26/02/2019 09:52 GMT+7

Đối sách các nước tiêu dùng thay đổi, gạo Việt gặp áp lực

C.HẠNH - H.T.DŨNG- C.QUỐC
C.HẠNH - H.T.DŨNG- C.QUỐC

TTO - Các nước nhập khẩu gạo đang thay đổi đối sách theo hướng dần tự chủ lương thực khiến áp lực đè nặng lên vai các doanh nghiệp xuất khẩu và nông dân Việt.

Đối sách các nước tiêu dùng thay đổi, gạo Việt gặp áp lực - Ảnh 1.

Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo ĐBSCL do Bộ NN&PTNT tổ chức - Ảnh: H.T.Dũng

Sáng 26-2, tại Đồng Tháp, Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Bộ Công thương, NHNN Việt Nam, các tỉnh thành ĐBSCL và doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo đã tổ chức "Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long".

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, năm 2018, Việt Nam xuất khẩu được 6,16 triệu tấn gạo, đạt 3,06 tỉ USD. Giá xuất khẩu bình quân đạt 501 USD/tấn, tăng 78 USD so với năm 2015.

Nhìn chung, trong 10 năm qua diện tích sản xuất lúa trên toàn thế giới cơ bản ít có sự biến động. Tuy nhiên, sản lượng sản xuất gạo toàn cầu vẫn tăng trưởng đều 0,9%/năm. Riêng ở nước ta, trong 4 năm gần đây có sự biến động về diện tích gieo trồng, năng suất tăng khoảng 4 tạ/ha, sản lượng lúa tăng 4 triệu tấn,  sản lượng gạo tăng 2,5 triệu tấn.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết ĐBSCL hiện có khoảng 2 triệu ha đất lúa, 90% gạo của vùng đồng bằng chiếm tỉ lệ trong xuất khẩu của cả nước.

Đối sách các nước tiêu dùng thay đổi, gạo Việt gặp áp lực - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trao đổi nhanh với Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng tại hội nghị sáng 26-2. Ảnh: CHÍ QUỐC

"Chúng ta đã và đang hình thành một ngành lúa gạo của thế giới, tiến bộ rất nhanh. Về góc độ sản xuất, chúng ta đã giữ được giá lúa, nông dân ít nhất cũng lãi 30%. Ví dụ như giống IR50404, đã có 156 doanh nghiệp xuất khẩu được gạo sang 120 nước trên thế giới, trong đó có các thị trường khó như: Mỹ, EU, Trung Đông… Chưa năm nào như năm 2018, giá lúa IR50404 nông dân bán được 5.000 đồng/kg", ông Cường cho biết thêm.

Bộ trưởng Cường cũng chỉ ra những nguyên nhân chính dẫn đến việc lúa mất giá trong những tháng đầu năm 2019. Theo đó có nhiều nguyên nhân và trong đó có hiện tượng El Nino giai đoạn năm 2016 và kéo dài ảnh hưởng nhiều năm sau khiến ĐBSCL bị hạn hán, cây lúa dịch bệnh. Giai đoạn này, giá lúa ở mức cao. Thứ 2 là sự chủ quan là từ khâu sản xuất, cho đến các khâu chế biến, tổ chức thị trường còn yếu.

"Vụ Đông Xuân vừa rồi, kế hoạch tổ chức 1,6 triệu ha trồng lúa. Năm rồi, có cái khác là lũ đến sớm, lũ dài liên tục, cao. Như vậy là nhiều năm qua, ĐBSCL mới có lũ đẹp, bù đắp phù sa nên vụ Đông Xuân có sản lượng lúa rất tốt. Trong khi đó, các thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam như: Trung Quốc, Philippin… chưa ký kết đơn hàng nên doanh nghiệp trong nước chậm thu mua từ nông dân, dẫn đến câu chuyện giá lúa tháng 2-2019 rớt, thấp.

Phải khắc phục ngay tình trạng này, Thủ tướng đã đưa ra chùm giải pháp, trong đó có giải pháp thu mua ngay 200.000 tấn lúa cho nông dân, sau đó tiếp tục mua thêm 100.000 tấn. Giao cho các tổ chức tín dụng tham gia cùng tháo gỡ, đáp ứng các nhu cầu cho doanh nghiệp thu mua lúa cho nông dân, Bộ Công thương cũng sẽ vào cuộc", ông Cường nhấn mạnh.

Đối sách các nước tiêu dùng thay đổi, gạo Việt gặp áp lực - Ảnh 3.

Nông dân Hậu Giang thu hoạch lúa đông xuân - Ảnh: CHÍ QUỐC

Ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nêu ra những khó khăn mà ngành xuất khẩu gạo nước ta đang đối mặt hiện nay là trong những năm qua các nước tiêu dùng và nhập khẩu gạo đang có xu hướng chuyển dịch sang tự chủ lương thực.

Bên cạnh đó, các đối sách nhập khẩu cũng thay đổi như: áp thuế, tăng yêu cầu về chất lượng, thay đối phương thức nhập khẩu cho phép nhiều nguồn cung tham gia đợt đấu thầu, các nước sản xuất nông nghiệp như Myarma, Campuchia, Pakistan và cả Trung Quốc cũng gia tăng sản xuất lúa gạo, trong đó có gia tăng lượng xuất khẩu.

Trước xu thế này, Chính phủ cùng các Bộ, ngành đã triển khai nhiều giải pháp nhằm làm tăng năng lực cạnh tranh cho mặt hàng ngành gạo Việt Nam, mở rộng thị trường xuất khẩu. Qua đó góp phần tiêu thụ hết lượng gạo sản xuất cho người dân trong thời gian qua.

Còn hiện tượng lúa mất giá như hiện nay, trước mắt Bộ Tài chính thu mua đưa vào dự trữ quốc gia năm 2019. Đồng thời, một số doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã trao đổi, thống nhất với các đối tác của Việt Nam về nhu cầu nhập khẩu gạo của Việt Nam. Sự vào cuộc tích cực của các cấp và doanh nghiệp bước đầu đã góp phần tăng trở lại giá lúa gạo tại ĐBSCL. 

Hiện giá lúa tươi tăng 200đ/kg, giá gạo nguyên liệu tăng 165đ/kg.

Khảo sát năng lực xuất khẩu gạo khu vực ĐBSCL

TT - Từ ngày 9 đến 12-7 tới, tổ công tác do Thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ dẫn đầu sẽ thực hiện cuộc khảo sát về hoạt động sản xuất và xuất khẩu lúa gạo tại một số tỉnh khu vực ĐBSCL để có cơ sở kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ mức xuất khẩu gạo phù hợp của năm 2005.

C.HẠNH - H.T.DŨNG- C.QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên