Mùa hè là dịp những ai rời xa mái trường lại tíu tít chuyện họp lớp. Gặp nhau ôn lại kỷ niệm thời đi học, hỏi thăm nhau.
"Họp lớp 7X, 8X công nhận đỉnh thật"
Vừa qua, một video trên TikTok chia sẻ cảm xúc buổi họp lớp đã nhận được hơn 1,6 triệu lượt xem và gần 3.200 bình luận. Nội dung thể hiện sự xúc động khi về họp lớp cấp 3, trong đó có hai người bạn không còn trên cõi đời nên mọi người đến thắp nhang, thăm hỏi gia đình. Và các bạn vẫn gắn bó, dõi theo giúp đỡ nhau.
Bài đăng nhận nhiều sự đồng cảm. "Ba ngày nữa tôi họp lớp cấp 3. Chấp nhận phạt hai ngày lương để đi họp lớp vì công ty không cho nghỉ thứ bảy. Nhưng thiết nghĩ có bao nhiêu cái mười năm đâu", chị Mai Mai chia sẻ.
Tài khoản Lizu viết: "Chúng tôi cũng vừa họp 20 năm xong. Cũng nhiều bạn từ Sài Gòn về. Thứ đọng lại là tuổi 18 đẹp và thơ mộng".
"Họp lớp 7X, 8X công nhận đỉnh thật luôn, ngưỡng mộ cô chú quá" - tài khoản Bé Mỡ bày tỏ.
Còn anh Quang cho biết: "Đời người có bao nhiêu lần 10 năm, đừng chờ thành công mới đi họp lớp. Tui nghèo nhưng năm nào lớp tổ chức thì tui không bỏ qua lần nào".
Anh Lê Trần cho biết năm nào lớp cấp 3 của anh cũng họp. Còn lớp đại học do các bạn sống ở nhiều tỉnh khác nhau nên ít khi gặp, chỉ nói chuyện qua mạng xã hội.
Lớp anh có nhóm Zalo. Gần đến thời điểm họp mặt, lớp trưởng sẽ phát động và mọi người bàn nhau địa điểm, ăn gì. Có năm, lớp anh ăn uống tại quán hoặc ghé nhà bạn nào đó nấu ăn rồi đi cà phê, hát karaoke.
"Lâu lâu có dịp gặp bạn cũ thì rất vui, ai cũng nhiệt tình. Mặc dù mỗi người mỗi công việc khác nhau nhưng khi gặp lại ai cũng nói chuyện với nhau như thời còn đi học", anh nói.
Nên 5-10 năm họp một lần cho chất lượng?
Do bận công việc, đến lần họp lớp đại học lần ba, anh Tuấn Anh (47 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) mới tham gia. Ngày còn đi học, anh là nhân vật khá nổi trong trường, do đó sự vắng mặt của anh khiến thầy cô, bạn bè nhắc nhớ.
Lớp anh Tuấn Anh khoảng 40 người, cứ hai, ba năm lại họp mặt dịp hè. Ai công tác gần trường thì chịu trách nhiệm khâu tổ chức, vì thường gặp nhau trong hai, ba ngày và đi cùng gia đình, con cái. Trong lúc gặp nhau, mọi người sẽ gửi hình ảnh vào nhóm Facebook để người vắng mặt có thể theo dõi.
Đã mấy năm không đi, anh quyết lần này có mặt. Anh kể: "Thấy tôi xuất hiện, mọi người quên hết giận hờn, dang tay đón. Bạn dẫn chương trình đột nhiên chuyển micro cho tôi thay mặt lớp tuyên bố lý do và nói lời tri ân thầy cô. Tiệc tùng, ăn uống đến tận khuya, mọi người ai về phòng nấy. Chỉ còn vài người bạn thân ngồi lại bên đống lửa trại".
Ngày thứ hai, mọi người sinh hoạt tự do, từng gia đình hoặc nhóm bạn đi thăm người quen, tham quan. Tối gặp mặt ở nhà hàng chỉ lác đác vài người, chủ yếu là những người đi một mình hoặc độc thân.
"Khâu tổ chức không kết nối được vì các bạn ở rải rác nhiều khách sạn. Thầy cô cũng ra về sớm. Hôm sau tạm biệt, hẹn ở quán cà phê gần trường nhưng cũng chỉ vài gương mặt của đêm trước rồi vội vàng chia tay", anh nói.
Theo anh, cách tổ chức này khiến bạn bè gặp nhau không có cơ hội ôn lại kỷ niệm đời sinh viên. Chưa kể, khi hạch toán thu chi của chuyến họp mặt, dù tài chính công khai từ đầu nhưng không tránh được lời ra tiếng vào.
Anh Tuấn Anh cho biết chuyện họp lớp nên giãn cách 5-10 năm tổ chức một lần thật chất lượng. Bởi xa nhau càng lâu thì càng nhớ về nhau.
"Nên có nội dung họp mặt chi tiết, tài chính cân đối kỹ và được mọi người thống nhất. Nơi ăn chốn nghỉ, sinh hoạt trong một không gian gần gũi", anh đề xuất.
Ngại họp lớp, chọn họp nhóm
Ra trường hơn 10 năm, họp lớp đại học hai lần nhưng anh Phạm Hữu Nghĩa (33 tuổi, ngụ quận Tân Bình) chỉ dự lần đầu. Anh nói: "Cả hai lần lớp trưởng đều thông báo đột ngột, tuần sau họp thì tuần này thông báo. Trong khi các thành viên sống ở những tỉnh thành khác nhau, cần thời gian sắp xếp mới đi được".
Anh kể: "Người tham dự đa số là những bạn thành công, làm ở những công ty lớn hoặc đi du học về. Tới nơi mọi người thi nhau hỏi về công việc, nhà cửa. Mình cũng chạnh lòng vì chỉ làm một công việc bình thường, lương đủ sống và chưa có nhà cửa gì cả".
Lần họp tiếp theo, các bạn trong nhóm chơi thân thiết ngại đi nên anh cũng không tham dự, dù anh ở TP.HCM là nơi diễn ra buổi họp lớp.
"Vừa rồi tôi nghỉ việc, cuộc sống nhiều xáo trộn nên ngại gặp các bạn, sợ bị hỏi nọ kia. Thôi sau này mọi thứ ổn định, đỡ bận bịu hơn tôi sẽ tham gia. Nhưng nhóm bạn thân có đi thì tôi mới đi", anh chia sẻ.
Không họp lớp, anh Nghĩa vẫn tham gia các lần họp nhóm bạn đại học. Nhóm anh thường hẹn đi ăn và chia sẻ về những dự định nên anh thấy nhẹ nhàng. Có khi cả nhóm về quê bạn trong nhóm hai, ba ngày để "quẩy".
Theo anh, việc họp nhóm dễ dàng và thoải mái hơn so với họp lớp. Hơn nữa, lớp đại học đông, khó thống nhất thời gian, địa điểm họp. Và việc họp lớp đại học thường chỉ có mặt những nhóm nổi bật, thân nhau, giống như một buổi họp nhóm lớn mà thôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận