Chương trình đổi rác nhựa, lon nước... nằm trong ngày hội Chung tay vì cộng đồng lần 2 năm 2023 được diễn ra tại Trường tiểu học Đông Ba (số 99 Phan Đăng Lưu, phường 7, quận Phú Nhuận).
Đổi rác lấy... quà
Tại chương trình, ban tổ chức đã trao tặng 108 phần quà, 160 suất học bổng, 1 máy laptop… cho học sinh, sinh viên, thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường với tổng trị giá gần 100 triệu đồng.
Ngoài ra, chương trình có sự xuất hiện của nhiều gian hàng nhỏ nhưng ý nghĩa lớn như: gian hàng Đổi rác tái chế lấy quà, Áo dài 0 đồng, Chia sẻ yêu thương, Hớt tóc miễn phí và gian hàng tìm hiểu Luật giao thông đường bộ, hướng dẫn lái xe an toàn đồng hành cùng phụ huynh và học sinh… phục vụ người dân tham gia.
Chương trình diễn ra nhằm mục đích tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, tác hại của rác nhựa.
Qua đó hình thành thói quen giảm sử dụng sản phẩm nhựa một lần, túi ni lông khó phân hủy trong quá trình sinh hoạt hằng ngày, phân loại rác thải tại nguồn…
Bà Nguyễn Huỳnh Hải Đăng (chủ tịch UBND phường 7, quận Phú Nhuận) cho biết chương trình đã bước vào năm thứ 2. Đồng thời, UBND phường mong rằng ngày hội ngày càng thu hút thêm nhiều tổ chức, cá nhân tham gia các chương trình chăm lo an sinh xã hội góp phần phong phú và đa dạng các hoạt động trong ngày hội phục vụ cho người dân được nhiều hơn.
Bên cạnh đó ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường, hạn chế rác nhựa cũng sẽ được nâng cao, duy trì.
TP.HCM phát sinh thải rác nhựa rất lớn
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm nước ta sử dụng hơn 30 tỉ túi ni lông, trung bình một hộ gia đình sử dụng 5 - 7 túi ni lông/ngày. Đa phần các túi ni lông đều được sử dụng duy nhất một lần rồi thải ra ngoài môi trường tạo thành rác thải.
Hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM mỗi ngày có đến 80 tấn rác thải nhựa được thải ra môi trường, trong đó lượng rác thải túi ni lông chiếm 7 - 8% (tức là 5,6 - 6,4 tấn).
UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch tăng cường công tác quản lý, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa trên địa bàn TP.HCM giai đoạn năm 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Mỗi ngày TP.HCM phát sinh 9.800 - 10.000 tấn rác
Ba cơ sở xử lý chủ lực là nhà máy của Công ty cổ phần Vietstar (công suất 1.800 tấn/ngày), Công ty cổ phần đầu tư - phát triển Tâm Sinh Nghĩa (công suất 1.000 - 1.400 tấn/ngày) và bãi chôn lấp Đa Phước (khối lượng còn lại khoảng 6.000 - 6.800 tấn/ngày).
TP.HCM đã đặt mục tiêu 80% rác thải được xử lý bằng công nghệ đốt rác phát điện và tái chế vào cuối năm 2025. Tuy nhiên đến nay các nhà máy xử lý theo công nghệ mới vẫn còn nằm trên giấy và dự kiến thủ tục còn kéo dài.
Trước khó khăn về cơ sở hạ tầng xử lý rác, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị UBND TP.HCM xem xét gia hạn thêm 2 năm để hoàn thành mục tiêu đặt ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận