Đổi nhựa lấy quà, và sau đó?

XUÂN MINH 16/11/2024 04:57 GMT+7

TTCT - Những chương trình trao đổi đồ nhựa lấy quà được thực hiện ở nhiều cộng đồng hay sự kiện liên quan đến môi trường để khuyến khích người dân thu gom nhựa cho tái chế.

Đổi nhựa lấy quà, và sau đó? - Ảnh 1.

Gian hàng đổi nhựa lấy quà tái chế của PLASTICPeople tại Ngày hội Việt Nam Xanh 2024. Ảnh: Quang Định

Những chương trình trao đổi đồ nhựa lấy quà được thực hiện ở nhiều cộng đồng hay sự kiện liên quan đến môi trường để khuyến khích người dân thu gom nhựa cho tái chế. 

Càng nhiều người tham gia và càng nhiều nhựa được thu gom nghĩa là một lượng rác tương đương không bị thải ra môi trường và trở lại nền kinh tế. Nhưng chúng thực sự hiệu quả tới đâu?

Các sáng kiến đổi nhựa phong phú trên thế giới như những tia hy vọng trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa.

Các sự kiện sống xanh thường được tổ chức ở trung tâm thành phố, nơi nó có thể lan tỏa rộng rãi đến số đông.

Đổi rác lấy đủ thứ

Tại Ngày hội Việt Nam Xanh 2024 ở TP.HCM cuối tuần qua chẳng hạn, nhiều gian hàng thu rác từ người dự rồi tặng lại áo, nón, cây sen đá, ly tái chế từ bã cà phê…

Thật ra nếu đã dành hàng tháng trời để giặt và phơi túi nhựa, những ai mang nhựa đến sự kiện không phải để nhận quà. Tình yêu môi trường mới chính là động lực hoặc các món quà phải đủ thiết thực, chẳng hạn đổi nhựa lấy găng tay cao su hoặc dầu ăn như ở phường 3, TP Đà Lạt.

Ở Philippines, từ năm 2019 một số địa phương ven biển triển khai chương trình đổi rác thu gom ở bờ biển lấy gạo - vừa sạch môi trường vừa no bụng dân. Nhiều nơi trên thế giới có sáng kiến hay không kém. Một trường học ở bang Assam, Ấn Độ cho phép phụ huynh đóng học phí cho con bằng rác nhựa.

Tại Surabaya, thành phố lớn thứ 2 Indonesia, người đi xe buýt có thể mua vé bằng 5 chai nhựa hoặc 10 ly nhựa. Nhựa sau đó được bán cho các công ty tái chế và gây quỹ xây không gian xanh của thành phố. Chương trình có thể thu gom tới 250kg chai nhựa mỗi ngày, tương đương 7,5 tấn mỗi tháng.

Một số câu chuyện thành công

Chương trình đổi rác lấy gạo ở Philippines sau gần 2 năm đã thu được một số kết quả đo đếm được. Chẳng hạn, thành phố Mabini (tỉnh Batangas) thu được hơn 4,3 tấn rác thải nhựa, và phát ra 2,6 tấn gạo cho người dân. Địa phương xin tài trợ từ các nhà tài trợ cá nhân và các công ty để duy trì chương trình.

Phần thưởng là thực phẩm thiết yếu nên được người dân ủng hộ. "Mỗi tháng, tôi cần khoảng 4 bao rưỡi gạo, bây giờ tôi chỉ cần mua 2 bao, chương trình đổi rác lấy gạo rất thiết thực" - Janeth Acevedo, một người dân địa phương 46 tuổi, nói với South China Morning Post hồi tháng 7. 

Cũng trong thời điểm này, ban biên tập Manila Bulletin, tờ báo tiếng Anh lớn của Philippines, có bài viết đánh giá cao hiệu quả của chương trình mà họ gọi là "cuộc cách mạng đổi nhựa lấy gạo".

"Thành công của các chương trình thu gom nhựa ở một số địa phương nên trở thành nguồn cảm hứng để chính phủ áp dụng các chính sách tương tự trên toàn quốc. Hãy tưởng tượng, nếu mọi thành phố và thị trấn trong cả nước đều khuyến khích người dân đổi nhựa lấy nhu yếu phẩm? 

Sự chuyển đổi này có thể cách mạng hóa quản lý rác thải và mang lại lợi ích cho cả con người lẫn hành tinh của chúng ta" - bài báo viết.

Theo Manila Bulletin, ngoài giải pháp đơn giản này, chính phủ cần tăng cường luật quản lý rác thải hiện có và thực thi các hình phạt nghiêm khắc hơn đối với việc gây ô nhiễm nhựa, đưa ra các ưu đãi như giảm thuế hoặc trợ cấp cho các doanh nghiệp giảm sử dụng nhựa hoặc đầu tư vào các giải pháp bền vững thay thế, tiếp tục hướng dẫn, vận động người dân về sử dụng và xử lý nhựa có trách nhiệm.

"Các chương trình "Đổi nhựa lấy gạo" hay "Đổi rác lấy tiền" là minh chứng cho thấy những hành động nhỏ có thể dẫn đến thay đổi lớn. Hãy cùng nhau ủng hộ thành công của các chương trình này. Chúng ta có thể biến rác thải nhựa thành tài nguyên - nuôi dưỡng cả cơ thể lẫn hành tinh của chúng ta" - ban biên tập kêu gọi.

Trong khi đó, tháng 9-2023, tác giả Tina Freese của trang The Better India đến trường Akshar (Assam) để xem chính sách đóng học phí bằng rác ra sao khi đã bước sang năm thứ 7.

Nằm giữa vùng xanh mát Pamohi, ngôi trường do Parmita Sarma và Mazin Mukhtar mở năm 2016 chỉ nhận nhựa làm học phí và cũng dạy học sinh cách tái chế và sử dụng nhựa, cùng các khóa đào tạo nghề khác. 

"Chúng tôi muốn thế hệ trẻ em thuộc các gia đình khó khăn thoát khỏi vòng luẩn quẩn của nghèo đói và có ý thức về môi trường. Giáo dục là con đường duy nhất để đạt được các mục tiêu này" - Sarma nói với The Better India.

Sarma và Mukhtar đã phối hợp với chính quyền bang để nhân rộng mô hình giáo dục này sang 14 trường ở Assam, và hy vọng đạt được 200 trường vào cuối năm 2025. Đến nay, họ đã thu gom và tái chế khoảng 1.200 chai nhựa và 643.600 bao bì nhựa từ học sinh.

Và gốc rễ vấn đề

Nghiên cứu do tổ chức One Planet Network thực hiện và công bố năm 2021 với sự hỗ trợ của Viện Môi trường Stockholm (SEI) và Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) đã xem xét hơn 65 bài báo khoa học, bài báo và khảo sát để tìm hiểu những yếu tố giúp làm thay đổi hành vi của cá nhân với đồ nhựa dùng một lần. Họ cũng phân tích 50 chiến dịch môi trường xanh do các nhà sản xuất, tổ chức hoặc tổ chức phi lợi nhuận, chính quyền địa phương… thực hiện tập trung vào bao bì nhựa để xem chúng có hiệu quả như thế nào và tại sao.

Nghiên cứu chỉ ra rằng người tiêu dùng cần ba yếu tố trước khi bắt đầu thay đổi hành vi tiêu dùng nhựa dùng một lần. Đầu tiên là thông tin. Họ cần thông tin cập nhật, có liên quan, có thể so sánh được về các sản phẩm nhựa hay bao bì bền vững mình dùng. 

Thứ hai là một động lực mạnh. Các cá nhân cần cảm thấy cuộc khủng hoảng nhựa hiện nay liên quan mật thiết đến họ, biết mình có thể làm gì để góp sức và từ đó thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa một lần. Những chiến dịch nào có thể thay đổi nhận thức và thúc đẩy người dân thì chắc chắn có hiệu quả. 

Cuối cùng là cần có các giải pháp thay thế. Người dân không thể chuyển sang dùng nhựa tái chế nếu sản phẩm từ nhựa tái chế không có mặt trên thị trường. Không có sản phẩm tương đương thay thế là cản trở chính cho sự thay đổi vì người dân dù muốn ủng hộ môi trường cũng "lực bất tòng tâm".

Theo quan sát, các chương trình trao đổi nhựa cũng gặp thách thức về hậu cần, sự tham gia và khả năng mở rộng. Gom rác rải rác khắp thành phố rất tốn kém. Thu gom rác tái chế cần là thói quen dễ thực hiện chứ không phải kiểu ngày hội hoặc theo chiến dịch xuân thu nhị kỳ hoặc khi có nhà tài trợ thì làm. 

Mặc dù các sự kiện thu rác nhựa mang tính lễ hội với sự có mặt của những người nổi tiếng thường có tác dụng thu hút cộng đồng cực mạnh, có thể giúp tuyên truyền, giáo dục về tái chế, các sự kiện này thường không có kế hoạch duy trì lâu dài, định kỳ nên hiệu quả khó đánh giá.

Thông điệp cũng là một vấn đề. Trái đất đang tràn ngập nhựa dùng một lần. Đa số các cơ sở tái chế chỉ thu gom các loại nhựa dễ tái chế và có giá trị cao như chai PET, còn túi ni lông dùng một lần, vỏ hộp xốp thì chẳng ai ngó ngàng. 

Nhựa túi ni lông và nhiều loại nhựa sau tiêu dùng được xem là "giá trị thấp", đến nhà tái chế cũng chê, thế mà nhiều bài viết trên truyền thông vẫn ra rả thông điệp "One man's trash is another man's treasure" - "Rác của người, tiền của ta".

Thông điệp này sai ở chỗ nó tạo cho người xả rác tâm lý họ đang "cho đi" tiền bạc, của cải có giá trị lớn cho người khác từ rác của mình. Nếu rác của tôi là vốn quý cho bạn thì tôi sẽ vô tư mà xả (tiện thể làm từ thiện). Đúng là nhựa có thể tái chế và bán lấy tiền nhưng cách tốt nhất trong một thế giới đầy nhựa vẫn là từ chối, giảm thiểu, tái sử dụng rồi tái chế. Tái chế sẽ hiệu quả hơn nếu chai lọ, bao bì được làm sạch tại nguồn rồi tặng hoặc bán cho địa điểm thu gom. Đã là đồ tái chế được, hãy để ở nơi sạch sẽ để không ai phải đi bơi móc chúng trong những miệng cống, bãi rác hôi thối, mất vệ sinh, tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật.

Ngân hàng nhựa

Ô nhiễm nhựa sẽ tăng lên 29 triệu tấn mỗi năm vào năm 2040. Đây là cảnh báo của Rene Guarin, phó chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng rác nhựa (Plastic Bank).

Theo ông Rene, mặc dù có hy vọng rằng Luật trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) mà ngày càng nhiều nước áp dụng, tình hình sẽ không được cải thiện nhiều vì trước mắt, luật chỉ yêu cầu các doanh nghiệp lớn chịu trách nhiệm quản lý bao bì nhựa của mình - từ khâu sản xuất đến khi thải bỏ. Nếu trách nhiệm này không được mở rộng đến doanh nghiệp nhỏ thì hiệu quả sẽ không cao vì doanh nghiệp nhỏ mới chiếm số lượng lớn.

Rene cũng nhấn mạnh rằng để khuyến khích tái chế, nhựa sau tiêu dùng cần phải có "giá trị" trao đổi. Với quan điểm đó, Plastic Bank đã ra đời năm 2013. Ngân hàng rác nhựa này làm việc với người thu gom rác nhựa và giúp họ đổi rác lấy tiền hoặc hàng hóa cơ bản như thực phẩm, dầu ăn và các dịch vụ như học phí, bảo hiểm y tế và truy cập Internet.

Năm 2023, ngân hàng rác nhựa ở 6 quốc gia: Philippines, Indonesia, Brazil, Ai Cập, Thái Lan và Cameroon đã thu về 38,8 tấn nhựa. Với sự hỗ trợ của các đối tác, ngân hàng rác nhựa đã góp phần làm giảm ô nhiễm nhựa và thúc đẩy tái chế ở các cộng đồng, cho phép các doanh nghiệp sản xuất bao bì nhựa mua bù tín chỉ nhựa, từ đó tiếp tục thúc đẩy hoạt động tái chế nhựa.

Ngoài giảm ô nhiễm nhựa, ngân hàng rác nhựa còn góp phần giảm nghèo bằng cách cung cấp phúc lợi xã hội và nguồn thu nhập. Các thành viên thu gom rác có bảo hiểm sức khỏe và phúc lợi cho họ và gia đình. Họ được trang bị đồ bảo hộ lao động, bộ dụng cụ vệ sinh và các thiết bị hỗ trợ như xe đẩy. Họ nhận được phiếu thực phẩm và tạp hóa. Họ được đào tạo về kinh doanh, về tài chính, phát triển bền vững và tầm quan trọng của việc tái chế. 6 quốc gia thành viên, ngân hàng rác nhựa đã chi trả 2,3 triệu USD cho 26.986 người thu gom rác thường xuyên.

Đổi nhựa lấy quà, và sau đó? - Ảnh 2.

Chuyên mục Việt Nam Xanh được thực hiện với sự đồng hành của PRO VIỆT NAM.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận