Dù là các cô gái “chân yếu tay mềm” và chỉ qua 45 ngày đào tạo lái xe, các cô gái đã lái được nhiều loại xe, vượt qua những cung đường mưa bom ác liệt - Ảnh tư liệu
Xăng quý lắm, chúng tôi hút xăng bằng miệng đổ ra thùng, rồi lại từ thùng đổ vào xe. Có khi xăng ọc vào miệng phải nuốt cả xăng.
Bà VŨ THỊ KIM DUNG
Nhân ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12, Quân ủy trung ương - Bộ Quốc phòng tổ chức cuộc gặp mặt những người con gái kiên cường lái xe Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ oai hùng ngày ấy.
Lái xe dưới lằn sinh tử
17 tuổi, cô gái Vũ Thị Kim Dung (nay ở Hà Nội, 70 tuổi) trốn mẹ đi thanh niên xung phong. Năm 1968, Dung xung phong "đi B", hành quân vào chiến trường phía tây tỉnh Quảng Bình.
Tháng 5-1968 vào chiến trường học lái xe, năm ấy cô vừa tròn tuổi đôi mươi. Cô gái gầy nhom Vũ Thị Kim Dung ngày ấy là tiểu đội trưởng tiểu đội 2, trung đội nữ lái xe.
"Học 45 ngày, chủ yếu học lái xe và học để tự sửa chữa được xe. Cô nào khỏe tay lái, lái vững thì một mình một xe, ai yếu thì 2 người một xe. Lúc đó tôi một mình một xe. Vào chiến trường, nam giới khổ một thì chúng tôi khổ mười nhưng chị em động viên nhau gắng lên" - những ký ức Trường Sơn ùa về khiến bà Dung rưng rưng.
Chân dung các cô gái xinh đẹp của Đội nữ lái xe Trường Sơn - Ảnh tư liệu
Sau 45 ngày tập huấn, bà Dung và đồng đội được cầm lái đủ các loại xe Zin 130, Gaz 51, Gaz 69. Trên trời máy bay địch quần thảo, dưới đất đầy bom bi, bom hẹn giờ, các cô gái lái xe Trường Sơn ngày ấy khiến cánh mày râu phải nể phục.
"Đường gồ ghề toàn hố bom, chúng tôi toàn lái đêm mà đèn xe bé tí, chúng tôi gọi vui là đèn quả táo, quả dưa, đèn rùa. Ngày ấy lái xe khi trời sáng trăng còn sướng hơn bật đèn xe. Toàn lái xe đêm thôi chứ ban ngày nó (máy bay Mỹ - PV) đánh cho chết. Lái xong, sớm mai về chui vào hang, tháo xăng và ngụy trang cho xe" - bà Dung hồi tưởng.
Người bé xíu, gầy nhom, ngồi lên yên xe nhỏ thó không thấy đường phía trước, Dung cho chiếc balô ra phía sau để người nhô lên tay lái.
Nhưng gian khổ nhất vẫn là việc hút xăng. Cô bộ đội lái xe Trường Sơn ngày ấy rơi nước mắt, kể lại: "Giấu xe, ngụy trang xe thì phải hút xăng ra chứ không nó (máy bay Mỹ - PV) đánh cả xe, cháy tất. Xăng quý lắm, chúng tôi hút xăng bằng miệng đổ ra thùng, rồi lại từ thùng đổ vào xe. Có khi xăng ọc vào miệng phải nuốt cả xăng".
Cũng bởi vậy mà sau hòa bình, cô nào cũng mắc bệnh tật, như bà Dung không sinh nở được.
Các cô gái của Đại đội nữ lái xe Trường Sơn gặp mặt nhau vào năm 2006 - Ảnh tư liệu
Bà Vũ Thị Kim Dung mân mê bức ảnh các đồng đội nữ lái xe Trường Sơn từng chụp với cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh: HÀ THANH
Bà Phạm Thị Phàn (70 tuổi, ở Thái Bình) ngày ấy được chị em gọi bằng cái tên thân mật "Phàn còi".
19 tuổi, Phàn nặng chưa đầy 40kg nhưng làm nên chuyện phi thường: cô là một trong hai nữ lái xe đầu tiên của toàn quân vượt cao điểm 050 (Quảng Trị), là cao điểm mà kể cả cánh đàn ông lái xe dạn dày kinh nghiệm cũng phải ngán.
Phàn xung phong dẫn đầu đoàn xe, chở súng ống, đạn dược vượt cao điểm trong đêm để sang Lào.
Vượt cao điểm thành công, bà Phàn cùng một đồng đội được Bác Hồ gửi tặng một chiếc đồng hồ. Suốt mấy chục năm qua, bà vẫn luôn giữ nó bên mình. Mới đây bà đã trao tặng chiếc đồng hồ này cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Không chỉ lái xe, các cô còn kiêm luôn nhiệm vụ cõng thương binh, họ đùa nhau: "Mình đàn ông thật, cũng vạn năng thật. Vừa bốc vác hàng hóa, chở thương binh vừa kiêm luôn hộ lý, y tá".
Có hôm đang chở thương binh, xe chết máy giữa đường các cô đứng loay hoay, lái xe nam hét lên: "Xe nào đây, để xe đây cho máy bay đánh chết tất à?", thấy chị em thì ồ lên: "Con gái!".
Trường Sơn mưa suốt ngày đêm, xe cộ đi lại khó khăn, về mùa khô lại không có nước. "Nói thì xấu hổ, chúng tôi toàn ghẻ lở hết vì chả có nước tắm đâu" - bà Dung hồi tưởng.
Thành viên Đội nữ lái xe Trường Sơn năm xưa - Ảnh tư liệu
Lắm oai hùng, lắm gian nan
Chiến trường đỏ lửa, đạn bom ác liệt, vậy mà kỳ diệu thay, cô Dung, cô Phàn cùng đồng đội kiên cường vượt mưa bom bão đạn sống sót trở về.
"Một phần ba chị em bị thương nhưng chắc "chín vía" nên không ai chết" - bà Dung hóm hỉnh kể.
Đến tháng 2-1972, đội nữ lái xe được điều chuyển về Trường lái xe D255 làm giáo viên dạy lái xe cho học viên nữ và trở thành đại đội nữ lái xe Trường Sơn với phiên hiệu C13 gồm 33 cô gái, huấn luyện được 300 nữ tân binh lái xe phục vụ chiến trường.
Nhưng ngày trở về cũng lắm gian nan, đa số chị em lập gia đình với người từng "đứt gánh giữa đường" và cũng có người không lập gia đình.
"Hút xăng xe bằng miệng, nuốt xăng toàn chì độc hại, nhiều chị em sau này đa số mất vì ung thư. Tôi cũng bệnh phổi, trở trời là ho hắng, là thương binh 22%, năm 40 tuổi mới xây dựng gia đình, chồng có con riêng nhưng may mắn các con thương tôi như mẹ ruột" - bà Dung tâm sự.
Ngày hôm nay - giữa đất trời thủ đô, những người nữ phi thường ngày ấy gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi, họ ôm lấy nhau mà khóc, họ ăn với nhau bữa cơm, hỏi thăm nhau sức khỏe.
Họ ngân nga những câu hát hào hùng thời chiến, đọc cho nhau nghe những bài thơ về đại đội nữ lái xe Trường Sơn thời ấy.
Đại đội nữ lái xe Trường Sơn ngày ấy gồm 40 cô gái - Ảnh tư liệu
Trưa đến, chiếc xe khách đưa những người ở tỉnh xa về lại quê nhà, những chị em ở thủ đô nôn nao sốt ruột cứ gọi điện hỏi thăm: "Em à, về đến nhà chưa? Về rồi cho hỏi thăm sức khỏe anh nhà. Nhớ giữ sức khỏe, năm sau chúng ta còn gặp lại nhé".
Đôi ba câu hỏi thăm, những người phụ nữ phi thường ngày ấy chỉ có một mong mỏi duy nhất là đồng đội mình, chị em mình giữ gìn sức khỏe, sống hạnh phúc bên gia đình.
Cả trung đội trở về nguyên vẹn
Thành lập vào tháng 12-1967, đội nữ lái xe gồm 40 cô gái có nhiệm vụ vận chuyển khí tài, đạn dược trên tuyến đường dài hơn 100km từ Khe Tang (Hà Tĩnh) theo đường 15 vào Đá Đẽo, Xuân Sơn (Quảng Bình) và từ Khe Ve (Quảng Bình) theo đường 12, qua Cổng Trời, Cha Lo (Quảng Bình) dài hơn 60km cheo leo, hiểm trở - nơi địch đánh phá ngày đêm.
Đường ra trận ngày ấy vẫn có hoa, có lá, ngân nga những câu hát, những người con gái lái xe Trường Sơn với sức mạnh quật khởi xuôi ngược trên tuyến đường khói lửa đầy mưa bom bão đạn.
Một điều đi vào huyền thoại: không một nữ lái xe nào hi sinh trong chiến trường.
Những người con gái kiên cường
Bà Vũ Thị Kim Dung (phải) năm 20 tuổi và đồng đội Nguyệt Ánh ở chiến trường Trường Sơn khốc liệt - Ảnh: TƯ LIỆU
Tại buổi gặp, đại tướng Ngô Xuân Lịch - bộ trưởng Bộ Quốc phòng - bày tỏ sự cảm phục về những hi sinh, đóng góp lớn lao của đại đội nữ lái xe Trường Sơn đã không quản ngại mưa bom, bão đạn cùng quân và dân cả nước đóng góp cho sự nghiệp thống nhất đất nước.
Năm 2014, đại đội nữ lái xe Trường Sơn được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và bà Phùng Thị Viên (đại đội trưởng) được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Chân dung của nữ lái xe Trường Sơn Bùi Thị Vân - Ảnh: Ảnh tư liệu
Nữ lái xe Trường Sơn Bùi Thị Vân - Ảnh tư liệu
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận