, ông được nhận tấm vé ngồi cứng giá ba trăm rưỡi ngàn như mọi người nhưng riêng ông được trừ 20% cho người cao tuổi nên chỉ còn hai trăm tám.

Lần về này, mua vé ngồi mềm ông phải trả gần năm trăm ngàn, nhẩm tính thì giá vé chưa trừ phải trên sáu trăm. Kế toán sẽ chỉ thanh toán giá vé theo chuyến đi, nhưng chẳng sao, ông chấp nhận chuyện bù tiền để có thể ngồi nằm thoải mái hơn và về nhà trong thời gian sớm nhất.

Mười giờ sáng này, vợ ông gọi điện báo: “Cả hai vợ chồng thằng V. cùng phải nhập viện sáng nay rồi”. Thế là ông vội vàng thu xếp hành lý, nói với hai người chung phòng: “Tôi phải về ngay”. Đi thang máy xuống tầng trệt, vừa ra khỏi cửa khách sạn đã thấy taxi đợi sẵn, ông mở cửa lên ngay: “Làm ơn cho tôi ra ga tàu lửa”.

Cả hai vợ chồng cậu con trai cùng phải nhập viện với triệu chứng sốt cao đến 39-40 độ, là điều không bao giờ ông nghĩ tới. Cô con dâu đã xác định là sốt xuất huyết, còn cậu con trai thì bước đầu được chẩn đoán là sốt siêu vi vì lượng tiểu cầu vẫn còn cao.

Vậy là vợ ông phải trông đứa cháu gái mới bảy tháng tuổi. Cô con gái út lấy chồng ở cùng thành phố Biên Hòa nhưng phải đi dạy học, chỉ có buổi chiều tối mới phụ mẹ được đôi việc. Sự có mặt của ông trong gia đình lúc này là cần thiết.

Ông phải về ngay dù mới sinh hoạt chung với đoàn được ba ngày trong chương trình tám ngày ở Đà Nẵng. Cù Lao Chàm, bán đảo Sơn Trà, Hội An, cả cái quán cà phê có tên ngộ nghĩnh “NBT - Đà Nẵng xin cảm ơn người” mà ông tò mò muốn đến sau khi đọc bài trên Internet... cũng đành hẹn lại lần sau - chưa biết là bao giờ!

Giấc ngủ trên chiếc ghế ngồi mềm được ngả ra sau đến với ông chập chờn, sau khi tàu dừng lại đón khách rồi rời ga Nha Trang. Nhân viên phục vụ đi qua bán vé cháo khuya. Cả đến hộp cơm hồi chiều ông cũng chỉ ăn được một nửa...

“Tàu SE1 sắp vào ga Biên Hòa, yêu cầu quý khách...”. Ông giật mình, tỉnh rụi, cứ như chưa hề chợp mắt. Xem đồng hồ thì còn năm phút là đúng 4 giờ sáng. Tàu chạy đúng giờ. Thế mà có lúc ông đã nghi ngờ lời nói của cô bán vé!

***

Ông chọn bước tới bên một chiếc taxi đậu ở cổng ga Biên Hòa. Cậu lái xe đang nằm trên chiếc ghế ngả, không biết có ngủ hay không mà bật dậy ngay khi ông gõ gõ vào cửa kính xe.

“Khoan chạy đã. Ngồi nói chuyện với tôi vài câu cho thật tỉnh ngủ nào” - ông vỗ vai cậu lái xe. “Dạ không sao đâu ạ. Cháu chỉ nằm nghỉ chứ có ngủ đâu”. “Thật chứ? Vậy thì chạy đi. Cho tôi về Phúc Hải, ngoài đường, không phải khu cư xá...”.

Ngồi trên xe, ông gọi điện thoại về cho vợ để mở cổng nhà. Không quên hỏi: “Tối qua có tin gì mới về hai đứa nó không?”. “Dạ không. Chắc vẫn sốt cao như lúc nhập viện”.

“Nhà bác có người nằm bệnh viện hả bác?” - cậu lái xe tò mò.

“Cả hai vợ chồng cậu con trai tôi! Một đứa sốt xuất huyết, còn đứa kia mới chẩn đoán, chưa định bệnh được” - ông đáp.

“Bác ơi! Tỉnh mình đang có dịch sốt xuất huyết, mức cao nhất nước đó! Báo họ viết vậy...”.

Khi ông trả tiền rồi xuống xe, cậu lái xe còn chúc: “Chúc hai anh chị con bác sớm bình phục”. Ông nghĩ: “Mình lại gặp thêm một người tử tế”.

***

Qua ngày thứ nhì thì bệnh của cậu con trai ông cũng được xác định là sốt xuất huyết. Xét nghiệm máu, tiểu cầu giảm xuống chỉ còn 35.000, quá thấp so với mức bình thường khoảng 150.000. Một ngày truyền đến ba chai dịch, hai chai Ringer Lactate và một chai dung dịch đẳng trương.

Cậu trai nhanh nhẹn, năng động hằng ngày giờ nằm im trên giường bệnh, không buồn nói năng. “Nếu tiểu cầu xuống dưới 20.000, chúng tôi sẽ cho truyền máu”. Chị bác sĩ trưởng khoa đứng tuổi nói với ông.

Còn may là qua ngày thứ ba thì cô con dâu có dấu hiệu xuất huyết ngoài da, toàn thân ngứa ngáy phải uống thuốc chống ngứa. “Vậy là cháu sắp khỏi rồi”. Cũng chị bác sĩ nói với ông.

Cả nhà cùng mừng. Ít nhất thì cũng có người ở lại đêm chăm sóc người bệnh. Lại là vợ chăm chồng. Việc của ông chỉ còn là sáng sớm và gần trưa đem cháo loãng lên bệnh viện cho con trai và cơm canh cho con dâu. Buổi chiều, cô con út thay phiên.

Cha mẹ, anh chị của con dâu ông cũng cách ngày lại từ dưới huyện đi xe máy vượt hai chục cây số lên thăm. Đồng nghiệp cậu con trai đến thăm từng tốp, nói những câu động viên trong nét mặt ái ngại. Cậu con trai luôn miệng kêu đói vì chẳng ăn uống được gì. “Chỉ khi truyền dịch mới thấy đỡ đói”.

Buổi tối ngày thứ năm kể từ khi nhập viện, ông nghe điện thoại con dâu gọi về, giọng hốt hoảng: “Anh V. bị ói ra máu bố ơi!”. “Thế có gọi bác sĩ chưa?”. “Dạ rồi. Nhưng bác sĩ chỉ nhìn, hỏi vài câu rồi không nói gì nữa. Cũng không thấy cho thuốc gì...”. Ông cũng hoảng nhưng cố trấn tĩnh con: “Có bác sĩ đến là được rồi. Chắc họ thấy chưa đến mức nguy hiểm”.

Xuất huyết nội tiêu hóa. Ông đọc tài liệu khi tra Google và biết trường hợp con trai ông là nặng so với các trường hợp xuất huyết ngoài da.

***

Ông vào bệnh viện sớm với cặp lồng thức ăn là cháo lỏng cho người bệnh trẻ vẫn còn sốt cao. Bệnh viện mới xây dựng xong và đi vào hoạt động được hơn nửa năm. Tất cả đều còn mới. Ngoài những khu vực hành chính, hai block nhà nhiều tầng là khu điều trị nội trú mà lần đầu tiên vào block B, khu dịch vụ, ông có cảm giác mình đang đi trong một khách sạn cao cấp.

Không thấy cảnh thân nhân người bệnh nằm ngồi ở hành lang các phòng bệnh. Mỗi phòng đều gắn máy lạnh, có hai giường, ngăn cách bởi một tấm riđô. Hai phía thêm hai chiếc giường phụ cho thân nhân. Toa-lét ngay trong phòng, tiện lợi.

Nhưng trong điều kiện đi thăm nuôi bệnh nhân như ông thì cái bề ngoài của một khách sạn thực chất vẫn cứ là một bệnh viện. Lòng ông bất an cho đến khi nhìn thấy cậu con trai đã ngồi dậy và tươi tỉnh đôi chút. “Buổi sáng đều có vẻ như bình thường, bố ạ. Cặp nhiệt chỉ 37 độ thôi. Đến gần trưa trở đi mới cao”.

8 giờ, bác sĩ trực đến khám, chỉ hỏi vài câu và không thấy nói gì thêm. 9 giờ, y tá vào truyền dịch. Vẫn ba chai dịch truyền treo lủng lẳng phía đầu giường. Nối với mạch đầu tiên vẫn là chai Ringer Lactate.

Cô con dâu nhờ ông ở lại để về nhà thăm con và đem quần áo về giặt, gần trưa sẽ trở lại, đem thức ăn cho cả hai vợ chồng. Ông vừa ngồi nghỉ thì cậu con trai đang nằm truyền dịch bật dậy, ôm ngực ói. Ông chạy qua phía bên kia giường. Chỉ là một bãi nước sệt, chắc là cháo lỏng mới ăn, nhưng một khoảng màu đỏ tươi của máu nổi lên.

Ông gọi bác sĩ. Chị bác sĩ trưởng khoa đích thân qua xem. Chị xem khá kỹ. “Tôi sẽ cho tiêm thuốc chống ói cho cháu. Bệnh đã chuyển qua giai đoạn xuất huyết. Còn phải chịu đựng hai ba ngày nữa. Diễn biến bệnh phải thế, không sao đâu”. Lời giải thích làm ông cảm thấy yên lòng phần nào.

Khi chỉ còn hai cha con, ông hỏi: “Có cái giẻ lau nào không?”. “Bố lấy khăn giấy lau giúp con. Hay là lấy giấy báo cũng được”. “Giấy báo à?”. Ông thốt lên vì không nghĩ rằng giấy báo lại có tác dụng. Nhưng ông vẫn thử. Tờ giấy báo in quảng cáo hút nước rất nhanh. Thêm tờ thứ hai, rồi tờ thứ ba. Cuối cùng ông mới dùng khăn giấy để lau cho thật sạch.

“Xong rồi!”. Ông thở phào, trở lại cái giường phụ sát vách ngồi nghỉ. Và nghĩ! Hình như đây là một lần hiếm hoi ông làm cái việc “dọn dẹp vệ sinh” cho người thân.

Một người giỏi giang, thông minh, cũng từng có chút địa vị xã hội như ông thế mà bây giờ mới biết rằng giấy báo cũng hút được nước ói! Mà dọn dẹp xong thì thấy trong lòng nhẹ nhõm làm sao! Giá như chuyện này xảy ra lần nữa trước mắt ông, ông sẽ làm nhanh nhẹn hơn, chu đáo hơn.

“Ồ! Sao mình lại mong cái việc đáng lo ấy xảy ra nữa nhỉ? Bậy bạ quá!”. Ông nghĩ và cười một mình...

***

Ngày thứ chín, cậu con trai dứt hẳn sốt cao, bắt đầu ăn được cơm. Một giờ trưa, ông đang nằm lim dim thì điện thoại của vợ ông có tin nhắn.

“Cơm trưa nay ngon lắm. Nhất là món tôm xốt cà chua. Con cảm ơn mẹ”.

Vợ ông đưa cho ông đọc và nói: “Chưa bao giờ tôi thấy nó biểu lộ tình cảm thế này!”.

“Thì đàn ông nào mà chả thế! Nhưng cũng có những lúc ngoại lệ!”. Ông không khỏi vui mừng. Vậy là chỉ còn chờ kết quả xét nghiệm máu xem số tiểu cầu đã lên đến mức trung bình chưa...

***

Hôm nay ông vẫn đến bệnh viện vào buổi sáng sớm. Chạy xe gắn máy vào tầng hầm gửi xe, ông dừng lại bên chiếc bàn có một cậu trai ngồi ghi phiếu, một cậu khác đứng nhìn và đọc số xe.

“Hôm nào cũng thấy bác vào hai lần. Nhà không còn ai hay sao mà bác phải đi nuôi bệnh thế?” - cậu đọc số xe hỏi.

“Nhà neo người quá. Bà nhà tôi phải ở nhà trông cháu, nấu nướng. Chỉ còn mình tôi đi lại” - ông đáp.

“Tội bác quá! Thế người nhà bác đã khá chưa?” - cậu ngồi ghi vé hỏi thăm.

“Cảm ơn. Sáng nay cháu được xuất viện rồi”.

“Thế thì chúc mừng bác nhé!” - cả hai cậu giữ xe cùng thốt lên một lúc.

Ông đi thang máy lên tầng 11. Tâm trạng ông khác hẳn mọi hôm. Nó gần giống như những lần ông cùng nhân viên đi thăm bệnh hồi còn làm việc. Công việc nó buộc thế. Những lần thăm bệnh ấy hầu hết là “nghĩa vụ” hoặc “xã giao”, hiếm khi là thăm thân. Quà là hộp sữa, túi trái cây hoặc phong bì cho dễ “tùy nghi sử dụng”. Giống như con ông đã nhận chục ngày qua.

Bây giờ thì mới thực là ông đi trong một “bệnh viện khách sạn” với những hành lang thông thoáng, sạch sẽ. Không! Chắc chắn buổi này không giống chục ngày qua đầy lo lắng đã đành, mà nó cũng khác hẳn những lần đi thăm bệnh “nghĩa vụ” trước kia.

Cái quãng đời ít thật nhiều giả ấy như hư ảo, đã qua. Ông đang được trải nghiệm những ngày “sống thật” của đời mình.

“Bố! Vợ chồng con tự về nhà được mà. Bố lên làm gì?” - vợ chồng cậu con trai cùng nói.

Chẳng hiểu từ đâu một câu nói rơi vào miệng ông: “Vì tao là bố chúng mày!”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận