![]() |
Sập bẫy chông, nỗi ám ảnh kinh hoàng của lính Mỹ |
Từ vũ khí thô sơ…
Từ năm 1961-1965, cuộc chiến tranh du kích của nhân dân Củ Chi phát triển mạnh, gây cho địch những tổn thất nặng, góp phần làm thất bại cuộc “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Giai đoạn này, toàn bộ hệ thống địa đạo ở các xã phía bắc Củ Chi đã hoàn thành mạng “xương sống” và nối thông với nhau.
Những năm 1961-1962, vũ khí của du kích lúc này vẫn chủ yếu là mã tấu, tầm vông, lựu đạn Pháp... Ông Nguyễn Văn Tập, một du kích từ thời chống Pháp, trở thành người rèn dao, mã tấu nổi tiếng cho du kích quân. Về sau ông chiêu tập được thêm nhiều anh em, mở công binh xưởng ngay giữa lòng địa đạo.
Cựu du kích Út Kang nhớ lại: “Súng hồi đó rất hiếm. Ngon lắm là được cấp súng tự tạo. Nòng súng bằng sắt ống nước hoặc tuýp xe đạp, bắn vài viên là cong hoặc toác nòng. Vì thế phải bắn thật gần, chính xác”. Với cây súng không có tên trong từ điển vũ khí thế giới này, du kích Phạm Văn Chệ lần đầu tiên đã bắn chết một tên địch tại ấp Bàu Tròn ở khoảng cách... 3m khiến quân ta nức lòng, còn bọn Mỹ - ngụy thêm kinh hồn bạt vía.
Vì súng... ống nước phải bắn tầm gần nên ngay giữa lòng địa đạo, du kích phải bố trí tạo những ổ châu mai nhô lên khỏi mặt đất, ngụy trang là ụ đất, ổ gò mối hoặc hốc cây... Không có ximăng và các vật liệu khác, ổ châu mai được thiết kế là một hầm âm dưới đất, hình chóp nón, vật liệu chính là thân tầm vông dày nhiều lớp được trét dày bởi đất trộn rơm.
Ông Út Kang cười ha hả: “Bà con mình đi làm vườn làm đồng qua lại mỗi ngày mà còn không phát hiện được, huống hồ thằng địch lúc xớn xa xớn xác...”. Xung quanh ổ chiến đấu này được bố trí dày đặc các kiểu hầm chông, hố chông. Nhiều loại chông sắt bằng ngón tay được chặt ngạnh trê như lưỡi câu, khi giặc đạp phải thì chỉ còn nước bê nguyên bàn chông về Sài Gòn giải phẫu.
Nhưng đó còn là những kẻ may mắn. Gặp các loại chông hầm dày đặc lao tầm vông là coi như bị xăm nhừ; chông treo như quả cầu gai sắt thì bị băm toác đầu hoặc nát ngực; chông bàn, chông thọt... thì có nước cưa chân... Thường dưới mỗi hầm chông đều có chiến hào hoặc địa đạo liên thông để khi địch dính đòn thì du kích nhanh tay thu chiến lợi phẩm.
…Đến “Vành đai diệt Mỹ”
Khai thác tối đa địa đạo, quân ta bố trí đội hình linh hoạt, lúc phân tán, lúc tập trung. Theo ông Hai Thành - bộ đội chủ lực nhưng đi lên từ... du kích, du kích thường đánh phân tán, một tổ 3-4 người như thường thấy ở các trận chiến của Nhuận Đức, An Phú... Nhưng nhiều lắm cũng chỉ 10-15 người. Bộ đội thì tập trung hơn.
Vì đánh phân tán, phải dàn đều ra nhiều cụm chống địch nhiều mặt nên du kích khai thác tối đa địa hình tiêu diệt địch. Ngoài địa đạo thì có hệ thống chiến hào vươn vòi ngóc ngách loằng ngoằng trên mặt đất. Ở những đoạn nhất định bố trí các công sự.
Công sự để chiến đấu, chiến hào để di chuyển. Lắm lúc vừa di chuyển vừa chiến đấu. Các mặt trước và sau chiến hào, công sự đều bố trí bãi trái, hầm chông. “Địch đi càn cứ để nó càn. Đợi cả đám lọt vào bãi trái, nhắm một thằng “đùng” một phát là cả đám chạy nhảy tán loạn, không trúng trái thì cũng trúng chông”, ông Hai Thành kể.
Chính với bày biện trận địa nhử địch và buộc địch bị lôi theo cách đánh của du kích nên một tổ du kích vài ba người có thể cầm chân cả tiểu đoàn. Lối bày trận và lối đánh ấy là cơ sở để sau này chiến trường miền Nam rút kinh nghiệm, học tập và nhân lên thành phong trào, hình thành “Vành đai diệt Mỹ” trên toàn chiến trường.
“Thằng Mỹ nó lạ lắm mà cũng tội nghiệp lắm! - nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt kể - Những năm đầu ở chiến trường Củ Chi, nhiều thằng cứ ngơ ngơ ngác ngác giơ mặt giơ lưng làm bia cho du kích nã đạn. Trong nhiều trận đánh xác Mỹ nằm ngổn ngang”. Hai Thành thì nói hình tượng theo cách của nông dân: xác Mỹ xếp lớp như vồng lang.
Bất lực, chúng cho máy bay đến giội bom. Du kích ung dung rút vào địa đạo... Lúc này Củ Chi phát động phong trào đăng ký “Vành đai diệt Mỹ”. Hai Thành kêu: “Trời ơi, giành nhau đăng ký ùn ùn, đứa trước đi, đứa sau phải chờ. Cuối cùng tụi tui phải xếp lịch”.
Bẻ gãy hai chiến dịch “Cái bẫy” và “Bóc vỏ trái đất”
Ông Tư Tém ở ấp Cây Da, xã Tân Phú Trung được coi là một trong những người đầu tiên thoát hiểm dưới lòng địa đạo. Năm 1956, trong khi quân du kích đang họp ở nhà ông thì bất ngờ bị một trung đội biệt động quân vây chặt. Ông Tư vừa kịp chỉ đường thoát cho ba du kích quân thì địch ập tới. Ông lao ra hướng khác để kéo hỏa lực địch về phía mình và bị bắt. Bọn địch tra khảo ông để tìm địa đạo bí mật. Chịu đòn tới xế trưa thì ông chịu “khai”. Ông đưa giặc tới một địa đạo mới đào chưa có miệng trổ (đường lên) mà ông biết chắc là chưa có người sử dụng. Tưởng sắp hốt được “ổ lớn”, chúng thay nhau gọi hàng. Mãi không ăn thua, chúng cho ông Tư đi “trực tiếp”. Để chắc ăn, chúng lấy dây dù trói ông lại và dòng dây theo, ông bò tới đâu thì nới ra đến đó. Bò qua hai ngách địa đạo, Tư Tém lấy cuốc ngao có sẵn cứa đứt dây dù rồi ém luôn trong lòng đất. Đợi hoài không thấy Tư Tém hồi âm, biết bị lừa, bọn biệt động quân quăng ồ ạt lựu đạn vào địa đạo rồi lấp đất lại, hậm hực bỏ đi. Đêm đó Tư Tém dùng cuốc ngao trổ miệng mà lên. Ông hi sinh trong một trận pháo kích và đã được công nhận liệt sĩ năm 1990. |
Tại ấp Bàu Cạp, hai tổ chiến đấu của ông Chín Ảnh và anh hùng Phạm Văn Cội ngay từ đầu đã đánh trả quyết liệt với mũi địch tiến từ Phú Hòa Đông vào, hạ gục ngay ba tên. Quân Mỹ tràn vào lấy xác liên tục bị hất ngược ra. Từ các miệng hầm bí mật, du kích thoắt ẩn thoắt hiện khiến địch trở tay không kịp. Đến cuối ngày, trận địa Bàu Cạp hạ trên 20 lính Mỹ, thu ba súng.
Lối đánh thoắt ẩn thoắt hiện xuất quỉ nhập thần bắt đầu từ lòng đất được nhân rộng ra trên toàn chiến trường khiến quân Mỹ hoang mang tột độ. Chúng dùng bom rải thảm nhưng hệ thống địa đạo như sợi tơ trong lòng đất, không tài nào biết đâu mà đánh phá. Núng thế, chúng bèn dùng máy bơm nước vào lòng địa đạo với niềm hoan hỉ là du kích quân sẽ... chết ngạt!
Nhưng một số cửa ngõ của địa đạo được thông ra lòng sông Sài Gòn, vậy là nước lại về với sông. “Anh em tụi tui được Mỹ nó tắm cho, sướng quá!” - ông Út, ông Tư, ông Chín nhe hàm răng rơi rụng cười ló lợi!
Ngày 19-1, địch quyết định dừng chiến dịch Crimp (cái bẫy). Toàn bộ chiến dịch, quân địch chỉ phá hủy được 70m địa đạo trong khi có 1.600 tên bỏ mạng và thương vong, 77 xe tăng và thiết giáp bị phá hủy, 84 máy bay bị bắn rơi. Cái bẫy “sập lại” và chính quân Mỹ đã đưa mình vào bẫy.
Đúng một năm sau đó, tháng 1-1967, Mỹ mở cuộc hành quân mang tên Cedar Falls (bóc vỏ trái đất), huy động 30.000 quân, có sự yểm trợ của máy bay, xe tăng, thiết giáp, pháo binh, đánh phá khốc liệt vào vùng “Tam giác sắt”. Trong chiến dịch này, chúng quyết tâm xúc dân đi nơi khác, san bằng Củ Chi, tiêu diệt toàn bộ Bộ chỉ huy quân khu Sài Gòn - Gia Định, phá hủy hệ thống căn cứ địa đạo.
Chúng đã bắt đi trên 10.000 người dân, làm chết và thương vong gần 1.000 thường dân khác, hủy diệt nhà cửa, hoa màu; chúng dùng pháo đài bay B52 rải thảm; dùng xe ủi rừng, tưới xăng đốt; dùng “đội quân chuột cống” lùng sục và bơm khí độc vào địa đạo; dùng chất nổ phá hủy từng đoạn địa đạo... Củ Chi tang tóc!
Tuy nhiên, thành lũy trong lòng đất càng vững vàng hơn bao giờ hết. Những túi gạo rang trộn đường đã được tập kết trong những kho bí mật dưới địa đạo giúp quân ta có thể sống cả chục ngày và thỉnh thoảng tổ chức phản kích lẻ tẻ ở bất kỳ đâu đó. Đêm, đội quân từ mặt đất tỏa lên đặt mìn gạt, gài chông.
Những quả “mìn gạt” của anh hùng Tô Văn Đực chế tạo được cài khắp nơi trên chiến trường khiến quân địch tổn thất nặng nề. Thậm chí mìn còn được cài trên ngọn tre, nổ tung cả máy bay trực thăng giặc. Tại ngã ba Bến Dược, chỉ một đội du kích với chín chiến sĩ đã liên tục chiến đấu nhiều ngày đêm, tiêu diệt 107 tên địch, bắn cháy một xe tăng.
Sau 20 ngày càn quét, địch buộc phải kết thúc sớm chiến dịch với số thương vong gấp đôi chiến dịch Cái bẫy: 3.500 tên chết và bị thương, 130 xe tăng, 28 máy bay bị phá hủy. Tướng Mỹ A.Nasen - chỉ huy trong cuộc hành quân Cedar Falls - thú nhận :”Không thể phá hủy được địa đạo... Đánh bằng công binh không hiệu quả…rất khó tìm được cửa hầm xuống địa đạo…”.
----------
* Kỳ sau: Tư lệnh vùng đất thép
----------------
Tin, bài liên quan:
- Kỳ 6: Kỳ quan trong lòng đất- Kỳ 5: Củ Chi: từ hầm bí mật đến địa đạo chiến- Kỳ 4: Con sinh ra từ lòng đất- Kỳ 3: 30 nấm mồ tập thể- Kỳ 2: Vịnh Mốc - Cồn Cỏ: hành trình máu!- Kỳ 1: Những ngôi làng bên dưới cuộc chiến
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận