20/11/2014 12:01 GMT+7

​Đời sống là một câu hát ngắn

VƯƠNG THUẤN
VƯƠNG THUẤN

TT - ​Nếu xem truyện là một bài hát thì có thể đấy là một bản ballad, với tiếng guitar thùng của một gã du ca, về những ngọn cỏ khô được gió thổi bay trên thảo nguyên cuộc sống.

Sách do Phương Nam và NXB Hội Nhà Văn ấn hành - Ảnh: T.T.D.

Nhưng Hát - tiểu thuyết của Trần Nhã Thụy - là một quãng ngân trong đời Kỷ - một kỹ sư nông nghiệp và dịch giả không chuyên. Anh lạc lõng khỏi một gia đình đơn giản. Anh thất bại về tình dục. Anh yêu ca trù và những bài hát như yêu một mặt nước đầy, tiếng nước chảy để thấy mình căng tràn, mình nổi và trôi. Anh vẫn hoạt động, vẫn gặp gỡ, vẫn cố sống, nhưng có vẻ những hoạt động ấy cứ chết dần.

Sự thiếu hụt sự sống từ anh lan dần qua cả những nhân vật khác nối kết với anh một cách tình cờ hay đơn giản chỉ lọt vào tầm nghĩ của anh. Những nhân vật xốc nổi nhất hoạt động trong mọi lĩnh vực như Sinh, tài cán kinh doanh và luôn biết cách hưởng thụ; như Hoàng, ngơ ngác bước vào đời sống như cô đào trẻ Xuân Nương... đều có vị nhàn nhạt, rời rã, như thể một lớp bụi phủ quanh họ. Kỷ hoang mang đi trong không khí ấy.

Từ chối một cuộc hôn nhân, Kỷ làm nảy sinh một cuộc hôn nhân tồi tệ khác; tránh xa những rắc rối của học thuật, anh bị biến thành kẻ hám danh; mê một khúc ca trù, anh bị cuốn vào một cuộc bắt cóc... “Xã hội gì mà ai nấy cũng nhàu nát, ai nấy đều thấy ray rứt, ăn năn?” - Kỷ đã tự nhủ với mình như thế.

Cay đắng và không ít hài hước, tác giả đã sử dụng khá nhiều tư liệu thời sự làm nền trong tiểu thuyết. Từ phong trào cởi đồ “anh không đòi quà”, chuyện con rùa hồ Gươm đến người dân cầm cây hướng dẫn xe cộ chạy, từ các tổ chức trí thức đến chuyện nóng lạnh bất động sản. Người đọc thấy một bối cảnh quen được dựng từ tin tức mình nhận.

Trong sách, cuộc sống được nhìn và soi từ cặp mắt của đàn ông, những nhân vật nữ có đấy, nhiều nữa là khác, nhưng cứ lặn đi, mất biệt, rất ít điều để dựng nên chính xác chân dung họ. Nỗi ham muốn của giống đực tràn ra từ các ẩn ức sống đã xâm chiếm và làm nhòa bóng dáng người nữ.

Dù có là người phụ nữ như Lý, như Trinh cố khẳng định mình, biết cách tận dụng ưu thế của mình trong thế giới đàn ông hay bị động như cô nhân viên matxa, một người bạn học cũ... thì càng xoay trở, qua những trang sách, họ càng mất đi hình dáng. Họ nhạt nhòa, hóa hơi trong thế giới đàn ông nghiệt ngã và buồn tẻ ấy.

Câu hát “ba vạn sáu ngàn ngày là mấy” cứ trở đi trở lại trong đầu nhân vật chính, đó là một nhắc nhở rằng đời sống là một câu hát ngắn. Viết về Hát là viết về một đời sống được ngân lên, dù buồn bã, thất vọng. Vì thế tuy tác giả viết về Hát nhưng người đọc đừng tìm những lý giải, cảm nhận âm nhạc bác học hay đột phá trong sách.

Những bài hát xuất hiện trong sách cũng chỉ là những đôi cánh mở, mỏng manh, để bay về phía sống. Như Kỷ, khi đã trôi trên ranh sống chết, vẫn còn mơ hồ lẩm nhẩm: “Trăm năm ba vạn sáu ngàn ngày/Chỉ thoáng qua mường tượng gió bay”.

“Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy chốc”, mà dễ gì ta có tới trăm năm, bao lối rẽ đang rình rập chờ, cứ thế hát tràn trề thôi, “Có bao nhiêu nát tan/Ðội lên đầu mà hát” - như câu thơ của Hoàng Hưng mà Hát mượn đặt ở đầu cuốn sách.

VƯƠNG THUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên