06/11/2017 10:04 GMT+7

Đối phó bão bất cập tới mức tàu cứu hộ... không có đường ra biển

XUÂN LONG - LAN ANH
XUÂN LONG - LAN ANH

TTO - Việc bố trí sắp xếp neo đậu tàu làm công tác cứu hộ, cứu nạn chưa hợp lý nên khi có sự cố cần tổ chức cứu nạn thì chưa kịp thời, không di chuyển dược do... không có đường ra phía biển.


Đối phó bão bất cập tới mức tàu cứu hộ không có đường ra biển - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường báo cáo Thủ tướng công tác phòng chống bão số 12 có nhiều bất cập - Ảnh: XUÂN LONG

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường - trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - báo cáo Thủ tướng Chính phủ công tác ứng phó và khắc phục hậu quả cơn bão số 12, trong đó nêu chi tiết những nguyên nhân, hạn chế làm thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Phương án phòng chống của địa phương còn xa rời thực tế

Báo cáo của Ban chỉ đạo nêu rõ xác định đây là cơn bão lớn rất nguy hiểm, có khả năng gây thiệt hại lớn về người và tài sản, tàu thuyền, Chính phủ, Ban chỉ đạo trung ương đã tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các biện pháp ứng phó với bão.

Tuy nhiên, Ban chỉ đạo cũng thẳng thắn chỉ rõ nhiều nguyên nhân, hạn chế đối với thiệt hại về người và tài sản.

Về hạn chế về công tác tham mưu chỉ đạo, điều hành ở địa phương, Ban chỉ đạo Trung ương nêu rõ "năng lực của các cơ quan tham mưu phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương trong khu vực chịu ảnh hưởng bão số 12 vừa qua còn rất nhiều hạn chế".

Những hạn chế được chỉ ra bao gồm cả hạn chế về số lượng, kinh nghiệm cán bộ cũng như trang thiết bị, phương tiện.

Đáng lưu ý, có cả hạn chế về công tác phối hợp, đôn đốc, chỉ huy thực hiện ứng phó, khắc phục sự cố gặp hạn chế và không kịp thời do không được thường xuyên tập huấn, diễn tập.

Thậm chí, Ban chỉ đạo trung ương còn nêu rõ việc tham mưu xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai, nhất là với bão mạnh của các địa phương còn xa rời thực tế, không áp dụng được khi có tình huống thiên tai xảy ra.

Tàu cứu hộ không có đường ra biển?

Theo Ban chỉ đạo trung ương, bão số 12 duy trì gió mạnh trên đất liền kéo dài 12 giờ, phạm vi ảnh hưởng rộng các tỉnh ven biển từ Quảng Nam đến Bình Thuận và Tây nguyên, gây mưa lớn nhiều khu vực.

Tuy nhiên, trong đối phó với bão, về nguyên nhân, hạn chế đối với thiệt hại lớn về người, có cả việc tàu cứu hộ, cứu nạn không có đường ra biển. Cụ thể:

Thứ nhất, đây là cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm qua đổ bộ vào khu vực.

Thứ hai, nhiều cấp chính quyền địa phương và người dân còn chủ quan, chưa quyết liệt và không có kinh nghiệm ứng phó với bão lớn.

Thứ ba, việc kiểm soát, tổ chức đeo đậu, cứu hộ, cứu nạn các tàu vận tải ở cảng Quy Nhơn - Bình Định còn nhiều bất cập, hạn chế.

Thứ tư, phương án ứng phó của một số địa phương còn chưa sát thực tế, nhất là phương án sơ tán, di dời dân ở những nơi không an toàn.

Thứ năm, lực lượng, trang thiết bị, phương tiện cứu hộ, cứu nạn còn thiếu,chưa phù hợp với thực tế. 

Việc bố trí sắp xếp neo đậu tàu làm công tác cứu hộ, cứu nạn chưa hợp lý nên khi có sự cố cần tổ chức cứu nạn thì chưa kịp thời, không di chuyển dược do không có đường ra phía biển.

Từ những bất cập, hạn chế của địa phương, Ban chỉ đạo cho biết phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện kế hoạch phòng chống, phương án ứng phó với thiên tai đảm bảo sát với thực tế. Đặc biệt phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão, ứng phó với mưa lũ lớn.

Củng cố, hoàn thành cơ cấu, tổ chức, tăng cường năng lực cơ quan tham mưu phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương, tăng cường trang thiết bị, xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác phòng, chống thiên tai từ trung ương đến địa phương.

Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị Thủ tướng quyết định hỗ trợ khẩn cấp lương thực, kinh phí cho các địa phương bị thiệt hại nặng trong bão số 12 để khắc phục hậu quả.

Bất cập trong cứu hộ cứu nạn

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, ít nhất có hai vụ bất cập trong cứu hộ, cứu nạn do sắp xếp tàu thuyền tránh trú chưa hợp lý.

Thứ nhất, vụ 5 ngư dân sau khi đã bị cưỡng chế vào bờ sau đó vẫn trốn ra vớt tôm ở vịnh Xuân Đài, Phú Yên. Nửa đêm thấy không ổn chạy về thì ghe bị hỏng máy giữa đường.

Khi điều lực lượng ra cứu hộ, các tàu cứu nạn của hải quân, biên phòng đều nằm ở trong bờ không ra được vì sóng quá mạnh ở cửa luồng.

Một số tàu hải quân có thể đi được nhưng bị tàu cá về tránh trú sau... chặn hết đường luồng ra để đi cứu.

Rất may 5 ngư dân đã được cứu an toàn sau đó.

Vụ thứ hai, tàu Bình Định 95184 hỏng máy thả trôi, trôi dạt, khi điều tàu Hải quân 795 đi cứu nạn nhưng tàu không ra được do... mắc kẹt trong các tàu thuyền vào tránh trú.

Ngoài ra, trước thiệt hại lớn về cơ sở hạ tầng, tàu thuyền, theo Ban chỉ đạo trung ương có nguyên nhân do mức đảm bảo thiết kế của công trình đê biển, hệ thống điện, thông tin thấp hơn cường độ bão xảy ra.

Tuy nhiên, cũng có nguyên nhân do nhiều khu neo đậu tàu thuyền trú tránh bão bất cập, quá tải, không đủ cho các tàu thuyền vào tránh trú. Đặc biệt tàu vãng lai, tàu vận tải.

Thông tin, kiểm soát tàu thuyền ở rất nhiều đợt bão, lũ còn hạn chế thường gây nhất nhiều thiệt hại.

Thậm chí, trong thiệt hại về nhà cửa, cây xanh, báo cáo cũng nêu rõ, có tình trạng hướng dẫn và chỉ đạo chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây. Cá biệt khu vực ở sâu trong đất liền còn chưa thực hiện quyết liệt, nhiều nơi không thực hiện do tư tưởng chủ quan.

Tiếp nữa, ý thức chấp hành chỉ đạo, hướng dẫn của người dân còn chưa cao như chưa thực hiện triệt để việc chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cây, tháo dỡ vật cản gió, biển quảng cáo, trước khi bão đổ bộ, đi lại nhiều trong khi đang có bão.

XUÂN LONG - LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên