08/03/2020 11:55 GMT+7

Đội tàu hai lần đón hàng không mẫu hạm Mỹ

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - “Thuyền đẹp, mọi thứ rất chuyên nghiệp và đặc biệt là tất cả hệ thống an toàn, phòng chống cháy nổ mà chúng tôi đặt lên hàng đầu đều có ở con tàu này” - vị sĩ quan an ninh hải quân Mỹ hài lòng khi kiểm tra 2 con tàu hậu cần của Việt Nam.

Đội tàu hai lần đón hàng không mẫu hạm Mỹ - Ảnh 1.

Tàu Greenlines DP đạt các yêu cầu khắt khe của hải quân Mỹ - Ảnh: B.D.

Đó là 2 con tàu hậu cần của Công ty tàu cao tốc Greenlines DP hiện đang neo ở cảng Tiên Sa.

Trong cả hai lần tàu sân bay Mỹ ghé Đà Nẵng có đội thủy thủ từ một công ty tàu cao tốc Việt Nam lọt vào "mắt xanh" hải quân Mỹ. Họ được yêu cầu hai con tàu cùng thủy thủ đoàn lên đường cập mạn hàng không mẫu hạm.

Xuyên đêm tiếp vận

Khác với cảnh trời yên biển lặng trong chuyến ghé thăm của mẫu hạm USS Carl Vinson tháng 3-2018, chuyến cập bến của tàu Theodore Roosevelt tại Đà Nẵng những ngày qua gặp thử thách rất lớn. Biển động, từng lớp sóng cuồn cuộn trong vịnh Đà Nẵng khiến việc tổ chức đoàn lên, xuống tàu sân bay neo cách bờ khoảng 4 hải lý gặp rất nhiều khó khăn. Một số lịch trình thăm viếng trên tàu đã bị hủy, tình trạng tồi tệ này tiếp tục kéo dài tới ngày thứ ba của chuyến thăm.

Gần 23h đêm 5-3, sau một ngày quần đảo trên ngọn sóng, 15 thủy thủ trên hai chiếc tàu hiện đại của Công ty tàu cao tốc Greenlines DP vẫn không rời nhiệm vụ. Qua điện đàm, trung tâm điều hành hậu cần thông báo vẫn còn một số thủy thủ từ tàu sân bay Theodore Roosevelt chưa được vào bờ. "Nhưng sóng đang nổi lên rất lớn, đường đi lại tối" - một thuyền viên trên tàu cao tốc Greenlines DP K7 nhận định. 

Ông Lê Bá Minh - vị thuyền trưởng 48 tuổi của tàu K7 - bốc bộ đàm trao đổi thêm với đơn vị điều hành. Rồi ông ra lệnh thủy thủ đoàn: "Quay mũi tàu ra khơi tiếp tục đón khách, dìu tàu đi chậm, men đuôi sóng để đảm bảo an toàn!".

Ông Trần Song Hải - tổng giám đốc Công ty tàu cao tốc Greenlines DP - cho biết gần 0h đêm, chuyến tàu đưa hải quân Mỹ tiếp bờ cuối cùng trong một ngày sóng nổi đã kết thúc an toàn.

Đội tàu hai lần đón hàng không mẫu hạm Mỹ - Ảnh 2.

Thủy thủ tàu Greenlines DP chỉnh cờ hiệu hàng hải trước khi lên đường đón thủy thủ mẫu hạm USS Theodore Roosevelt

Muốn hải quân Mỹ gật đầu: không dễ!

Chúng tôi đã theo những đội tàu hậu cần trong cả hai lần tàu sân bay Mỹ ghé Đà Nẵng và chứng kiến những con tàu cao tốc hiện đại chồm trên từng lớp sóng tới kết nối tiện lợi, an toàn với tàu sân bay khổng lồ. Tổng giám đốc Công ty tàu cao tốc Greenlines DP Trần Song Hải đã nói rằng "không dễ gì để lọt vào đội hình phục vụ tàu mẫu hạm", nhưng khi vào được rồi cũng không dễ gì để lấy được sự hài lòng. Bởi sự hài lòng của người Mỹ luôn đi kèm với những đòi hỏi, điều kiện.

Trong cả hai lần tàu sân bay ghé Đà Nẵng thì có cả chục ngàn lượt người cần chuyên chở vào ra. Tàu sân bay quá lớn nên buộc phải neo cách bờ khoảng 4 hải lý. Việc đi lại từ đất liền ra tàu phải thông qua các tàu hậu cần. Phía Việt Nam và hải quân Mỹ đã thống nhất để một đơn vị gọi là "proshipser" lo liệu việc này. 

Trước khi mẫu hạm vào, hàng chục tàu tối tân từ các công ty tàu cao tốc trong nước được tuyển mộ. Thật thú vị, cả hai lần ấy Công ty tàu cao tốc Greenlines DP đều có hai chiếc tàu gồm Greenlines DP K7 và Greenlines DP C9 được người Mỹ lựa chọn. Đi kèm tàu là 15 thuyền viên, thủy thủ đoàn.

Ông Trần Song Hải cho biết K7 và C9 không phải là hai con tàu cao tốc có năng lực vận tải lớn nhất và hiện đại nhất trong số tàu của đơn vị này nhưng lại được người Mỹ chấm điểm. Vậy lý do là gì? - chúng tôi hỏi. "Tiêu chuẩn số 1 của hải quân Hoa Kỳ là sự an toàn, họ yêu cầu mọi thứ phải tuyệt đối. K7 và C9 được đóng từ Nhà máy 189 của Bộ Quốc phòng, tàu được biên chế để đảm bảo an toàn khắt khe nhất" - ông Hải nói.

Thuyền trưởng tàu Greenlines DP K7 Lê Bá Minh cho biết trước mỗi lần tàu sân bay Mỹ vào Đà Nẵng thì đội thủy thủ trên hai tàu được lựa chọn và mất hàng tháng trời chuẩn bị. Tàu được đưa ra vịnh Đà Nẵng ít nhất trước 2 ngày để biên phòng Việt Nam làm các thủ tục, phía Mỹ kiểm tra an ninh. 

Suốt những ngày trực đón mẫu hạm, toàn bộ thuyền viên lẫn tàu đều nội bất xuất ngoại bất nhập, dành thời gian tập trung cao nhất cho công việc. "Chúng tôi làm việc gấp ba bốn lần ngày thường, vào ra đón đoàn liên tục, tàu chỉ nghỉ được vài tiếng giữa đêm. Rất mệt nhưng cũng thấy vinh dự" - thuyền trưởng Lê Bá Minh nói.

Đội tàu hai lần đón hàng không mẫu hạm Mỹ - Ảnh 3.

Thuyền trưởng tàu Greenlines DP vận hành tàu đón khách từ tàu sân bay Mỹ - Ảnh: B.D.

Vượt qua kiểm soát gắt gao

Ông Trần Song Hải cho biết trước mỗi lẫn tàu sân bay vào Đà Nẵng, các đơn vị Việt Nam cùng người Mỹ đã tới tận doanh nghiệp sở hữu đội tàu cao tốc để kiểm tra. Những đòi hỏi khắt khe nhất, bao gồm cả đội ngũ thủy thủ đoàn, được đặt ra. Những con tàu được chọn để nhổ neo ra Đà Nẵng phải là tàu "5 sao" và thủy thủ cũng phải có chiều cao, cân nặng, năng lực và kinh nghiệm tốt nhất.

tàu greenlines_1 2(read-only)

Tàu Greenlines vận chuyển người từ tàu sân bay Mỹ lên bờ Đà Nẵng - Ảnh: T.S.H.

Nhưng ngay cả khi được chọn lên đường thì thử thách vẫn chưa hết với tàu lẫn người. Những ngày neo ở cảng Tiên Sa, các cuộc kiểm tra được báo trước lẫn bất thình lình thỉnh thoảng lại được phía Mỹ tiến hành. Người Mỹ đem theo thiết bị lên tàu, dò dẫm và ghi chép lại. Người nhái cũng được huy động, họ mặc đồ lặn, đeo mặt nạ lặn xuống đáy tàu để soi chiếu mọi vị trí.

"Mỗi lần xong việc, họ đều bắt tay nói 'very good'. Anh em thuyền viên ai cũng nhẹ cả lòng" - thuyền trưởng Lê Bá Minh nói.

Hàng không mẫu hạm dài 335m đắt tiền nhất của Mỹ Hàng không mẫu hạm dài 335m đắt tiền nhất của Mỹ

TTO - Tàu sân bay USS Gerald R. Ford trị giá 12,9 tỉ USD, đắt nhất trong hạm đội của Mỹ, dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động từ tháng 9.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên