Đôi ngả chia ly, dặm bay này ai giữ?

T.ANH 12/09/2024 06:52 GMT+7

TTCT - Và thẻ thành viên siêu thị, điểm tích lũy du lịch, tài khoản Netflix, thậm chí cả ví Bitcoin - phải phân chia thế nào giữa vợ và chồng, khi hôn nhân tan vỡ?

Đôi ngả chia ly, dặm bay này ai giữ? - Ảnh 1.

Ảnh: Getty Images

Theo The Washington Post, đây không phải là chuyện hiếm, thực tế là phổ biến tới mức các công ty luật đã phải đăng những bài cảnh báo kiểu "Dặm bay tích lũy có thể làm phức tạp chuyện ly hôn" hoặc "Dặm bay là một phần quan trọng trong các cuộc đàm phán ly hôn của bạn".

Luật sư chuyên về ly hôn Erin Levine, đồng sáng lập và CEO nền tảng Hello Divorce, cho biết tài sản hoặc nợ tích lũy trong suốt thời kỳ hôn nhân thường được coi là tài sản chung, ngay cả khi chúng chỉ do một người đứng tên. Người ta có thể dễ dàng thống nhất chuyện chia nhà cửa, xe cộ, quyền nuôi con khi đàm phán ly hôn, nhưng những tài sản vô hình này thì không đơn giản.

"Có một hiểu lầm rất lớn rằng "điểm thưởng/dặm bay đó là do tôi kiếm/đứng tên tôi, vậy nó là của tôi". Không phải thế" - Levine nói với The Washington Post. Bà khuyến nghị các cặp vợ chồng trước tiên nên "tìm hiểu kỹ" về các phần thưởng tích lũy đã có và đưa chúng vào quá trình trao đổi phân chia tài sản. 

Thống nhất với nhau rồi mới tra tiếp chính sách chuyển điểm tại hãng hàng không, công ty du lịch hay ngân hàng cấp thẻ tín dụng. Cho phép chuyển đổi hay không, và khó dễ tới đâu, là tùy từng nơi.

Nếu không muốn cãi nhau hay để khỏi thủ tục lằng nhằng, cách tốt hơn là thỏa thuận: tôi lấy dặm bay, điểm tích lũy siêu thị xin dành phần cô. Levine kể có khách hàng còn "quy hết mọi thứ ra thóc" và đề nghị người sắp thành vợ/chồng cũ mua lại với giá phải chăng. Cách hay hơn nữa là thống nhất dùng chúng cho mục đích chung - lo cho con cái hoặc gia đình lớn. 

Levine đã chứng kiến thỏa thuận trong đó một người sẽ tiếp tục đặt vé máy bay cho "người xưa" bằng điểm tích lũy mà mình đứng tên sau khi đường ai nấy đi. Cái này dù "nhân văn" nhưng dễ gây khó xử - chẳng lẽ đôi ngả chia ly rồi mà muốn đi máy bay lại phải gọi cho đối phương?

Levine khuyên thêm rằng các cặp vợ chồng nên cân nhắc, xài hết tài sản chung này trước khi hoàn tất thủ tục ly hôn cho đỡ rắc rối; hoặc có phân chia, chuyển đổi thì cũng nên làm khi còn là vợ chồng hợp pháp để thủ tục pháp lý để dễ dàng hơn.

Dặm bay tích lũy không phải là tài sản hôn nhân "vô hình" duy nhất thời nay. Trên Reddit thỉnh thoảng vẫn có bài hỏi chuyện thành viên hệ thống siêu thị Costco phải tính sao hậu ly hôn. Hãng luật gia đình Kaspar & Lugay, LLP (California, Mỹ) đăng hẳn bài tư vấn: "Ai sẽ được giữ tài khoản Netflix khi bạn ly hôn?". Trả lời: không có cách nào để chia tài khoản chung này, một trong hai người buộc phải "rời cuộc chơi", nhưng đó sẽ là ai?

Cuối cùng, còn một thứ nữa thường xuyên được đặt vào công thức giật tít "[Thứ này] sẽ khiến chuyện ly hôn rắc rối hơn": tiền mã hóa (crypto). Một bài viết dùng đúng nhan đề này trên Axios mới đầu năm nay dẫn lời Mark DiMichael, phụ trách mảng tài sản kỹ thuật số trong các vụ kiện ly hôn của hãng luật Citrin Cooperman, kể chuyện dở khóc dở cười phổ biến nhất là người vợ, không biết gì về thế giới blockchain hay các công nghệ liên quan, tình cờ phát hiện ra "ví lạnh" (cold wallet, thiết bị lưu trữ và bảo mật crypto trong tình trạng không kết nối với Internet), và bắt đầu chất vấn. 

Người chồng dù "mất ví" nhưng lại giữ chìa khóa (seed phrase, chuỗi ký tự xác thực để mở quyền truy cập). Muốn đụng tới khối "tài sản hôn nhân" kia, cả hai phải ngồi lại với nhau và không phải cặp nào cũng làm được điều đó. DiMichael nói thêm mặc dù tòa án có thể ra lệnh cho người chồng giao nộp "chìa khóa", việc thực thi lệnh này sẽ cực kỳ khó khăn nếu anh ta từ chối hợp tác.

Và cũng đừng tưởng "giếm luôn" chuyện crypto hay đầu tư tài sản ảo NFT là xong. Tháng 5-2023, một phụ nữ trong quá trình làm thủ tục ly hôn đã phát hiện chồng mình có 12 bitcoin (trị giá nửa triệu đô la ở thời điểm đó), giấu trong một ví bí mật. 

Người vợ nghi ngờ khi thấy chồng dù kiếm tới 3 triệu đô la mỗi năm nhưng lại không có mấy tài sản. Mọi thứ phanh phui sau nửa năm truy dấu, với sự hỗ trợ của một "kế toán điều tra" (forensic accountant, chuyên điều tra các mối nghi ngờ gian lận tài chính). 

"Thợ săn tiền mã hóa" (crypto hunter) vì thế đã trở thành nghề dễ hốt bạc trong thời thiếu chung thủy về tài chính lên ngôi vì có nhiều hình thức đầu tư mới, theo CNBC.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận