13/01/2018 06:30 GMT+7

Đối thoại về bóng đá VN: Nhiều câu hỏi cần giải đáp

KHươNG XUâN
KHươNG XUâN

TT - Hàng trăm câu hỏi, chất vấn của chuyên gia, nhà báo, người hâm mộ đã được gửi đến các cơ quan có trách nhiệm trước thềm cuộc đối thoại về bóng đá VN diễn ra tại nhà khách Chính phủ vào hôm nay (13-1) dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.

*** Error ***
Các cầu thủ phản ứng với quyết định của trọng tài - hình ảnh thường thấy ở đấu trường V-League. Ảnh: N.K

Cuộc đối thoại được tổ chức theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội nghị sơ kết 4 năm triển khai Chiến lược phát triển bóng đá VN đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được tổ chức ngày 19-12-2017.

Ngoài Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, cuộc đối thoại còn có mặt ông Nguyễn Ngọc Thiện - bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, ông Lê Khánh Hải - thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, đại diện Bộ Giáo dục - đào tạo, lãnh đạo cao nhất của Tổng cục TDTT, LĐBĐVN (VFF), Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF)... Các cá nhân, đơn vị này sẽ là những người trả lời các nội dung chất vấn về các vấn đề của bóng đá VN.

Gửi câu hỏi về cho ban tổ chức (BTC) cuộc đối thoại, ông Trần Duy Ly - nguyên phó chủ tịch VFF - quan tâm nhiều đến hiệu quả của Chiến lược phát triển bóng đá VN đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Ông Ly cho rằng: “Trong chiến lược đề ra các mục tiêu, dự án thực hiện rất cụ thể. Thế nhưng trong báo cáo sơ kết của lãnh đạo Bộ VH-TT&DL, tôi chưa biết được các đề án nêu trên đã được chi tiết hóa như thế nào: Mục tiêu, giải pháp, kinh phí, tiến độ thực hiện. Ai là người tham gia, phụ trách thực hiện các đề án của chiến lược. Theo tôi hiểu phương thức tổ chức thực hiện chiến lược còn chung chung, không cụ thể nên kết quả thực hiện nghèo nàn, chưa thực sự tập hợp được các bộ ngành, các địa phương, các CLB quyết liệt vào cuộc vì sự phát triển của bóng đá VN”.

Ông Trần Duy Long - nguyên chủ tịch LĐBĐ TP.HCM - cho biết để xây dựng và phát triển bóng đá VN vững chắc và hiệu quả, Bộ VH-TT&DL cần phối hợp với các bộ, ngành đưa bóng đá học đường vào các trường phổ thông, đại học. Có như vậy bóng đá mới được đào tạo bài bản, tạo môi trường tìm kiếm tài năng cho bóng đá VN.

Chuyên gia Trịnh Minh Huế đưa ra hàng loạt thắc mắc gửi đến cuộc đối thoại. Trong đó ông Huế nhấn mạnh vì sao Quy chế bóng đá chuyên nghiệp VN lại làm những điều mà FIFA cấm hay khuyến cáo không nên: một pháp nhân không được sở hữu hay tài trợ cho 2 CLB trở lên...

Về công tác trọng tài, ông Đoàn Phú Tấn - nguyên thành viên ban trọng tài VFF - gửi đến Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ý kiến nhiều trăn trở. Ông Tấn chỉ ra nhiều điểm bất cập trong công tác điều hành, quản lý đội ngũ trọng tài của bóng đá VN hiện nay - nơi mà thời gian qua truyền thông, người hâm mộ vẫn “đau đầu” vì những tiếng còi méo mó.

Góp ý về công tác kỷ luật VFF, ông Tấn cũng cho rằng sự răn đe, xử lý của ban kỷ luật VFF hoàn toàn chưa đạt yêu cầu.

Người nhà nước có nên tham gia VFF?

Các lãnh đạo ngành thể thao (thứ trưởng), lãnh đạo quản lý cấp vụ, chuyên viên của Ủy ban TDTT (nay là Bộ VH-TT&DL, Tổng cục TDTT) được cơ cấu tham gia vào VFF diễn ra suốt từ nhiệm kỳ I VFF năm 1989 đến nay.

Và khi đại hội VFF khóa VIII chuẩn bị diễn ra, những câu hỏi về việc có nên cho lãnh đạo quản lý của ngành thể thao ứng cử các chức danh chủ chốt tại VFF lại được người hâm mộ đặt câu hỏi với Tổng cục TDTT trước thềm đối thoại như: Lâu nay có cán bộ của Tổng cục TDTT tham gia vào cơ cấu của VFF, thậm chí nhiều nhiệm kỳ. Đề nghị tổng cục nói rõ quan điểm này có phù hợp với quy định của FIFA không? Đó có phải là cách để tăng cường quản lý nhà nước về bóng đá hay không? Sắp tới tổng cục có tiếp tục cử người tham gia vào một số vị trí tại đại hội VFF khóa VIII không?

Việc chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng bị bệnh trong phần lớn thời gian nhiệm kỳ VII cũng được đưa ra đặt vấn đề. Một số người hâm mộ chất vấn: Tại sao trong phần lớn thời gian của nhiệm kỳ vừa rồi, chủ tịch VFF có vấn đề về sức khỏe, những cam kết khi trúng cử không thực hiện được. Điều này đã ảnh hưởng đến tình hình chung của bóng đá VN. Nội bộ của VFF bộc lộ nhiều yếu kém, bức xúc phải chăng do “sức khỏe” của VFF không đảm bảo nhưng Bộ VH-TT&DL, Tổng cục TDTT không có ý kiến để VFF kiện toàn? VFF cũng không có phương án xử lý kịp thời để ổn định và bảo đảm hiệu quả hoạt động của bộ máy?

KHươNG XUâN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên