TTCT - Với độ mở thương mại cao của nền kinh tế Việt Nam, xu thế suy giảm của thương mại toàn cầu do đại dịch COVID-19 có thể tác động tiêu cực đến xuất nhập khẩu, làm giảm đầu tư nước ngoài và gây ra thực trạng căng thẳng việc làm. Đóng gói gạo xuất khẩu tại Công ty cổ phần đầu tư Vinh Phát ở huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: QUANG ĐỊNH2020 có thể là năm tồi tệ nhất của dòng thương mại và đầu tư thế giới khi đối mặt cú sốc virus corona. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế toàn cầu có thể sẽ tăng trưởng âm trong năm nay, thậm chí chỉ có thể phục hồi vào năm sau. “Cuộc suy thoái lần này có thể tồi tệ như khủng hoảng tài chính toàn cầu [2009], thậm chí còn tồi tệ hơn”, IMF nhận định.Nghẽn cả hai chiềuLà một quốc gia đang có độ mở kinh tế rất lớn (tổng giá trị xuất nhập khẩu so với GDP hơn 200%), Việt Nam chắc chắn nằm trong số các nền kinh tế chịu thiệt hại nặng nhất khi thương mại toàn cầu giảm tốc. Quan ngại về triển vọng tăng trưởng năm nay, chỉ tính riêng trong tháng 3, khối ngoại đã bán ròng gần 470 triệu đôla trên thị trường chứng khoán, khiến VN-Index lao dốc không phanh.Thực tế thì các dấu hiệu xấu xuất hiện ngày càng nhiều. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu quý 1 lần đầu tiên giảm sau khoảng 15 năm tăng trưởng liên tục và ở mức cao (tổng kim ngạch chỉ đạt 115,34 tỉ đôla, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước).Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) - một chỉ số tổng hợp dựa trên dữ liệu thăm dò với giới quản lý ngành sản xuất chế tạo trong nước để đánh giá sự biến động của ngành này - giảm mạnh từ 49 điểm của tháng 2 về 41,9 điểm trong tháng 3. Đây là con số thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây, phản ánh quy mô sản xuất đang co hẹp với tốc độ đáng sợ.Cả hai chiều xuất và nhập đều đang bị nghẽn nghiêm trọng. Lý do là nhiều quốc gia đang thắt chặt biên giới, kéo theo đó là lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trượt dốc. Đơn cử tại các công ty thủy sản, dịch COVID-19 lan rộng đang làm nhu cầu cá tra tại các thị trường chính là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) suy yếu do người tiêu dùng gia tăng tích trữ thực phẩm khô, đồ hộp, đồng thời hạn chế dùng bữa bên ngoài.Theo Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP), tỉ lệ đơn đặt hàng xuất khẩu mà khách hàng yêu cầu dừng hoặc hủy là khá cao (tương ứng 20-40% và 20-30%). Các thị trường có nhiều đơn đặt hàng hoãn hoặc hủy đơn hàng nhất là từ EU, Hàn Quốc và Trung Quốc. Tỉ lệ này ít hơn ở thị trường Nhật Bản, Mỹ và Nga. “Đặc biệt tại thị trường châu Âu, hầu hết các đơn đặt hàng tôm đều bị hoãn hoặc hủy”, VASEP báo cáo.Là một trong những lĩnh vực xuất khẩu quan trọng bậc nhất của Việt Nam, đồ gỗ và nội thất cũng khó lòng cầm cự nếu các thị trường Mỹ và châu Âu không sớm phục hồi. Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ các tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm ngoái, một phần nhờ các đơn hàng của năm 2019 còn lại.Tuy nhiên, có thể 3-6 tháng tới giá trị xuất khẩu chung sẽ giảm đáng kể bởi tác động của đại dịch khó dự đoán. “Nếu tình hình không được cải thiện, sau 1-2 tuần nữa, doanh nghiệp ngành gỗ dự kiến phải cắt giảm 70% công suất, chỉ duy trì chế độ làm luân phiên. Còn sau 3-4 tuần tới, hầu hết các doanh nghiệp sẽ ngừng hẳn sản xuất theo các đơn hàng xuất khẩu”, Hiệp hội Gỗ và lâm sản lo ngại.Đó cũng là tình cảnh chung của hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ tính riêng trong tháng 3, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều giảm so với tháng trước khi đại dịch bùng phát. Đơn cử như dầu thô giảm 20,8%, sắt thép giảm 20,3%, dệt may - giày dép giảm 19%...Tất cả dẫn tới kim ngạch xuất khẩu tháng 3 lần lượt giảm 4% so với tháng 2 và 12% so với cùng kỳ năm trước. Xu thế giảm tốc của kênh xuất khẩu dự kiến kéo dài do nhu cầu ảm đạm của thế giới trong năm nay.Giữa lúc chiều đi ra của hàng hóa và dịch vụ bị tắc nghẽn thì sự gián đoạn nguồn cung nguyên liệu lại đe đọa sự tồn tại của nhiều lĩnh vực quan trọng khác, đơn cử là ngành may mặc. Lý do là ngành này phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu vải nhập khẩu từ Trung Quốc.Theo Công ty chứng khoán FPTS, Việt Nam nhập khẩu hơn 50% vải từ Trung Quốc. Do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, các nhà máy dệt Trung Quốc đã phải ngưng hoạt động 10-15 ngày trong tháng 2-2020.Nhiều doanh nghiệp Việt Nam lo ngại thực trạng cạn kiệt nguyên liệu sẽ bắt đầu từ cuối tháng 4. Trong khi đó, việc chuyển đổi sang nhập khẩu vải từ Hàn Quốc không khả thi do giá thành cao hơn so với vải Trung Quốc khoảng 15%.Từ giữa tháng 3-2020, khi tình hình dịch bệnh bắt đầu được kiểm soát tại Trung Quốc, các nhà máy dệt Trung Quốc đã bắt đầu hoạt động trở lại. Nhưng trong khi nguồn cung nguyên liệu bắt đầu được nối lại thì tình trạng dịch bùng phát ở những thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, EU đã khiến các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc gặp khó khăn ở đầu ra. Nhiều đối tác nhập khẩu yêu cầu hủy hay tạm hoãn đơn hàng, khiến hàng tồn kho thành phẩm tại các công ty may mặc có phần gia tăng.Một lĩnh vực quan trọng khác đang chịu sức ép tạm dừng hoạt động là lắp ráp ôtô. Hiện ngành này có tới hơn 70% linh phụ kiện phải nhập từ Trung Quốc và các quốc gia khác. Đến nay, hàng loạt hãng ôtô như VinFast, Nissan Việt Nam, Ford, Toyota, Honda, TC Motor… đã thông báo tạm ngưng hoạt động sản xuất tại Việt Nam. Sức cầu yếu trong khi COVID-19 diễn biến khó lường cũng là yếu tố ảnh hưởng kế hoạch vận hành của các hãng ôtô năm nay.Đứt gãy chuỗi cung ứng khó có thể được giải quyết trong thời gian ngắn. “COVID-19 tác động tiêu cực đến ngành sản xuất khi gây ra tình trạng thiếu hụt nguyên liệu. Ít nhất hơn 33% nguyên vật liệu đầu vào các nhà máy Việt Nam đến từ Trung Quốc. Do đó, thực trạng gián đoạn của chuỗi cung ứng có khả năng sẽ ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng sản lượng sản xuất của Việt Nam trong năm nay”, báo cáo của Quỹ đầu tư Vina Capital nhận định.Một số sản phẩm thiết yếu khác có thể chịu tác động tiêu cực khi kênh nhập khẩu bị đình đốn là vật tư nông nghiệp, nhất là các mặt hàng phân bón và thuốc trừ sâu. Việc thiếu nguyên liệu thiết yếu cho ngành nông nghiệp trước mắt có thể khiến mặt bằng giá tăng vọt, gây tác động xấu đến mùa màng và lợi nhuận của nông dân.“Trong mọi trường hợp cần đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu cho người dân. Các doanh nghiệp cung ứng các hàng hóa này cần được giám sát chặt chẽ và có biện pháp hỗ trợ cần thiết, tránh xảy ra đứt gãy trong sản xuất và cung ứng”, nghiên cứu của Đại học Kinh tế quốc dân nhận định.Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU (châu Âu) tại Công ty cổ phần SXTM May Sài Gòn (Garmex Saigon JS). Ảnh: QUANG ĐỊNHYêu cầu cấp bách: Hỗ trợ người lao độngVới độ mở của nền kinh tế quá lớn, dịch bệnh tiếp tục hoành hành ở Mỹ và châu Âu trong khi sức tiêu dùng nội địa có phần hạn chế (lãi suất tiếp tục cao, bất động sản, chứng khoán “đứng hình”), tác động của COVID-19 lên triển vọng tăng trưởng năm nay rất đáng lo ngại.Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á, tăng trưởng 2020 của Việt Nam sẽ giảm tốc đáng kể khi chỉ đạt 4,8%, mức thấp kỷ lục trong 10 năm qua, thậm chí thấp hơn cả năm khủng hoảng tài chính 2009 (5,32%).Trong bối cảnh tăng trưởng yếu đi, làn sóng gia tăng các công ty, nhà máy ngừng hoạt động hay giải thể sẽ tạo ra sức ép tiếp nối lên công ăn việc làm trong phần còn lại của năm.Đơn cử như ở ngành dệt may. Đây là ngành thâm dụng lao động, chi phí trả lương là rất lớn với doanh nghiệp. Nhưng nếu cho công nhân nghỉ việc thì khi khủng hoảng qua đi, doanh nghiệp rất khó tuyển được lao động có tay nghề để khôi phục sản xuất.Cuối tháng 3 vừa qua, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đưa ra dự báo 30% số lao động của ngành dệt may sẽ thiếu việc làm trong tháng 4-2020 và con số sẽ tăng lên 50% trong tháng 5-2020, tổng thiệt hại ước tính trên 5.000 tỉ đồng.Quy mô hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp bị thu hẹp. Khảo sát của Đại học Kinh tế quốc dân cho thấy tính đến 20-3-2020, đã có trên 15% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất. Nếu ước tính số lao động bình quân một doanh nghiệp khoảng 25 người, thì trong hai tháng đầu năm đã có khoảng 400.000 lao động bị ảnh hưởng do các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. “Nếu dịch bùng phát, số lao động bị giảm giờ làm hoặc bị mất việc làm là 880.000 - 1,32 triệu người”, nghiên cứu của Đại học Kinh tế quốc dân chỉ ra.Các động thái hỗ trợ của Chính phủ trong thời gian này là vô cùng cấp bách, nhưng cần lựa chọn đúng lĩnh vực để tạo tác động lan tỏa và hạ nhiệt căng thẳng xã hội. Theo các chuyên gia của Đại học Kinh tế quốc dân, các chính sách hỗ trợ cần hướng đến việc cải thiện khả năng thanh khoản, kéo dài khả năng chống đỡ của doanh nghiệp, đi cùng đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt, chính sách hỗ trợ cần quan tâm đến những khu vực dễ bị tổn thương như người lao động ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngắn hạn.■ Tags: Việt NamCOVID-19Kinh tế toàn cầuCú sốc thương mại
Tổng Bí thư Tô Lâm: Đổi mới, sắp xếp bộ máy là đòi hỏi rất cấp thiết THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là đòi hỏi rất cấp thiết trong tình hình thực tiễn.
Viện kiểm sát: Không có căn cứ giảm án tử hình cho bà Trương Mỹ Lan ĐAN THUẦN 25/11/2024 Ngày 25-11, phiên tòa phúc thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB tiếp tục phần tranh luận. Các luật sư đề nghị không tử hình bị cáo Trương Mỹ Lan, viện kiểm sát nói không có căn cứ giảm án.
Bộ Tài chính đề xuất sửa toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân LÊ THANH 25/11/2024 Hôm nay 25-11, Bộ Tài chính chính thức xin lấy ý kiến góp ý rộng rãi về việc sửa đổi những bất cập của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Nhà Trắng im ắng cả tháng sau bầu cử, ông Biden và bà Harris đang ở đâu? THANH HIỀN 25/11/2024 Ông Biden dường như đang giữ khoảng cách với truyền thông, bà Harris nghỉ phép để dành thời gian bên gia đình.