Giàng Chẩu Trai, bí thư Đoàn xã Minh Tân (bìa phải), trao đổi cùng các đoàn viên trong đội TNXK cách chăm sóc trâu bò, giúp tránh rét - Ảnh: Đ.Bình |
"Các anh cứ lên các xã biên giới thì sẽ rõ vì sao Đoàn thanh niên, công an và biên phòng tỉnh quyết tâm lập các đội thanh niên xung kích này |
Toàn tỉnh Hà Giang đã lập được 42 “đội thanh niên xung kích (TNXK) vì an ninh Tổ quốc gắn với phát triển sản xuất” tại 34 xã biên giới và 8 xã phức tạp về an ninh trật tự. Sau một năm thành lập, mô hình này đang dần phát huy tác dụng như tên gọi…
Nhiều lần tới mảnh đất địa đầu Hà Giang, chúng tôi luôn được các cán bộ tỉnh đoàn hay chiến sĩ biên phòng nhắc đến cụm từ đội TNXK.
Khi hỏi vì sao lại có đội TNXK, Bí thư Tỉnh đoàn Hà Giang Vương Ngọc Hà, nữ thủ lĩnh người dân tộc La Chí, cười rất tươi đáp luôn: “Vì búc xúc quá” rồi nói thêm: “Các anh cứ lên các xã biên giới thì sẽ rõ vì sao Đoàn thanh niên, công an và biên phòng tỉnh quyết tâm lập các đội TNXK này”.
Xung kích nơi tuyến đầu
Mất gần một buổi sáng đi đường, chúng tôi mới đến được các bản giáp biên Hoàng Lỳ Pả, Phìn Sảng của xã Minh Tân (huyện Vị Xuyên). Đoạn đường từ trung tâm xã đến thôn chỉ 15km nhưng toàn đường đất, đá lổn nhổn, mấp mô, có những đoạn vực sâu thăm thẳm.
Đến đầu bản, chúng tôi mới gặp một căn nhà sàn lớn là trạm kiểm soát biên phòng Minh Tân (thuộc đồn biên phòng Thanh Thủy).
Sau khi “trình báo” với thượng úy Hoàng Tô Long, trạm trưởng, tất cả chúng tôi tiếp tục vào trung tâm thôn. Đón chúng tôi, ông Lý Xuân Thạch, trưởng thôn Phìn Sảng, nhanh nhảu: "Thanh niên tranh thủ về nhà cháu Tẩn Văn Vinh học hỏi cái gì đấy". Len qua mấy vạt đồi, vườn cây, chúng tôi thấy một nhóm thanh niên dân tộc đang đứng bên chuồng bò của nhà Vinh để nghe một thanh niên khác, tay cầm mấy nhánh cỏ voi nói chuyện.
Anh Chu Hùng Cường, phó bí thư Huyện đoàn Vị Xuyên, nói nhỏ: “Người đang nói là bí thư Đoàn xã Giàng Chẩu Trai”. Trai đang say sưa: “Khi con bò, con dê và cả con lợn nữa mà trong 2 - 3 ngày sốt cao trên 40 độ, có dấu hiệu mệt mỏi, kém ăn, sờ vào da thấy nóng thì là nó bị bệnh lở mồm long móng đấy nhé... Khi nó bị thế rồi là phải báo trưởng thôn, báo xã ngay nhé, không được giấu vì như thế sẽ làm lây sang con khác, nhà khác đấy. Muốn nó không bị bệnh phải tiêm phòng”.
Chứng kiến cảnh này, thượng úy Long cười: “Chuyện bình thường ở bản ấy mà. Từ ngày có đội TNXK này, thấy anh em thanh niên trong đội tích cực giao lưu, trao đổi kinh nghiệm như thế lắm”. Anh Long cho biết thêm trạm của anh phụ trách 7,5km đường biên với 13 cột mốc chạy dọc hai thôn của xã.
Từ khi có đội TNXK, anh em cũng đỡ vất vả hơn vì hằng tháng, hằng quý mỗi khi tuần tra mốc có thêm sự tham gia của các thành viên trong đội TNXK. Và không chỉ tham gia tuần tra, phát quang tuyến biên giới, các thành viên đội TNXK còn là “tai mắt” giúp biên phòng nhiều công việc chuyên môn.
Họ là những người tuyên truyền đến người dân việc bảo vệ đường biên mốc giới, chống xê dịch mốc, chống xâm canh, xâm cư. Có đội TNXK, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn vì thế cũng an tâm hơn.
Qua câu chuyện của thượng úy Long, của phó bí thư huyện đoàn Chu Hùng Cường, chúng tôi hiểu không chỉ xã Minh Tân, xã Thanh Thủy mà dọc cả tuyến biên giới Hà Giang câu chuyện về an ninh trật tự nơi biên giới luôn là sự quan tâm của các cấp chính quyền, người dân.
Không chỉ là chuyện cột mốc, đường biên mà còn là vấn nạn buôn bán, bắt cóc trẻ em vẫn thường xảy ra. Rồi tình trạng phá rừng, đốt nương hay thanh niên bỏ sang bên kia biên giới làm thuê, phụ nữ thì bị lừa bắt đưa qua biên giới...
Có lẽ đây là một phần lý do “bức xúc” của thủ lĩnh Vương Ngọc Hà, và đó cũng là lý do để tỉnh đoàn xây dựng, triển khai đề án này cùng biên phòng và công an tỉnh.
Quyết tâm làm giàu nơi biên ải
Hà Giang chỉ toàn đá xám và ở cái nơi “đất ít hơn nước, nước ít hơn đá” thì việc sản xuất nông lâm nghiệp là cực kỳ khó khăn. Người dân vì thế mà cứ nghèo, việc không có, thu nhập thì thấp mà lực lượng lao động trẻ lại đông nên việc người dân bỏ bản sang bên kia biên giới làm thuê, sinh sống là có. Rồi nạn phá rừng, đốt nương cũng từ cái khó mà sinh ra...
Theo phó bí thư Huyện đoàn Vị Xuyên Chu Hùng Cường, trước thực tế này tỉnh đoàn, công an và biên phòng tỉnh đã lập và triển khai thực hiện đề án “Đội TNXK vì an ninh Tổ quốc gắn với phát triển sản xuất”, ra đời dịp tháng 3-2015.
Nhớ lại khi báo Tuổi Trẻ tổ chức “Chương trình tháng 3 biên giới” (3-2015) tại mảnh đất này, một hoạt động của chương trình có nội dung tặng 10 con dê cho đội TNXK của xã Ma Lé (Đồng Văn). Đây chính là “vốn liếng” đầu tiên cho đội TNXK. Vì khó khăn về đất, về nước nên việc phát triển sản xuất của các đội TNXK chỉ tập trung vào chăn nuôi.
Và như ở xã Minh Tân, tổ chức Đoàn đã vận động được 10 thanh niên địa phương tham gia đội. Đây là những thanh niên dân tộc Mông, Dao... tích cực nhất, có chí nhất khi tự bản thân các hộ gia đình trẻ này đã mạnh dạn phát triển chăn nuôi, nhà nào cũng có đàn dê, bò, lợn cả chục con trở lên.
Chẳng hạn anh Phàn Văn Dương có tám con trâu, bò, dê hay đoàn viên Tẩn Văn Vinh có trên 20 con dê, bò, lợn. Khi tham gia đội TNXK, Vinh, Dương... và các thành viên đều mong muốn mô hình chăn nuôi của mình được nhân rộng, giới thiệu đến các đoàn viên, thanh niên khác trong bản. Khi vào đội, các thành viên có cơ hội giúp đỡ nhau, cùng chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh.
Trong năm 2015, đội TNXK xã Minh Tân được tặng 16 con dê, 10 con bò thì phân chia về cho các đội viên nuôi, và nay số dê này đã đẻ thêm tám dê con. Tới đây khi dê con cứng cáp, đội sẽ chuyển tặng các hộ thanh niên ngoài đội TNXK.
Theo Giàng Chẩu Trai, bí thư Đoàn xã Minh Tân, việc phát triển sản xuất của đội TNXK không chỉ là tặng mấy con dê, bò hay chia sẻ kinh nghiệm, mà qua mô hình đó lực lượng đoàn viên, thanh niên gần 200 người của hai bản trong xã cùng người dân trong bản sẽ nhìn vào để học hỏi, nhân rộng mô hình chăn nuôi. Giàng Chẩu Trai còn cho biết: “Riêng ở góc độ của Đoàn, khi anh em tham gia đội TNXK thì chính bản thân họ cũng được các anh bộ đội biên phòng, công an tập huấn, hướng dẫn nhiều về công tác tuyên truyền bảo vệ đường biên mốc giới, an ninh trật tự, thậm chí được dạy cả võ thuật căn bản. Nhờ mô hình đội TNXK mà việc tập hợp, đoàn kết thanh niên sẽ thuận lợi hơn". |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận