Ngày 22-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi), nổi lên các vấn đề nóng như tranh luận về việc đổi tên tòa án huyện, tỉnh thành tòa sơ thẩm, phúc thẩm; việc thu thập chứng cứ của tòa án hay người dân…
Đổi tên tòa án phải gắn đổi mới toàn diện
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng theo dự thảo luật thì tòa án cấp huyện được đổi tên thành tòa án sơ cấp, còn tòa án cấp tỉnh đổi tên thành tòa án phúc thẩm. Tuy nhiên, khi đổi tên thì tòa án phúc thẩm vẫn xét xử sơ thẩm, có phải là "bình mới rượu cũ"?
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) nêu ý kiến: dự thảo luật quy định tổ chức tòa án nhân dân gồm: tòa án nhân dân tối cao, tòa án cấp cao, tòa án phúc thẩm, tòa án sơ thẩm và tòa án sơ thẩm chuyên biệt. Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo luật cho thấy sự thay đổi chủ yếu ở tên gọi, còn về thẩm quyền, tổ chức… của tòa không thay đổi. Vì vậy, đại biểu đề nghị nếu đổi tên tòa án thì phải toàn diện và thực chất, nếu chưa đổi mới được về thẩm quyền, tổ chức thì nên giữ nguyên tên tòa án như hiện hành.
Đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cũng đề nghị cân nhắc việc đổi tên tòa án nhân dân cấp tỉnh, huyện. Mục đích của việc đổi tên tòa án là để xét xử theo thẩm quyền, không giới hạn địa giới hành chính nhưng hiện chưa rõ thay đổi chức năng nhiệm vụ của tòa.
Trong khi đó, nhiều đại biểu ủng hộ việc đổi tên tòa án. Đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) nói việc đổi mới tổ chức tòa án đã được thể hiện trong nghị quyết của Đảng. Đại biểu ủng hộ việc đổi tên tòa án, trường hợp nếu thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ của tòa án chưa rõ thì có thể bổ sung ngay trong dự thảo luật, không nên lùi việc đổi tên.
Tòa án không thu thập chứng cứ sẽ gây khó cho dân?
Nhiều đại biểu không đồng tình dự thảo luật quy định tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ như hiện hành mà để người dân tự thu thập, yêu cầu các cơ quan đơn vị liên quan cung cấp.
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Sang (TP.HCM), quy định trên chưa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội, dân trí của nước ta hiện nay. Việc để người dân tự thu thập chứng cứ là một "thách thức" với người dân vì họ không đủ điều kiện, trong thực tế cơ quan nhà nước ít cung cấp tài liệu chứng cứ nếu không có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Ông Sang dẫn chứng từ các vụ án mà tòa phải tạm đình chỉ vì chờ thu thập chứng cứ vừa qua cho thấy tòa án là cơ quan quyền lực mà việc thu thập chứng cứ còn rất khó.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) nêu trong một vụ tranh chấp, nếu một bên yêu cầu hồ sơ phía bên kia thì họ sẽ không cung cấp, mà phải có yêu cầu cung cấp từ tòa án. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng cho rằng trong thực tế các bên tham gia phiên tòa dân sự chỉ cung cấp các tài liệu chứng cứ có lợi cho mình mà giấu đi các tài liệu chứng cứ bất lợi.
Theo ông Nghĩa, "khoán" việc thu thập tài liệu chứng cứ cho người dân là không nên. Người dân không tự thỏa thuận được với nhau mới tìm đến tòa là "Bao Công". Tòa thu thập tài liệu chứng cứ để có chứng cứ khách quan, ra phán quyết công bằng.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình tiếp thu các ý kiến của đại biểu, đề nghị Quốc hội có hội nghị chuyên sâu để tiếp tục giải trình, tranh luận vì nhiều vấn đề quan trọng còn ý kiến khác nhau… Ông Bình cho biết về việc giải thích áp dụng pháp luật là trách nhiệm, không phải quyền của thẩm phán.
Về ngạch bậc tòa án, ông Bình thông tin cả nước có 6.000 thẩm phán ở tòa án cấp huyện, nhưng từ khi bắt đầu làm việc đến khi về hưu họ vẫn mãi là thẩm phán sơ cấp nên rất tâm tư, cần sửa luật. Chánh án cũng tiếp thu, giải trình thêm các ý kiến khác nhau về thu thập chứng cứ, tổ chức tòa án…
Giải thích áp dụng luật của tòa khác giải thích luật
Quy định về chức năng giải thích áp dụng pháp luật của tòa án trong dự thảo luật cũng còn ý kiến khác nhau của đại biểu.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Hoàn (Hải Dương) cho rằng cơ quan nào làm ra luật mới giải thích luật, thẩm quyền giải thích luật hiện nay do Ủy ban Thường vụ Quốc hội, không nên giao cho tòa án.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) lại đồng tình với việc tòa án giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử. Theo bà Thủy, việc giải thích áp dụng pháp luật của tòa án không trùng với giải thích luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc giải thích áp dụng pháp luật trong các bản án đã được tòa án thực hiện lâu nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận