Chuyến thăm chính thức Úc đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính được đánh giá là đã thành công mỹ mãn ngay từ ngày 7-3, ngày đầu tiên trong khuôn khổ chuyến thăm, khi nhà lãnh đạo Việt Nam cùng Thủ tướng Úc Anthony Albanese tuyên bố nâng cấp quan hệ.
Tăng cường hợp tác nhiều mặt
"Tại cuộc hội đàm rất thành công hôm nay, tôi và Thủ tướng Úc Anthony Albanese đã nhất trí tuyên bố nâng cấp quan hệ Việt Nam - Úc lên Đối tác chiến lược toàn diện. Khuôn khổ hợp tác này sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai nước, đáp ứng nguyện vọng chung của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới", Thủ tướng nhấn mạnh trong cuộc họp báo sau hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà tại thủ đô Canberra ngày 7-3.
Thủ tướng Anthony Albanese thì mô tả việc nâng cấp quan hệ đưa Úc và Việt Nam trở thành một trong những đối tác quan trọng nhất của nhau, đồng thời phản ánh tham vọng chung của hai nước cho tương lai.
Trong đó có thêm một số trụ cột về hợp tác chống biến đổi khí hậu, môi trường và hợp tác về năng lượng, đưa chuyển đổi số, hợp tác khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo thành một trụ cột mới trong quan hệ hai nước.
Để khái quát và cũng bày tỏ hy vọng về quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Úc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng có sáu điểm hơn. Đó là: tin cậy chính trị, ngoại giao cao hơn, chiến lược hơn; hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư bao trùm, thực chất, hiệu quả hơn; thúc đẩy hợp tác khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh mạnh mẽ hơn.
Đó còn là hợp tác văn hóa, giáo dục - đào tạo, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn diện, sâu sắc hơn; giao lưu nhân dân, kết nối giữa các thế hệ rộng mở và chân thành hơn; hiểu biết, thông cảm và chia sẻ nhiều hơn về hợp tác an ninh quốc phòng.
Giáo sư Carl Thayer, một người Úc có nhiều năm nghiên cứu về Việt Nam, tin rằng việc nâng cấp quan hệ không chỉ đem lại lợi ích cho hai nước mà còn cho hệ thống thương mại đa phương. Điều này cũng đã được thể hiện rất rõ trong tuyên bố chung, khi hai bên khẳng định sự ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và WTO là trung tâm.
Thêm dấu ấn của ngoại giao Việt Nam
Cuộc họp báo chưa đầy 30 phút giữa hai thủ tướng không đủ để nói hết những nội dung liên quan khuôn khổ quan hệ mới. Tuyên bố chung được công bố ngay sau đó cho thấy một cái nhìn chi tiết hơn về những cam kết giữa hai chính phủ.
Theo đó, một trong những khẳng định ngay từ đầu chính là việc "hai nước cam kết tiếp tục phát triển quan hệ trên tất cả các lĩnh vực và thúc đẩy mối quan hệ được nâng cấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng hệ thống chính trị của mỗi nước".
Việc Việt Nam và Úc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện thực sự thu hút các nhà quan sát, nghiên cứu về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nhà phân tích chính trị Don McLain Gill (Đại học De La Salle, Philippines) nhận định việc nâng cấp này đã nêu bật chính sách đối ngoại của Việt Nam ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thể hiện sự hiểu biết sâu sắc của Hà Nội về sự cần thiết phải mở rộng các lựa chọn chiến lược trong bối cảnh địa chính trị khu vực ngày càng bất ổn, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng hải.
"Mặt khác, việc nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện cũng nhấn mạnh mong muốn ngày càng tăng của Úc trong việc củng cố vị thế của mình trong khu vực với tư cách là một quốc gia chủ chốt ở trung tâm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thay vì chỉ đơn thuần là mở rộng mạng lưới liên minh của Mỹ", ông Don McLain Gill nhận định với Tuổi Trẻ.
Giáo sư Carl Thayer đánh giá việc nâng cấp quan hệ Việt - Úc là một phần trong tiến trình hợp tác lớn hơn của Việt Nam với các nền kinh tế tiên tiến, như Hàn Quốc vào năm 2022 và Mỹ, Nhật Bản vào năm 2023.
"Đây là cột mốc quan trọng trong quan hệ song phương, thể hiện mức độ tin cậy lẫn nhau cao và sự hội tụ chặt chẽ hơn nữa các quan điểm về những vấn đề an ninh, địa chính trị khu vực và toàn cầu trong tương lai", ông nhận định với Tuổi Trẻ.
Đồng quan điểm, TS Lê Thu Hường (Úc) mô tả việc Úc trở thành Đối tác chiến lược toàn diện thứ bảy của Việt Nam cho thấy "chính sách đối ngoại thành công của Việt Nam khi có thể đa dạng hóa và mở rộng mạng lưới ngoại giao, tăng cường quan hệ đối tác với nhiều nước quan trọng, các chủ thể chủ chốt trong khu vực".
"Việt Nam cũng có thể tăng cường quan hệ song phương bằng cách ưu tiên tăng cường thương mại, đầu tư và lao động tại Úc. Ví dụ, Việt Nam hiện là nước nhập khẩu len Úc lớn nhất trên toàn cầu. Số người Việt Nam làm việc từ xa cho các doanh nghiệp Úc hoặc làm việc tại nước này đang gia tăng rõ rệt. Việt Nam có thể cung cấp lao động nông nghiệp thời vụ để bù đắp sự thiếu hụt lực lượng lao động ở Úc", giáo sư Carl Thayer chia sẻ nhận định của ông.
Trên thực tế, nếu không có gì trục trặc, khoảng 1.000 lao động Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ đến Úc trong năm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận