Một buổi học của sinh viên năm 2 Trường ĐH Y dược TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Trên Tuổi Trẻ ngày 18-9, ông Nguyễn Minh Lợi - phó cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) - cũng cho biết còn nhiều băn khoăn về tên gọi nhưng theo ông, không cần phải thay đổi vì đó là lịch sử, là tiềm thức của nhiều thế hệ.
* PGS.TS NGUYỄN KIM HỒNG - Nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM:
Không nhất thiết phải đổi tên
Nói về việc nâng tầm Trường ĐH Y dược TP.HCM để nâng uy tín và quy mô, trường này đã làm được nhiều, cả về học thuật và về cống hiến cho cộng đồng. Do vậy, việc đưa nhà trường lên tầm "ĐH" thay cho "trường ĐH" như hiện nay là phù hợp.
Riêng việc đổi tên, tôi nghĩ nên cân nhắc, bà bộ trưởng Bộ Y tế có quyền gợi ý, còn đổi hay không là chuyện của nhà trường.
ĐH là từ để chỉ ĐH vùng - tính chất vùng là quan trọng - bao gồm nhiều trường ĐH trong đó. Như vậy có thể có các trường con như Trường ĐH Y, Trường ĐH Dược... Nếu chỉ là quy mô thì Trường ĐH Cần Thơ có lẽ là trường ĐH công lập có quy mô lớn nhất nước, nhưng các đời hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ vẫn không nâng cấp thành ĐH Cần Thơ (xin nói thêm Viện ĐH Cần Thơ được thành lập trước năm 1975, là một trong rất ít viện ĐH ở miền Nam. Viện trưởng hồi đó được thủ tướng bổ nhiệm như các ĐH quốc gia hiện giờ).
* TS ĐINH THẾ HIỂN - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng:
Dùng tên ĐH Sức khỏe là hạ thấp trường y
Tên gọi ĐH y là thể hiện trường đào tạo cách chữa bệnh khoa học hiện đại. Sinh viên trường y phải là một nhà khoa học "sinh - lý - hóa" của khoa học hiện đại trước khi học vào chữa bệnh. Trong khi đó, dược là một công cụ chữa bệnh của y và là một thành phần kiến thức của y.
Trong chữa bệnh, người quyết định loại thuốc, liều thuốc dùng cho bệnh nhân phải là bác sĩ. Dược sĩ (nhà thuốc) chỉ được bán theo toa bác sĩ hoặc có thể thay loại thuốc có hoạt chất tương đương, không được tự ý ra toa bán thuốc (trừ các loại thuốc thông dụng đã được phép). Nha khoa cũng là một chuyên ngành của y, trong đó sử dụng các kiến thức y học về răng - hàm - mặt.
Ngày trước, khi Pháp lập trường y ở Hà Nội, người dân cứ gọi các sinh viên đó là sinh viên trường thuốc và gọi các bác sĩ là thầy thuốc vậy thôi nhưng rất nể trọng. Bây giờ thấy các phòng khám đề thạc sĩ, bác sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, II... theo tôi là làm hạ thấp vị thế của thầy thuốc xuống một mức.
Nói như vậy để thấy bản thân trường y đã đủ. Nếu "nâng" trường y lên thành ĐH Sức khỏe thì nó sẽ làm loãng ngành y học (và dược học, nha học) vốn là các trường rất chuyên ngành. Việc cần làm bây giờ là phải nâng chất chuyên ngành để đào tạo ra những bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ không chỉ làm công tác chữa bệnh mà còn là những nhà khoa học nghiên cứu hàng đầu về các phương thức chữa bệnh hiện đại.
* Nhà giáo ưu tú TRẦN CHÚT - Nguyên chủ tịch Hội Ngôn ngữ học TP.HCM:
Nên giữ thương hiệu ĐH Y dược TP.HCM
Theo tôi, cứ để tên là ĐH Y dược TP.HCM, trong đó có các trường thành viên là Trường ĐH Y khoa, Trường ĐH Dược khoa, Trường ĐH Nha khoa… Bản thân hai chữ "y" và "dược" đã bao hàm nghĩa rộng của một lĩnh vực khoa học. Nói tới ngành y, mọi người có thể hiểu ngay ngành này gồm có các ngành lĩnh vực y học: y, điều dưỡng, kỹ thuật y học, xét nghiệm… Còn ngành dược là bào chế thuốc, hóa dược, quản lý dược…
Việc phải giữ lại tên ĐH Y dược TP.HCM vì tên gọi này đã trở thành "thương hiệu" của nhà trường hàng chục năm nay rồi. Nếu đổi tên là rất uổng và không cần thiết, chỉ cần chuyển đổi mô hình "trường ĐH" sang "ĐH" để nhà trường phát triển thuận lợi hơn.
Trước đây, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM có giai đoạn đổi tên thành Trường ĐH Kỹ thuật TP.HCM - cái tên này không những không hay mà còn lạ lẫm. Sau đó, nhà trường phải trở lại với tên Trường ĐH Bách khoa (thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM). Hiện tôi còn thấy tiếc là không còn tên Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM. Đó là thương hiệu một thời của giáo dục ĐH TP.HCM, nay không còn nữa.
* ThS TRẦN ĐỨC SỰ - Phó giám đốc Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ, Thành đoàn TP.HCM:
Thành lập ĐH Sức khỏe TP.HCM rất ổn
Theo tôi, việc nâng cấp và đổi tên Trường ĐH Y dược TP.HCM hiện nay thành ĐH Sức khỏe TP.HCM sẽ rất ổn vì xu thế hiện nay trường này không chỉ đào tạo bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng mà còn có thể mở rộng nhiều ngành học khác phục vụ thực tiễn xã hội như: dinh dưỡng, quản trị bệnh viện, quản trị cơ sở y tế...
Như vậy, nhà trường hoàn toàn có thể đủ điều kiện để chuyển đổi sang mô hình ĐH, thành lập ĐH Sức khỏe TP.HCM với việc đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực theo đúng Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi).
Việc đặt tên ĐH Khoa học sức khỏe là cái tên chung cho nhiều trường (Trường ĐH Y, Trường ĐH Nha, Trường ĐH Y tế công cộng, Trường ĐH Dược, Trường ĐH Điều dưỡng…) đều trực thuộc ĐH này, chứ đâu phải ĐH chỉ đào tạo ra bác sĩ. Còn bác sĩ khác dược sĩ, khác điều dưỡng dù họ đều liên quan đến sức khỏe. Do vậy, không thể nói với tên ĐH Sức khỏe thì "gọi ông bác sĩ thành ông sức khỏe" được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận