30/11/2018 07:25 GMT+7

'Đối thoại' với thầy cô, dễ hay khó?

ĐỒNG LỘC
ĐỒNG LỘC

TTO - Khi con có vấn đề với thầy cô, phụ huynh nên gặp để trao đổi nhưng đừng gặp với tư thế của người đi tra vấn.

Đối thoại với thầy cô, dễ hay khó? - Ảnh 1.

Các buổi gặp gỡ thẳng thắn trên tinh thần tôn trọng, lắng nghe nhau rất quan trọng trong mối quan hệ gia đình - nhà trường - Ảnh: Fotolia

Nên chọn thời điểm thích hợp để gặp thầy cô - đừng gặp vào lúc đưa con đến trường hay đón con về. Hãy nói với giáo viên rằng: "Tôi đến gặp thầy/cô về một vấn đề mà tôi chưa hiểu hết, nhưng tôi mong chúng ta có thể cùng nhau tìm cách giải quyết cho cháu có được tâm trạng ổn thỏa".

Bạn hãy kể lại một cách trung thực những lời con bạn đã nói với bạn. Đừng bao giờ nói "Con tôi bảo thầy/cô nói thế này, thế kia", trái lại, hãy nói rằng "Tôi mong được thầy/cô giúp đỡ để hiểu rõ điều gì đã khiến cháu có tâm trạng như thế".

Hãy trình bày sự việc khách quan, có thể là con đã quấy phá gì đó làm giáo viên bực bội. Nhiều phụ huynh cứ luôn cho rằng con mình ngoan hiền, không bao giờ làm điều gì sai trái. Trên thực tế, có nhiều đứa trẻ ở nhà thì có vẻ ngoan (vì sợ bố mẹ đánh đòn), nhưng vào lớp nó là đứa đầu trò bày ra đủ chiêu quậy phá đến mức thầy cô chịu không nổi, phải áp dụng hình phạt nào đó.

Đối thoại với thầy cô, dễ hay khó? - Ảnh 2.

Trò chuyện cởi mở với giáo viên, cha mẹ sẽ hiểu rõ hơn vấn đề của con mình - Ảnh minh họa: Metadata

Chúng ta phải hiểu rằng trẻ con bao giờ cũng là trẻ con, không phải lúc nào cũng thành thật. Vậy nên khi trẻ nói dối, dù bạn có trình bày sự việc nhẹ nhàng, người giáo viên vẫn cảm thấy họ bị chỉ trích, điều này là dĩ nhiên, nhất là đối với những người có tính cách nhạy cảm. 

Do đó, bạn hãy trấn an và động viên giáo viên rằng bạn không có ý đổ lỗi cho họ. Đừng đẩy giáo viên vào thế phòng thủ, chỉ càng làm cuộc trò chuyện nên căng thẳng và nặng nề thêm. 

Nếu họ tỏ ra bực bội, bất an, bạn hãy giữ bình tĩnh và lặp đi lặp lại rằng bạn chỉ muốn tìm hiểu cho rõ ràng sự việc mà thôi. Khi giáo viên cảm thấy thoải mái, họ sẽ cho bạn biết tại sao con bạn lại có tâm trạng như thế. 

Ví dụ con bạn cho rằng thầy/cô bỏ lơ nó, không gọi nó trả lời câu hỏi, có thể giáo viên sẽ cho bạn biết lý do: con bạn rất khá, trả lời được, nhưng họ sẽ gọi những học sinh kém hơn, thụ động hơn để khuyến khích và động viên chúng.

Lúc này, bạn và giáo viên sẽ cùng trao đổi hướng xử lý để có cách dạy phù hợp nhất đối với con bạn.

Việc gặp gỡ trực tiếp với giáo viên cũng sẽ giúp bạn hiểu thêm về cá tính của người đó. Nhờ vậy, bạn có thể giải thích với con mình rằng có những thầy/cô rất nghiêm nghị, ít nói cười, hoặc đôi khi cáu gắt, nhưng bản chất họ là người tốt và họ hoàn toàn không có ác cảm cá nhân gì với nó.

Hai bên cũng sẽ giải tỏa được những khúc mắc, cùng hợp tác để tìm hướng ứng xử phù hợp nhất cho đứa trẻ.

Trong trường hợp giáo viên là người "có vấn đề", cố ý gây rắc rối cho con bạn, cuộc gặp còn có tác dụng "nhắc khéo" người đó rằng hãy thay đổi cách cư xử vì bạn rất quan tâm và đang theo dõi cách họ đối xử với con bạn.

Nhưng, nếu mọi sự cứ vẫn như cũ thì sao? Bạn phải làm gì để cải thiện tình hình học tập và ổn định tâm lý cho con mình?

* Kỳ tới: Ứng xử sao khi con bị thầy cô 'đì'?

Cô giáo phạt trò 231 cái tát: Cần rà soát đội ngũ

TTO - Vụ cô giáo phạt tát học sinh 231 cái cho thấy giáo viên thiếu sự đồng cảm, thiếu cả kiến thức về tâm lý trẻ em và hành xử không đúng về mặt sư phạm.


ĐỒNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên