Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tiếp tục trấn an châu Á về sự quan tâm của cường quốc này đối với khu vực giữa lúc cuộc chiến ở Ukraine, Trung Đông và cuộc bầu cử tổng thống sắp tới tại nước này làm dấy lên lo ngại Washington lơ là với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Như thông lệ mỗi năm, bài phát biểu của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và phần hỏi đáp sau đó tại Đối thoại Shangri-La luôn là tâm điểm chú ý. Năm nay, thông điệp được người đứng đầu Lầu Năm Góc đưa ra tại Singapore ngày 1-6 dừng lại ở mức vừa đủ trấn an, không có quá nhiều điểm mới.
Mỹ chỉ an toàn khi châu Á an toàn
Ngày càng có nhiều lo ngại rằng việc Mỹ tập trung giúp Ukraine chống lại Nga và hỗ trợ cho cuộc chiến của Israel ở Dải Gaza, đồng thời cố gắng đảm bảo xung đột không lan rộng, đã làm mất đi sự chú ý của Washington với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Dường như hiểu được điều đó, tại Đối thoại Shangri-La, ông gửi đi thông điệp: "Bất chấp những cuộc đụng độ lịch sử ở châu Âu và Trung Đông, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vẫn là nơi hoạt động ưu tiên của chúng tôi", ông Austin nhấn mạnh. Bảo vệ an ninh và thịnh vượng của khu vực này, theo ông Austin, vẫn là nguyên tắc tổ chức cốt lõi của chính sách an ninh quốc gia Mỹ.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc khẳng định: "Những hành động mà chúng ta cùng nhau làm ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục định hình thế kỷ 21 cho toàn thế giới". "Mỹ chỉ có thể an toàn nếu châu Á an toàn.
Đó là lý do tại sao Mỹ từ lâu đã duy trì sự hiện diện trong khu vực này. Và đó là lý do tại sao chúng tôi tiếp tục thực hiện các khoản đầu tư cần thiết để đáp ứng các cam kết của chúng tôi với các đồng minh và đối tác", ông Austin khẳng định.
"Bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin tại Đối thoại Shangri-La năm nay đã tái khẳng định sự quan tâm và cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bất chấp những thách thức hết sức to lớn ở châu Âu và Trung Đông.
Thông điệp của ông rất rõ ràng và thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Mỹ trong việc đóng vai trò chủ chốt trong bảo đảm an ninh khu vực" - TS Ngô Di Lân, nghiên cứu viên tại Học viện Ngoại giao có tham dự trực tiếp Đối thoại Shangri-La, nhận định với Tuổi Trẻ.
Tuy nhiên, ông Lân cho biết đâu đó vẫn có những lo ngại nhất định từ các đồng minh về cam kết lâu dài của Mỹ và mong muốn có những hành động cụ thể hơn.
Chỉ trích Nga, không nhắc Trung Quốc
Cũng trong bài phát biểu tại Shangri-La, ông Austin đã nhắc đến Nga, chỉ trích nước này vì cuộc xung đột ở Ukraine.
Trong phần hỏi đáp sau đó, ông bác bỏ nhận định cho rằng sự mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về phía đông đã dẫn tới xung đột Nga - Ukraine.
Tuy nhiên, khi nhắc đến viễn cảnh có phiên bản NATO châu Á, ông Austin cho rằng đây không phải là việc tìm kiếm liên minh mới, bởi những hợp tác của Mỹ với đồng minh, đối tác là vì sự hội tụ các mong muốn thượng tôn pháp luật, duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
"Vì sao ông lại cẩn thận tránh đề cập đến Trung Quốc khi nói về eo biển Đài Loan hoặc các vấn đề ở Biển Đông. Và ông cũng không đề cập gì đến cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung?", một người tham dự đặt câu hỏi với ông Austin.
Đáp lại, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhắc đến việc ông vừa gặp người đồng cấp Trung Quốc Đổng Quân một ngày trước và khẳng định Washington không muốn có quan hệ gây tranh cãi với Bắc Kinh.
"Tôi đã nói nhiều lần là theo quan điểm của tôi, chiến tranh hay xung đột với Trung Quốc không phải là điều sắp xảy ra hay không thể tránh khỏi". Washington sẽ tiếp tục làm việc với các đồng minh và đối tác, đảm bảo tự do hàng hải, hàng không và quyền phát triển trong vùng đặc quyền kinh tế trên biển.
Mặc dù không nhắc đến Bắc Kinh, bài phát biểu của ông Austin vẫn gây ra phản ứng đến từ đoàn quan chức quốc phòng Trung Quốc dự đối thoại. Trung tướng Jing Jianfeng, phó chánh văn phòng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy trung ương Trung Quốc, cáo buộc chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ chỉ phục vụ lợi ích của nước này và nhằm mục đích "tạo ra sự chia rẽ, kích động đối đầu, làm suy yếu sự ổn định" tại khu vực.
Theo TS Ngô Di Lân, một khi Mỹ đã xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược thì mọi chính khách Mỹ đều sẽ không muốn bị coi là "mềm yếu" trước Trung Quốc, do đó khó xảy ra việc ngó lơ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngay cả trong năm bầu cử 2024.
"Nếu có sự thay đổi thì điều đó sẽ chỉ nằm ở tầng chiến thuật, ở các sách lược ứng phó cụ thể chứ Mỹ sẽ không "bỏ rơi" Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là trong năm bầu cử", TS Ngô Di Lân nhận định.
Tổng thống Ukraine đến Singapore
Ngày 1-6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đến Singapore, đánh dấu chuyến công du châu Á thứ hai của ông kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ.
Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế, đơn vị tổ chức Đối thoại Shangri-La 2024, cho biết ông Zelensky sẽ tham gia một phiên thảo luận vào trưa nay (2-6) theo giờ Việt Nam.
Nhà lãnh đạo Ukraine dự kiến kêu gọi các nước tham dự và ủng hộ hội nghị thượng đỉnh hòa bình cho Ukraine vào giữa tháng này tại Thụy Sĩ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận