TTCT - Từ lần đầu tiên tham gia Diễn đàn khu vực ASEAN tháng 7-1994 tới khóa họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tuần này là 29 năm - cả một quá trình nhận thức, hoạt động đa diện, linh hoạt, và cởi mở của đối ngoại Việt Nam. Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thượng nghị sĩ Patrick Leahy và một số nghị sĩ Hoa Kỳ. Ảnh: TTXVNCòn nhớ tháng 11-1991, lính "mũ nồi xanh" LHQ đến Campuchia gìn giữ hòa bình, gây tò mò pha chút trầm trồ nơi vài ba nhà báo Việt Nam sang đưa tin. Lúc đó, không ai "dám" nghĩ, chớ đừng nói được thấy, có ngày VN lần đầu chủ trì tổ chức Diễn tập thực địa về Gìn giữ hòa bình như vừa diễn ra tại Hà Nội từ ngày 13 tới 21-9. Chuyện gìn giữ hòa bình này chỉ là một thí dụ nhỏ của quá trình nhất định hội nhập, một cách chủ động và tích cực của ngoại giao VN.Từ rón rén hội nhậpĐã lâu rồi người Việt ra vô ASEAN không bị đòi visa, nên nhiều người không biết có thể tưởng là "tự nhiên" như vậy. Nhưng đó chính là kết quả của việc VN gia nhập ASEAN năm 1995. Diễn biến này đến từ chuyến thăm các nước ASEAN của đoàn đại biểu Chính phủ VN do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt dẫn đầu, vào cuối tháng 10, đầu tháng 11-1991 và cuối tháng 1, đầu tháng 2-1992, qua đó giới thiệu phương hướng phát triển của VN, đặc biệt là đường lối đối ngoại đổi mới "đa phương hóa, đa dạng hóa", ưu tiên xây dựng quan hệ thân thiện, hợp tác với các nước láng giềng trong khu vực.Nửa năm sau, ASEAN đáp lễ vào tháng 7-1992, chủ động mời VN và Lào tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (lúc này mới có 6 thành viên) tại Manila (Philippines) và ký Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á, đưa VN trở thành quan sát viên của ASEAN. Đầu năm 1994, tức là sau một năm rưỡi VN giữ vai trò quan sát viên, Tổng thư ký ASEAN phát biểu với Bộ trưởng Ngoại giao VN lúc đó là ông Nguyễn Mạnh Cầm: "Các nước ASEAN rất mong muốn VN sớm gia nhập ASEAN".Tháng 5-1995, VN được kết nạp làm thành viên ASEAN chính thức tại Brunei. Nguyên phó thủ tướng, bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm gọi đây là bước hội nhập đầu tiên - hội nhập khu vực - trong quá trình hội nhập quốc tế của VN. Từ hội nhập khu vực, tiến lên hội nhập liên khu vực, liên châu lục, như tham gia Tổ chức hợp tác Á - Âu (ASEM), Diễn đàn hợp tác châu Á - Thái Bình Dương (APEC), và cuối cùng là hội nhập toàn cầu với việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).Tất nhiên, từ một thế giới khác, thoát thai từ cuộc chiến tranh lạnh, ban đầu không khỏi cũng có những thắc mắc, như câu hỏi ASEAN vào thời điểm đó có phải là tổ chức tiếp nối SEATO (Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á), hay sau khi gia nhập ASEAN, là những thận trọng dặn dò "hòa nhập chứ không hòa tan". Song với thực tế và thời gian, ý muốn hội nhập mãnh liệt đến mức chỉ hơn 2 năm sau khi gia nhập ASEAN, dù cơ sở vật chất còn thiếu thốn, kinh nghiệm chưa nhiều, VN đã chấp nhận gợi ý của các nước trong khối, quyết định đăng cai Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6 năm 1998. Cũng năm đó, VN trở thành thành viên chính thức của APEC.Chuyện gia nhập WTO năm 2007 cũng không hề "tự dưng", đã mất nhiều thời gian và công sức giải thích được mất, khi nền sản xuất kinh doanh chưa quen ra biển. Nhưng rồi cũng vô WTO, hội nhập trọn vẹn, và thấy kinh doanh buôn bán ta bà thế giới cũng là chuyện phải làm và làm được.Có rất nhiều phân tích về giai đoạn trên từ nhiều nguồn khác nhau. Tạm mượn một trích đoạn từ KYR (Know You're Region) của quân đội Úc: "VN thoát khỏi sự cô lập quốc tế sau khi rút khỏi Campuchia vào năm 1989. Trong vòng vài tháng sau Hiệp định Paris năm 1991, VN đã thiết lập quan hệ ngoại giao và kinh tế với ASEAN và hầu hết các nước Tây Âu và Đông Á". KYR nhắc lại phương châm ngoại giao của VN: sẵn sàng trở thành bạn, đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển; và nhận định tích cực:"Tuyên bố này phản ánh cách tiếp cận mang tính xây dựng của Hà Nội trên mọi lĩnh vực và được bổ sung bởi hai quan điểm chủ đạo trong chính sách đối ngoại của VN: tự lực và chủ động hội nhập quốc tế" (Army.gov.au).Tới chủ động với các bênDo Việt Nam có nhiều mối quan hệ và ở những khoảng cách địa lý khác nhau, mỗi đối tác lại có những chọn lựa chiến lược khác nhau, nên quan hệ khác nhau trên cơ sở chủ động hội nhập quốc tế và điều chỉnh đảm bảo duy trì sự cân bằng là dễ hiểu; được tóm tắt qua phương châm "chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả".Một trong những quan hệ tiêu biểu là với Trung Quốc. Tác giả Úc nói trên nêu hai động thái chủ động linh hoạt của VN: "Một mặt, VN đối xử với Trung Quốc rất tôn trọng và nỗ lực hợp tác với Bắc Kinh trong một loạt vấn đề an ninh và kinh tế... ở tầm "đối tác hợp tác chiến lược toàn diện" - cấp độ cao nhất mà nước này dành cho bất kỳ cường quốc nào", nhưng đồng thời, vẫn chọn "chiến lược về tranh chấp biển như một hành động cân bằng, hợp tác và đấu tranh nhất quán lâu dài bên cạnh hội nhập quốc tế".Sự cân bằng này là nhu cầu tất yếu từ tình thế mà Kavi Chongkittavorn, cố vấn truyền thông cấp cao của ERIA (Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á), đã mô tả: "VN là quốc gia Đông Nam Á duy nhất tại thời điểm quan trọng này đang phải đối mặt với thách thức lớn khi cố gắng cân bằng ba cường quốc - Trung Quốc, Nga và Mỹ - cùng lúc". Tác giả của viện nghiên cứu có trụ sở tại Indonesia này bày tỏ sự ngưỡng mộ: "Đó là chính sách ngoại giao cây tre theo phong cách VN, với mục đích tốt nhất là giữ chân những đồng minh và bạn bè phi thường này".Nhiều nhà nghiên cứu khác cũng đã phân tích chiến lược này. Từ đầu kia châu Á, nhà nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ Elcan Tokmak, Đại học Hacettepe, hôm 19-7 công bố bài viết "Ngoại giao cây tre và chính sách đối ngoại của Việt Nam" trên Ankasam (Trung tâm Nghiên cứu khủng hoảng và chính sách Ankara). Theo tác giả, VN khi không ngớt tiếp đối tác này, lại thăm viếng đối tác khác, đã "thể hiện những cách tiếp cận linh hoạt vượt ra ngoài lợi ích quốc gia và kiềm chế chọn bên trong xung đột giữa các bên khác nhau. Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung, VN đi theo con đường này, tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các vấn đề với cả hai bên và nỗ lực tăng cường quan hệ với cả hai nước". Bài viết của Tokmak dẫn chứng bằng việc VN hôm 25-6 đón tàu sân bay Mỹ Ronald Reagan thăm Đà Nẵng, rồi sau đó Thủ tướng VN sang thăm Bắc Kinh.Trong cách nhìn đó, nếu tiếp tục theo dõi, tác giả Tokmak sẽ ghi thêm rằng sáng 17-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ khai mạc CAEXPO và CABIS 2023 tại Nam Ninh, Trung Quốc, sau khi tối hôm trước tiếp ba lãnh đạo Tập đoàn công nghệ Huawei, Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc và Tập đoàn Xây dựng năng lượng Trung Quốc; rồi chỉ hai ngày sau vào 18-9, ông lại đến San Francisco dự Diễn đàn Kinh doanh VN - Hoa Kỳ về hợp tác trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo nhân dịp dự Đại hội đồng LHQ. Đáng nói hơn, chuyến đi này của Thủ tướng VN diễn ra ngay sau chuyến thăm chính thức của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden chỉ một tuần trước đó.Cũng tác giả Tokmak viết: "VN duy trì cách tiếp cận thực tế và hưởng lợi từ quan hệ thương mại với cả hai bên mà không thể hiện lập trường ý thức hệ trong quan hệ", đặc biệt là quan hệ thương mại với Hoa Kỳ. Còn tác giả Chongkittavorn, khi thuật lại chuyến đi Bắc Kinh của Tổng bí thư Đảng Cộng sản VN hồi tháng 10-2022, cũng như điểm qua mối quan hệ 70 năm Việt - Nga, đã nhận xét: "Có thể dễ dàng nhận thấy cách VN triển khai ngoại giao cây tre giữa các nước lớn, đủ linh hoạt, uyển chuyển để đứng vững trước áp lực từ bên ngoài". ■ Từ góc nhìn của VN, không thể không nhắc chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư đầu tháng 3-2023, trong đó xác định: "Ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao VN, một động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững". Từ chỉ thị đó, Chính phủ đã có chương trình hành động xác định phương châm: "Tư duy sáng tạo, hành động quyết liệt, ứng phó linh hoạt, hiệu quả, khai thác và tranh thủ mọi cơ hội cho phát triển đất nước".Cụ thể, chương trình gồm 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: (1) nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác ngoại giao kinh tế; (2) mở rộng, làm sâu sắc và tạo thế đan xen lợi ích trong quan hệ kinh tế với các đối tác; (3) nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; (4) vận động, thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ các động lực tăng trưởng; (5) xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm; (6) đẩy mạnh nghiên cứu, tham mưu, nâng cao năng lực phân tích, dự báo phục vụ điều hành kinh tế - xã hội; và (7) nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành và bố trí nguồn lực triển khai ngoại giao kinh tế. Từ đó, có thể thấy mẫu số chung cho các hoạt động ngoại giao dồn dập của VN thời gian qua: ngoại giao kinh tế "lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm". Tags: Phạm Minh ChínhThượng nghị sĩDiễn đàn khu vực ASEANĐại hội đồng Liên Hiệp QuốcXây dựng quan hệBộ trưởng ngoại giaoHội nghị cấp cao ASEANChính sách đối ngoạiChính sách ngoại giaoHội nhập kinh tế
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.