TTCT - Trong khi châu Âu còn chưa hết bàng hoàng vì thái độ khác trước của Nhà Trắng về Ukraine, thì hôm thứ ba 18-2 tại Riyadh, Nga và Mỹ đã sớm đạt được một số thỏa thuận ban đầu, song then chốt. Ảnh: The InterceptNgoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã độc quyền thố lộ với CNN và AP sau hội nghị với Nga. Ông cho biết hai bên đã thỏa thuận bốn nguyên tắc mà đầu tiên là sẽ hành động rất nhanh chóng để tái lập chức năng của các phái bộ ngoại giao hai bên tại Washington và Matxcơva.Mỹ muốn gì ở châu ÂuCụ thể, các đại sứ quán hướng tới hoạt động trở lại bình thường sau khi đã bị gián đoạn vào năm 2022. Kế đến, cũng theo ông Rubio, cần "kết thúc vĩnh viễn" cuộc chiến tranh ở Ukraine, chứ không phải là tạm thời như từng thấy trong quá khứ. Muốn thế, sẽ phải rất thực tế thảo luận về vấn đề lãnh thổ. Cuối cùng, cần phải thảo luận về các đảm bảo an ninh. Theo ông, đó là những điều cơ bản làm nền tảng cho bất kỳ thảo luận nào tiếp theo.Ông cũng giải thích tại sao lại thỏa thuận như trên với phía Nga: "Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là Tổng thống Mỹ (Donald Trump) đã tuyên bố mong muốn, quyết tâm của mình, chấm dứt cuộc chiến này, chấm dứt việc giết chóc đang diễn ra. Cái chết và sự tàn phá đang xảy ra khi cuộc chiến tiếp diễn, tháng này qua tháng khác trên các chiến trường giết chóc ở miền đông và miền nam Ukraine là điều không thể chấp nhận được". Có thể hình dung, qua tường thuật của Ngoại trưởng Rubio, Tổng thống Trump đã và đang đau khổ như thế nào trước cảnh chết chóc ở Ukraine.Nhưng cuộc đàm phán ở Riyadh, và cả bài lên lớp trước đó của Phó tổng thống Mỹ JD Vance ở Hội nghị an ninh Munich, ngoài thể hiện tâm trạng đau buồn của ông Trump về chiến tranh Ukraine, còn là để nhắc lại yêu cầu lâu nay của vị tổng thống tự nhận mình là người thương thuyết giỏi nhất thế giới: mục tiêu chi tiêu quân sự 2% GDP mà NATO đặt ra cho toàn khối vào năm 2014 đã không đạt được ở nhiều nước thành viên châu Âu trong nhiều năm.Chỉ từ sau tháng 2-2022, một số nước NATO mới tăng chi tiêu vì nỗi sợ về các cuộc chiến tranh mới và cả vì nghi ngại khả năng Hoa Kỳ tiếp tục đóng vai trò bảo trợ an ninh cho họ, nhất là nếu ông Trump tái đắc cử. Tính đến tháng 6-2024, 23/31 thành viên NATO được dự đoán sẽ đạt mục tiêu 2% GDP trong năm 2024, tăng từ chỉ 10 thành viên một năm trước đó. Thụy Điển và Phần Lan là hai thành viên mới gia nhập cũng đã tăng chi tiêu quân sự lên trên 2% GDP trong dịp này.Theo dữ liệu tính đến ngày 17-6-2024, các quốc gia thành viên NATO còn trễ nải trong việc nâng chi tiêu quốc phòng đúng chuẩn gồm các nước Nam Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý, Croatia, Slovenia, Luxembourg, Bỉ và Canada. Có vẻ càng xa lò lửa chiến tranh, các nước càng chần chừ tăng ngân sách quốc phòng.Ảnh: ReutersĐây chính là điều khiến Mỹ, nhất là ông Trump, không "ưa" ở châu Âu và trở thành điểm gây tranh cãi. Mỹ đơn giản vẫn là nước chi tiêu quốc phòng lớn nhất khối NATO, tương đương 3,4% GDP, và tổng số phân bổ cho quốc phòng nhiều hơn tất cả các thành viên khác cộng lại. Ở nhiệm kỳ đầu, đây là vấn đề đối ngoại hàng đầu của ông Trump. Lúc bấy giờ, ông tuyên bố: "Chúng ta đã chi tiêu - đã gần như chi trả cho toàn bộ NATO. Thế mà họ lại lợi dụng chúng ta trong thương mại… Tôi nghĩ NATO nên chi nhiều hơn nữa, không chỉ là 2%, mà phải là 5%".Để rồi mới 12-2 vừa rồi, tại Stuttgart (Đức), tân Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Pete Hegseth nhắc lại trong một cuộc họp báo, rằng chuyện châu Âu phải tự bảo vệ là lẽ tất nhiên: "Nay Tổng thống Trump nghĩ phải nâng lên 5%, Tôi nghĩ rằng điều đó là đúng đắn. Chúng tôi tin rằng các nhu cầu phải là cao hơn". Dù thích hay không, châu Âu cũng sẽ không thể phớt lờ đòi hỏi đó.Mới là vòng thăm dò?Trở lại với cuộc đàm phán Riyadh, cuộc gặp gỡ Mỹ - Nga hôm 18-2, ngoài chuyện thiết lập một số nguyên tắc, có thể được gọi là một động thái thăm dò rất quan trọng. Nói theo Ngoại trưởng Mỹ Rubio thì vòng đàm phán Riyadh là "bước đầu tiên trên con đường dài và khó khăn", còn theo Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov thì hai bên đã bắt đầu "lắng nghe nhau". Báo Vzglayd (Nga) viết: "Matxcơva và Washington thử nhau ở Riyadh".Trước tiên, hai bên cần thấy được mức độ nghiêm túc thật sự của ý định hòa giải từ bên kia. Điều này thể hiện qua mong muốn trước hết là bình thường hóa công việc của các cơ quan ngoại giao, vốn đã bị hạ xuống mức thấp nhất thời ông Biden. Các thứ trưởng ngoại giao hai nước được giao nhiệm vụ "loại bỏ tất cả các chướng ngại trong công việc của các cơ quan ngoại giao, đồng thời bổ nhiệm đại sứ để kết thúc triệt để các vấn đề trong quan hệ ngoại giao hai nước".Ảnh: Al JazeeraVề việc khởi động tiến trình giải quyết xung đột Ukraine, trong khi ông Rubio bắn đi tia thăm dò "thỏa thuận phải được tất cả các bên tham gia chấp nhận", mà báo Anh The Guardian diễn giải là "vấn đề lãnh thổ và bảo đảm an ninh", thì ông Lavrov nhấn mạnh, vẫn như trước nay, Matxcơva khẳng định sẽ không thỏa hiệp về chuyện lãnh thổ và việc NATO hiện diện sát sườn Nga tại Ukraine.Dị biệt này đã được ông Rubio tuyên bố sẽ được giải quyết theo cách "các phía liên quan đến xung đột Ukraine đều phải đồng ý với quyết định chấm dứt xung đột" và chấm dứt "một cách công bằng". Còn thế nào là "công bằng" thì chắc chắn sẽ là đề tài tranh luận dài dài, bởi Matxcơva cũng từng đề cập việc hình thành "một hệ thống an ninh châu Âu công bằng, cũng như đạt được vị thế trung lập cho Ukraine".Cuối cùng là triển vọng hợp tác. Nhóm thương thuyết của ông Trump nhiều lần đề cập đến một "nền hòa bình bền vững và lâu dài", trong khi Nga nêu ra nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp Mỹ nếu trở lại thị trường Nga. CNN ghi nhận sự xuất hiện đặc biệt của Tổng giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev tại Riyadh ngay tối trước đàm phán, người kịp trả lời phỏng vấn The New York Times, nêu con số 300 tỉ USD các doanh nghiệp Mỹ đánh mất khi rời khỏi thị trường Nga, và triển vọng cho các công ty dầu khí Mỹ. Lĩnh vực hợp tác vũ trụ cũng được đề cập.Cộng đồng chuyên gia lưu ý rằng kết quả của các cuộc đàm phán có thể được coi là một bước tiến đáng kể, nhưng đánh giá của Matxcơva về kết quả đối thoại xem ra còn dè dặt. Điều này được quyết định bởi thực tế rằng Matxcơva không có kế hoạch thay đổi lập trường về các vấn đề cơ bản. ■ Trong cuộc họp báo sau đàm phán Riyadh, khi được hỏi "Hoa Kỳ có chấp nhận việc Nga giữ lại bất kỳ lãnh thổ nào đã sáp nhập kể từ khi chiến tranh bắt đầu vào tháng 2-2022 không?", Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Mike Waltz trả lời: "Tôi nghĩ đó là những điều cần được thảo luận. Và đó là những điều chúng tôi sẽ bắt đầu và thực hiện công việc khó khăn phía trước. Nhưng điều quan trọng là chúng tôi đã bắt đầu quá trình đó. Và điều mà tổng thống không thấy chấp nhận được là một cuộc chiến tranh bất tận ở châu Âu đang thực sự biến thành - đã biến thành - một cối xay thịt với những người ở cả hai bên".Ông Waltz cũng nhấn mạnh vai trò của Tổng thống Trump: "Vì vậy, thử nghĩ mà xem, chỉ trong vài tháng, Tổng thống Trump đã chuyển toàn bộ cuộc trò chuyện toàn cầu từ không phải liệu cuộc chiến có kết thúc hay không thành nó sẽ kết thúc như thế nào. Và chỉ có Tổng thống Trump mới làm được điều đó. Tại Phòng Bầu dục cách đây chưa đầy một tuần, cả Tổng thống Putin và Tổng thống Zelensky đều nói với ông ấy rằng chỉ có ông, Tổng thống Trump, mới có thể đưa cuộc chiến này đến hồi kết".Tuy nhiên, vấn đề đặt ra với châu Âu, và nhất là với Ukraine, là nó sẽ kết thúc như thế nào, thể hiện qua câu hỏi tiếp theo với ông Waltz: "Ông mong đợi những nhượng bộ nào từ phía Nga?". Trả lời: "Một lần nữa, đây không phải là một cuộc đàm phán để chấm dứt cuộc xung đột này. Đó sẽ là những gì cần diễn ra qua ngoại giao khó khăn và gian khổ trong những căn phòng kín trong một khoảng thời gian".Ông Waltz cũng nêu ra hai điểm "quan trọng cần phải hiểu", cũng có thể coi là kết luận của phía Hoa Kỳ về những gì diễn ra sắp tới: (1) "Nhà lãnh đạo duy nhất trên thế giới có thể biến điều này thành hiện thực, thậm chí có thể tập hợp mọi người lại với nhau để bắt đầu nói về nó một cách nghiêm túc, là Tổng thống Trump". Và (2) "Để chấm dứt xung đột, mọi người tham gia vào xung đột đó phải chấp nhận nó". Tuy nhiên, ông cũng thòng thêm: "Chúng ta phải hiểu rằng đã ba năm rưỡi trôi qua kể từ khi có bất kỳ hình thức liên lạc chính thức nào giữa Hoa Kỳ và Nga, và trong một số trường hợp là giữa bất kỳ bên nào tham gia vào cuộc xung đột này và Nga".Tóm lại, từ chỗ không nhìn mặt nhau, nay mới chỉ chịu ngồi xuống nói chuyện, còn thu xếp thế nào sẽ phải "hạ hồi phân giải". Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Chiến sự Nga - Ukraine Tiếp theo Tags: Tổng thống PutinTổng thống Mỹ Donald Trump NgaMỸUkraine
Việt Nam, Lào và Campuchia thắt chặt quan hệ giữa các lãnh đạo cấp cao DUY LINH 22/02/2025 Ngày 22-2, tại TP.HCM, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc gặp Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen và Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào Thongloun Sisoulith.
Vatican bác thông tin Giáo hoàng Francis từ chức UYÊN PHƯƠNG 22/02/2025 Ngày 22-2, Tòa thánh Vatican bác bỏ thông tin cho rằng Giáo hoàng Francis sẽ từ chức, đồng thời cho biết ngài đã nghỉ ngơi tốt.
Nghi phạm dùng dao xông vào cướp tiền FPT Shop vừa khai vừa khóc MINH HÒA 22/02/2025 Nghi phạm cầm dao xông vào cửa hàng FPT Shop trên đường Phạm Văn Đồng (phường Linh Tây, TP Thủ Đức, TP.HCM) cướp hơn 152 triệu đồng.
Sai phạm ở sân bay Long Thành: Bắt giám đốc, phó giám đốc trung tâm quỹ đất và nhiều lãnh đạo xã HÀ MI 22/02/2025 Liên quan vụ sai phạm đền bù dự án sân bay Long Thành, Công an Đồng Nai vừa bắt thêm giám đốc, phó giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Long Thành và nhiều cán bộ.