Hàng chục giang hồ xăm trổ lại ngang nhiên đánh người, đòi nợ thuê tại Hải Dương - Ảnh cắt từ clip
Người dân cần dịch vụ đòi nợ
Tiến sĩ Bùi Thị Quỳnh Thơ (Trường ĐH Hà Tĩnh) cho rằng không nên cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ bởi đây là dịch vụ xuất phát từ nhu cầu của người dân.
Theo bà Thơ, trên thực tế nếu phát sinh nợ, người dân kiện ra tòa thì thời gian xử lý lâu, chi phí kiện tụng không nhỏ, thậm chí nếu người đi vay đi tù không lấy được khoản nợ. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải vào cuộc quản lý dịch vụ này một cách mạnh mẽ thay vì cấm.
Trong khi đó, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sĩ Đồng cho rằng với một khoản nợ cụ thể, để đòi nợ, chủ nợ phải đưa ra pháp luật hoặc thuê dịch vụ đòi nợ.
Nếu dựa theo quy định pháp luật, đưa ra tòa với các thủ tục pháp lý theo trình tự từ khoản nợ này từ 250 ngày đến vài năm. Quá trình thi hành án mất thời gian dài, từ 150 ngày đến vài năm.
Nếu sử dụng dịch vụ thu hồi nợ, thời gian thu hồi nợ chỉ mất vài tháng và biện pháp do dịch vụ đòi nợ thuê tự chịu trách nhiệm.
Do đó, đại biểu cho rằng việc thu hồi nợ là nhu cầu thực tiễn của người dân, không nên cấm mà phải ràng buộc điều kiện.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng đề xuất không nên cấm kinh doanh đòi nợ - Ảnh: Quochoi.vn
Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, ông Đồng cho rằng cũng chưa thấy nước nào cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ. Do đó, ông Đồng đề nghị không nên cấm mà cần phải học tập kinh nghiệm quốc tế để quản thật chặt.
Đồng quan điểm, phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Lệ Thủy cũng đồng tình không đưa vào danh mục cấm vì đây là nhu cầu thực tiễn. Bà Thủy đề nghị cần phải có những đánh giá tác động của việc cấm này trước khi đề xuất cấm.
Nên cấm vì gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội
Đại biểu TP.HCM, luật sư Trương Trọng Nghĩa lại cho rằng cần phải cấm đòi nợ thuê vì thực tế đã có nhiều biến tướng.
Về pháp lý, luật sư Nghĩa cho rằng cần phải minh định rõ thực chất những khoản được chuyển đến dịch vụ đòi nợ thuê này thực chất có phải là nợ hay không bởi có nhiều khoản khi đưa ra tòa cũng chưa xác định đó là nợ hay không nợ.
Do đó, bên cạnh ủng hộ cấm kinh doanh đòi nợ, đại biểu Nghĩa đề nghị cần phải tăng cường hệ thống công quyền, các tổ chức hòa giải.
Tương tự, đại tá Phạm Huyền Ngọc (giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận) nói thực tế thời gian qua một số công ty kinh doanh đòi nợ đã không chấp hành những quy định pháp luật, dẫn đến những vi phạm pháp luật. Cụ thể, nhiều hình thức vi phạm diễn ra thường xuyên như tìm cách thu giữ, hủy hoại tài sản, đe dọa, khủng bố tinh thần…
"Nhiều nơi xuất hiện dịch vụ kinh doanh đòi nợ để biến tướng thành băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, tín dụng đen gây bất ổn xã hội, an ninh trật tự địa phương" - ông Ngọc nói.
Bên cạnh đó, một số đối tượng đòi nợ thuê có đăng ký hoặc không đăng ký kinh doanh dịch vụ này đã tổ chức bắt giữ người trái phép, đã có trường hợp dẫn đến chết người hoặc nở rộ hình thức khủng bố tinh thần cha mẹ, người thân và hàng xóm của cha mẹ con nợ.
Đại biểu Phạm Huyền Ngọc (giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận) - Ảnh: Quochoi.vn
Theo ông Ngọc, hiện nay quy định rõ ràng, cách thức đòi nợ như thế nào, sử dụng ai để đòi nợ… Từ những lý do trên, đại tá Ngọc đề xuất cấm kinh doanh đòi nợ và lý giải rằng "không phải không quản được thì cấm" nhưng đây là ngành nghề gây nhiều bất ổn cho xã hội.
Từ hai luồng ý kiến trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đây vấn đề phức tạp đã được cơ quan soạn thảo hết sức cân nhắc khi đề xuất.
Theo ông Dũng, các khoản nợ vay không chính đáng như tín dụng đen, không có thế chấp rất khó sử dụng các cơ quan tư pháp để giải quyết. Điều này dẫn đến tình hình an ninh trật tự rất phức tạp, do đó ông Dũng cho rằng nên đề xuất đưa vào cấm.
Tuy nhiên căn cứ ý kiến đại biểu của Quốc hội, ông Dũng nói sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét để hoàn thiện.
Đề xuất cấm mua bán bóng cười, shisha và bào thai
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu - Ảnh: Quochoi.vn
Cho rằng bóng cười, shisha hiện nay rất phổ biến, được sử dụng tràn lan, song đây là chất kích thích, gây tác hại đến sức khỏe và tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự nên giám đốc Công an Nghệ An đề xuất cấm kinh doanh hai sản phẩm này.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu - giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, đề xuất cấm mua bán bóng cười, shisa và bào thai.
Theo ông Cầu, các báo cáo y khoa đã chỉ ra hít bóng cười tạo nên kích thích, có thể gây khó thở, nguy cơ tử vong… cũng như nhiều hệ lụy đến sức khỏe con người. Tuy vậy, việc sản xuất, tiêu thụ quá dễ dàng nên đại biểu Cầu đề xuất phải đưa vào Luật đầu tư sửa đổi lần này việc cấm mua bán, sản xuất bóng cười.
Tương tự, shisha đang được giới trẻ ưa chuộng cũng là chất kích ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, có nguy cơ gây nghiện và là nguồn cơn bệnh tật. Do đó, ông Cầu đề xuất cấm kinh doanh bóng cười.
Ông cũng nhắc lại đề xuất của ông ở kỳ họp trước là cần phải đưa việc kinh doanh bào thai vào danh mục cấm trong luật.
Theo ông Cầu, sức khỏe con người là vốn quý nhất nên việc cấm đầu tư, kinh doanh bào thai, bóng cười, shisha là cần thiết và cấp bách trong thời buổi hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết khi soạn thảo chưa có đề xuất, ông sẽ tiếp thu đề xuất, tiếp tục nghiên cứu bổ sung các nội dung này vào dự thảo luật trong thời gian tới.
Thăm dò ý kiến
Dịch vụ đòi nợ thuê đáp ứng nhu cầu của xã hội nhưng cũng biến tướng nhiều, theo bạn nên:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận