Nhà thiết kế Minh Hạnh trong một lần đến làng gốm Mỹ Thiện tham quan tìm họa tiết cho áo dài. -Ảnh: Trần Mai |
Nghệ nhân gốm Mỹ Thiện Đặng Văn Trịnh là đời thứ tư của làng gốm hơn 200 năm này. Ông Trịnh ngồi bên khối đất sắt biến chúng thành hình. Trong thế hệ của mình, ông Trịnh là người cuối cùng còn níu kéo thời gian trên từng hình hài thân gốm.
Vừa uốn lại đường cong cho bình gốm, ông Trịnh nói: “Mỗi chiếc bình, mỗi chiếc ché, thạp... gắn với bao thế hệ của người làng. Một khi làng không đỏ lửa nữa sẽ không còn một dòng gốm đặc trưng”.
Hai nghệ nhân, một sứ mệnh
Tâm huyết của người nghệ nhân già có lẽ chỉ dòng sông Trà Bồng chảy ngang làng trăm năm qua mới thấu hết. Trên dòng sông này từ xưa, những ghe thuyền tấp nập đến mua gốm chuyển đi.
Đã có một thời vàng son của làng gốm Mỹ Thiện khiến cả triều đình nhà Nguyễn tại Huế xem là cống phẩm hoàng triều.
Dòng họ Đặng của ông Trịnh cũng là những nghệ nhân giỏi nhất từ khi thành lập làng gốm cho đến nay. Ký ức có lẽ đã quá nhiều trong trí nhớ của ông Trịnh nhưng ông bảo rằng cả đời ông vẫn dành một phần lớn nhất trong góc nhớ của mình cho câu chuyện của tuổi thiếu thời.
“Ông nội tôi là Đặng Mậu được triều đình ban thưởng vì có tài mỹ nghệ. Thuở nhỏ cứ sáng sớm là nhiều thợ gánh đất sét từ cầu Ô Sông vào làng bán rồi gánh gốm từ làng ra đi. Thời đó tấp nập lắm, trong gia phả dòng họ còn ghi lại” - ông Trịnh kể.
Khi ông lớn lên, nghề dần thất truyền, không còn mấy người theo nghề nữa. Đã từng có thời gian làng gốm Mỹ Thiện có hợp tác xã. Nhưng rồi cách làm ăn và cơ chế thị trường đã không giữ được những ánh lửa bùng cháy, những mẻ gốm vàng óng với đủ hình thù độc đáo cũng mất hút theo tháng ngày.
Và điều nghệ nhân Trịnh sợ nhất cũng đã xảy ra: “Khoảng 20 năm trước, khi tôi nhìn lại làng chỉ còn duy nhất mình còn làm nghề. Nếu như không nghĩ đến những lời nói của ông nội và công lao của tổ tiên gầy dựng làng gốm này, tôi cũng đã không làm nữa. Bởi quá cô đơn...” - nghệ nhân Trịnh bùi ngùi.
Rồi trong chính những ngày tháng buồn nhất của làng mình, ông Trịnh đã có thể nở nụ cười khi một lò gốm đỏ lửa. Đó chính là lò gốm của anh Ngô Đào Giang, làm cho nghệ nhân già có thêm động lực.
Ngôi nhà anh Giang nằm trong một con hẻm nhỏ trở thành không gian trưng bày gốm Mỹ Thiện để mọi người đến chiêm ngưỡng. Anh cũng đã mở một quán cà phê đủ yên tĩnh và hoài cổ để mọi người đủ nghĩ về hồi ức phồn thịnh xa xưa của làng.
“Ở đây, tất cả những ai đến làng gốm tham quan đều ghé nghỉ ngơi. Chú Trịnh có thể ngồi trò chuyện và lấy những sản phẩm gốm trưng bày để nói về gốm với lữ khách gần xa” - anh Giang nói.
Nghệ nhân Ngô Đào Giang với những sản phẩm gốm do mình làm ra. Anh sẽ là truyền nhân thế hệ tiếp theo của Mỹ Thiện. -Ảnh: Trần Mai |
Chính anh cũng thừa nhận bản thân theo học gốm với nhiệm vụ quan trọng nhất là duy trì làng nghề với tất cả tâm huyết của một người lớn lên từ Mỹ Thiện.
Nghệ nhân Giang bảo ông nội anh - cụ Ngô Lương - là một nghệ nhân lẫy lừng của làng nhưng rồi tới thế hệ của cha anh thì những đôi tay tài hoa của dòng tộc dần tàn phai.
“Dĩ nhiên là ai cũng biết làm gốm nhưng không thiết tha với nghề. Nhưng vẫn còn may là từ nhỏ tôi đã mân mê đất sét nên khi bắt tay vào làm không khó khăn mấy.
Giờ tôi có thể làm những họa tiết khó khăn như rồng, phụng, chim... cho gốm. Giờ có sống chết gì thì cũng phải giữ nghề, tiếp tục cho làng đỏ lửa” - nghệ nhân Giang trải lòng.
Đưa gốm đi Festival
Tháng 4-2017, Festival làng nghề truyền thống tổ chức ở TP Huế, nghệ nhân Trịnh cùng với nghệ nhân Giang - hai ngọn lửa cuối cùng, đại diện cho một dòng gốm mang 200 sản phẩm tham gia trưng bày và quảng bá sản phẩm của làng mình.
Trong chuyến đi về đất cố đô lần này của người dân Mỹ Thiện không phải là đi cống phẩm hoàng triều hay lái buôn, mà chỉ đơn thuần là để mọi người nhớ lại có một dòng gốm nổi danh vẫn còn tồn tại bên triền sông Trà Bồng dù trải qua bao thăng trầm di tạo.
Trong rất nhiều làng nghề tham gia festival, gốm Mỹ Thiện đã có một chỗ đứng trang trọng. Thiết kế gian trưng bày gốm Mỹ Thiện tại cuộc hội ngộ làng nghề Việt là một nét độc đáo.
Ngoài những bình hoa, lu, thạp đã trở thành nét hoa mỹ riêng biệt của Mỹ Thiện còn có những cành ôliu và chim bồ câu được làm từ gốm treo ngay dưới cây bồ đề trong khuôn viên lễ hội.
Ảnh: Trần Mai |
Nhà sưu tầm cổ vật Lâm Zũ Xênh, người cùng với hai nghệ nhân cuối cùng của làng gốm Mỹ Thiện đưa sản phẩm ra Huế, tâm sự:
“Anh Trịnh theo đuổi gốm cổ nhưng đuối quá rồi, Giang thì còn trẻ, nếu không còn anh Trịnh sẽ đơn độc. Ban tổ chức festival và nhiều người yêu dòng gốm bình dị này muốn tiếp thêm lửa cho làng Mỹ Thiện đỏ lò trở lại”.
Trong Festival nghề truyền thống diễn ra tại Huế, cặp bình gốm tứ linh của nghệ nhân trẻ Ngô Đào Giang được nhiều người chú ý bởi nét mộc mạc. Điều ấy đã chinh phục một người sưu tầm gốm mua với giá hơn 3 triệu đồng.
“Sản phẩm mình bán cũng đã nhiều, nhưng đây là hai sản phẩm mà khi bán được mình ưng ý nhất. Nó đã được phá cách từ gốm xưa và được sản xuất theo kiểu mỹ nghệ, hoa văn tinh xảo kết hợp giữa cổ xưa và hiện đại, chính vì thế mà được nhiều người thích thú” - anh Giang chia sẻ.
Không chỉ anh Giang vui mà ông Trịnh càng vui hơn. Ở cái tuổi mà người ta thôi những hơn thua như nghệ nhân Trịnh, có lẽ ông cũng chỉ cần có vậy.
Những sản phẩm gốm ông làm ra bán được là chuyện bình thường. Nhưng sản phẩm của một nghệ nhân trẻ được mọi người đón nhận quả là một niềm hạnh phúc lớn lao.
Ông Trịnh cười hiền: “Với tôi, đó là một thành công lớn cho làng. Nghiệp tổ sẽ còn duy trì mãi từ những động lực như chính lễ hội làng nghề”.
Giấc mơ “phục hưng”
Chuyến “phiêu lưu” của gốm Mỹ Thiện ra festival tại Huế có sự góp sức thầm lặng của nhà thiết kế Minh Hạnh, người nổi tiếng với những thiết kế áo dài chinh phục năm châu. Bà Minh Hạnh trong một lần đi tìm cảm hứng hoa văn cho áo dài đã đến với Mỹ Thiện.
Bà Hạnh đã bị chinh phục bởi những họa tiết độc đáo, vì thế bà quyết định cùng với hai nghệ nhân cuối cùng đưa gốm ra khỏi ngôi làng ven sông Trà Bồng để “hội nhập”.
Đó là giấc mơ có thật đối với hai người đàn ông không cùng thế hệ nhưng lại cùng một tâm huyết. “Phục hưng” gốm Mỹ Thiện là mong ước cả đời của ông Trịnh.
Trước đó, ông Trịnh dù không thể mang gốm làng đi xa hơn nhưng lò gốm vẫn đỏ lửa quanh năm. Cứ nửa tháng lại cho ra lò 2.000 - 3.000 sản phẩm gốm trang trí và gia dụng.
Ông Trịnh kể: “10 năm trước, ông Nguyễn Đức Huy, giảng viên Trường ĐH Mỹ thuật Huế, đặt tôi một mẻ sản phẩm gốm trang trí để mang về Huế trưng bày. Rồi sau đó họa sĩ Phạm Cung ở TP.HCM đến đặt tôi làm tiêu bản gốm tượng các nhạc sĩ để mang về TP.HCM. Thế là tôi nhồi đất, tạo hình, còn khuôn mặt của các nhạc sĩ thì ông Phạm Cung tự làm rồi hướng dẫn tôi cùng làm”.
Còn nghệ nhân Giang với sự trẻ trung năng động, hơn 10 năm khi chính thức trở lại với nghề gốm anh Giang hiểu ở thời buổi mà những sản phẩm gốm được làm thủ công không còn ưa chuộng, đòi hỏi các nghệ nhân phải thay đổi để bắt kịp xu hướng hiện nay.
Chính vì thế mà nhiều lần anh Giang tự mình tìm đến các làng gốm nổi tiếng như Bát Tràng (Hà Nội), Phước Tích (Huế), Thanh Hà (Hội An), Bàu Trúc (Ninh Thuận) để học hỏi. Thậm chí, anh Giang còn mang sản phẩm của mình phiêu lưu vào Nam ra Bắc để trao đổi, quảng bá.
Anh Giang chia sẻ: “Mình nghĩ khi các làng gốm khác vẫn phát triển, sản phẩm được nhiều người biết đến, còn gốm Mỹ Thiện thì sắp bị lãng quên nên phải làm một cái gì đó để vực dậy làng gốm này. Năm 2013, mình đưa sản phẩm vào Sài Gòn và nhờ bạn bè quảng bá giùm.
Rất nhiều người quan tâm. Nhờ đó mà thời gian qua có nhiều người từ phương xa về đây tham quan, tìm hiểu về làng gốm này”.
Cảm ơn “hai đốm lửa” Các dòng gốm khác thường có hoa văn, họa tiết khắc chìm trên thân sản phẩm còn gốm Mỹ Thiện thì hoa văn, họa tiết đắp nổi. Hình ảnh trang trí trên sản phẩm thường là đôi rồng chầu kiểu lưỡng long tranh châu, hay rồng thăng, bụi trúc, con chuột... Anh Ngô Đào Giang nói: “Gốm Mỹ Thiện “hiện đại” mỏng và rất nhẹ. Giờ tôi cũng kết hợp những cái cổ xưa với hoa văn hiện đại để kịp xu hướng. Có điều kiện, tôi sẽ mở lò nung bằng gas, thành lập trại sáng tác, đồng thời triển lãm và bán các sản phẩm gốm của mình tại làng Mỹ Thiện này”. TS Nguyễn Đăng Vũ, giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi cho biết: “Cảm ơn nghệ nhân Trịnh, nghệ nhân Giang đã duy trì làng gốm Mỹ Thiện. Trước đây sở đã có văn bản đề nghị huyện Bình Sơn giúp đỡ nguồn nguyên liệu cho nghệ nhân Trịnh tiếp tục thắp sáng làng nghề. “Hiện dù chưa chính thức phục hồi nhưng tôi tin thời gian tới với tâm huyết của cả hai sẽ có thêm nhiều con cháu Mỹ Thiện yêu nghề gốm. Sở cũng tính toán khôi phục và biến Mỹ Thiện thành một địa chỉ du lịch”, TS Vũ nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận