Phản hồi bài viết Thủ khoa ĐH Bách khoa năm 2012: Quyết định làm thay đổi cuộc đời
Phóng to |
Minh họa: Vũ Đình Giang |
Vì như Huy, nhiều bạn trẻ đang thực sự không biết mình muốn gì, phù hợp điều gì, và nhất là vì khi sức ỳ đã nặng, họ không dám thay đổi thói quen.
Còn bao nhiêu bạn trẻ đang lỡ theo học một ngành mình không yêu thích, hoặc nhận ra không phù hợp nhưng không dám làm lại từ đầu? Bao nhiêu bạn trẻ không dám nhảy việc và chấp nhận bào mòn chính mình ở một môi trường không còn sức phát triển cho bản thân chỉ vì không dám đánh đổi?
Bởi ở đời có câu “phóng lao thì phải theo lao”, nên cứ thế có không ít người dù nhận biết mình đã lỡ đi lạc đường, đã lỡ đi nhầm nước cờ, đã nghĩ đến chuyện phải sửa đổi, phải làm lại nhưng chần chừ nên rồi bỏ lỡ những cơ hội, và hơn thế nữa là dần dần tạo cho mình một sức ỳ tâm lý: ngại thay đổi, không dám thay đổi.
Kiểu “chậc lưỡi” ở đâu rồi cũng thế, ở đâu cũng có chuyện này chuyện kia đã biến nhiều con người vốn đầy nhiệt huyết trở thành dễ thỏa hiệp. Và trên ghế giảng đường, đây đó vẫn tồn tại một suy nghĩ: miễn ra trường kiếm được việc. Đích đến chỉ là kiếm được việc, nên cái suy nghĩ việc đó có phù hợp hay không, có làm mình thích thú hay không, đam mê hay không trở thành thứ yếu: vậy thì việc gì phải thay đổi, khi thay đổi nào đã chắc thành công.
Tương tự thế với các bạn học sinh lớp 12, ở cái tuổi 18 được cho là tuổi của ngưỡng cửa trưởng thành, vẫn còn những trường hợp nghĩ giản đơn: vào được đại học rồi tính tiếp… nên sau đó, nhiều bạn ưu tiên chọn ngành, chọn trường dễ đậu… mà không hề bận tâm liệu chính mình có phù hợp với ngành học đó, hay ra trường, mình có đáp ứng được những đòi hỏi của công việc đó.
Chuyện nghe ra cứ tưởng là chuyện lựa chọn của mỗi cá nhân nhưng kỳ thực lại có liên quan đến gia đình, nhà trường và xã hội.
Như trong gia đình, nhiều cha mẹ đã quyết định thay con… để rồi con ỷ lại. Nhiều cha mẹ mặc kệ con quyết định… nên con lại hoang mang. Nếu không thể định hướng cho con cái, ít ra cũng gợi mở được cho con cái suy nghĩ: hơn ai hết, bản thân mình quyết định và chịu trách nhiệm đời mình.”. Và cùng với điều đó là những phân tích thiệt hơn chí tính chí lý để giúp con em mình đưa ra quyết định.
Hay trong trường học, còn quá ít nếu như không muốn nói là rất hiếm những chương trình ngoại khóa giúp bạn trẻ xác định đam mê, năng khiếu, sở thích của mình. Những hoạt động tìm hiểu công việc, nghề nghiệp liệu có muộn không, khi chỉ rải rác áp dụng cho các khối lớp 12. Và trước những kiểu a dua phong trào thấy mọi người đi học quản trị kinh doanh thì mình cũng đi học quản trị kinh doanh, liệu đã được các thầy cô góp lời tư vấn.
Câu chuyện mở rộng ở mức xã hội, vẫn còn đó tồn tại suy nghĩ và dường như thực tế cũng thế: công việc có được là nhờ nhất thân, nhì thế và các kiểu chạy chọt khác… nên có khi kiếm được việc đã là mừng ở đó nói đến chuyện thay đổi. Hoặc cũng còn đó kiểu sống lâu lên lão làng, bè cánh quan hệ… làm người ta sợ mất nhiều hơn, riết rồi nhắm mắt... đưa chân, mặc cho con tạo xoay vần đến đâu. Tâm lý ngại thay đổi đơn lẻ ấy dần trở thành một tâm lý chung, của số đông.
Vẫn biết có đó những ví dụ như Bill Gates bỏ học, Đặng Lê Nguyên Vũ bỏ học và những gương mặt thành công khác khi dám xóa bàn cờ đánh lại từ đầu, nhưng xem ra đó cũng chỉ là thiểu số ví dụ.
Câu chuyện Quyết định làm thay đổi cuộc đời của bạn Võ Văn Huy xem ra đáng để mỗi người chúng ta nhìn lại chính mình.
Liệu chúng ta có đang loay hoay và mắc kẹt trong sự thỏa hiệp của bản thân, hay thực sự đã quyết tâm trên con đường mình lựa chọn?
* Khi bạn trẻ không phát hiện được khả năng tiềm ẩn của chính mình
Những trường hợp lựa chọn ban đầu sai như bạn Huy xảy ra rất nhiều đối với các bạn trẻ. Hầu hết họ không học đúng theo đam mê mình muốn, chỉ biết định hướng nghề nghiệp qua cái nhìn sự đời từ người lớn (thầy cô, cha mẹ) mà không xuất phát từ khả năng tiềm ẩn bên trong từng người. Bên cạnh đó gánh nặng về bằng cấp và áp lực về thi cử làm chúng ta quên đi sự hoạch định quan trọng từ ban đầu đó.
Ví dụ như:
- Những năm cuối cấp, các bạn thì chỉ lo tập trung ôn các môn thi đại học (mục đích: tối đa điểm số đại học), và vì thế không để ý là mình đam mê gì. Các bậc cha mẹ của chúng ta hầu như không quan tâm đến khả năng đó. Họ quan tâm gì? Xin thưa: hầu như là cái tôi của đấng sinh thành, sự hãnh diện về thành công của con cái, con tôi là ông kỹ sư, bà bác sĩ ...
- Khi đậu đại học rồi thì mọi thứ trở nên khác. Môi trường đại học là môi trường đòi hỏi sự tự do sáng tạo và phát huy. Bạn không thể nào phát triển với những ngành học mà bạn cảm thấy không có hứng thú.
- Nhiều trường hợp thi đại học xong là quên sạch kiến thức thời phổ thông, có khi quên tự nhiên, có khi tự cố gắng xóa đi những dữ liệu kiến thức đó cho nhẹ đầu. Thế nên lỡ chọn không đúng ngành thì sao, dám thi đại học lại không, hay đành bám theo cái bằng cấp đó...
Đây là chuyện các nhà giáo dục nên xem xét... để chúng ta không bị trượt theo lối mòn!
Quyết định thay đổi cuộc đời Bạn đã từng có quyết định thay đổi cuộc đời như bạn Huy? Bạn có hối tiếc, ân hận vì đã không dám quyết định, hoặc vì quyết định sai trong chuyện học hành, công việc, tình cảm...? Hãy chia sẻ những câu chuyện của bạn cũng như suy nghĩ của bạn trong vấn đề lựa chọn, quyết định trong cuộc sống. Email gửi về [email protected], hoặc ở phần Ý kiến bạn đọc bên dưới. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận