Ông Bùi Văn Ga - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
* Sự thay đổi Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân được thực hiện dựa trên những cơ sở nào? Thay đổi thời gian đào tạo ĐH theo hướng rút ngắn sẽ khắc phục được những nhược điểm hiện có nào của giáo dục ĐH?
- Ở Việt Nam, Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân hiện hành đã được thực hiện trên nền tảng Luật giáo dục 2005 và 2009. Tuy nhiên, từ đó đến nay GD-ĐT trên thế giới đã có nhiều thay đổi.
Hội nhập khu vực và thế giới đòi hỏi GD-ĐT nước ta phải có những điều chỉnh để tương thích với hệ thống GD-ĐT các nước, nhằm giúp người lao động có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm.
Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mà Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định ban hành được thiết kế theo hướng hội nhập giáo dục quốc tế, cụ thể ở đây là theo tiến trình Bologna về cải cách giáo dục ĐH châu Âu, đang được các nước trong Cộng đồng châu Âu và nhiều nước khác ngoài khối áp dụng.
Khung thời gian đào tạo ĐH đang được áp dụng ở nước ta là 4 năm (với hệ cử nhân), 5 năm (hệ kỹ sư) và 6 năm (hệ bác sĩ) kể từ khi tốt nghiệp THPT.
Nếu so sánh với khung thời gian đào tạo ĐH của châu Âu (tiến trình Bologna - thời gian đào tạo tính từ khi tốt nghiệp THPT là 3 năm với trình độ cử nhân, 5 năm trình độ thạc sĩ và 8 năm trình độ tiến sĩ) thì thời gian đào tạo ĐH ở nước ta rõ ràng dài hơn.
Thời gian đào tạo dài đã làm tăng chi phí đào tạo, giảm cơ hội tìm kiếm việc làm của sinh viên, gây thiệt thòi cho sinh viên tốt nghiệp khi tham gia thị trường lao động trong thời kỳ hội nhập.
* Khi rút ngắn thời gian đào tạo ĐH từ 4 năm xuống 3 năm, những nội dung chương trình nào sẽ được cân nhắc để cắt bỏ cho phù hợp với thời gian đào tạo mới?
- Trên thực tế khi đào tạo theo học chế tín chỉ thì với chương trình hiện nay, nhiều sinh viên đã có thể hoàn thành chương trình đào tạo ĐH trong 3 năm.
Khung thời gian cơ cấu hệ thống (tính theo năm) chỉ mang tính quy ước để dễ so sánh. Thực tế cần xem xét bằng thời lượng thực học/khối lượng kiến thức tính bằng tín chỉ khi so sánh hay đối chiếu các hệ thống đào tạo khác nhau (thể hiện trên khung trình độ quốc gia).
Tuy nhiên, rút ngắn thời gian đào tạo không đồng nghĩa với cắt giảm khối lượng kiến thức hay chất lượng đào tạo và không phải mọi chương trình đào tạo đều sẽ rút ngắn còn 3 năm.
Nghị quyết 29 đã chỉ rõ đổi mới mục tiêu giảng dạy từ truyền đạt kiến thức là chính sang hướng dẫn người học phát huy năng lực và phẩm chất. Vì thế giờ tự học, tự nghiên cứu của sinh viên với sự hướng dẫn của giảng viên phải tăng lên, giờ giảng trực tiếp trên lớp giảm.
Với việc áp dụng công nghệ mới trong giảng dạy cùng sự hỗ trợ của phương tiện công nghệ thông tin, sinh viên không nhất thiết phải có mặt trên giảng đường tất cả thời gian như cách dạy học truyền thống.
Tuy nhiên, các môn học bắt buộc theo quy định vẫn phải được duy trì, kiến thức chuyên môn cốt lõi của mỗi chương trình phải được xây dựng lại có hệ thống, chặt chẽ, cô đọng sao cho thời gian sinh viên lưu lại trường ĐH giảm nhưng kiến thức, kỹ năng sinh viên tốt nghiệp tích lũy được tốt hơn và có ích hơn cho hoạt động nghề nghiệp.
Các trường ĐH cần hướng tới việc dạy những kiến thức nền tảng nhất, những quy luật chung nhất để trên cơ sở đó sinh viên phát triển tư duy, thích nghi với môi trường công tác, giảm dần khối lượng nội dung chi tiết mang tính kỹ thuật. Điều này được thực hiện thông qua việc giảm bớt các nội dung trùng lặp, không cần thiết với hoạt động nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp của sinh viên...
* Nếu học ĐH 3 năm thì chương trình đào tạo phổ thông của nước ta cần thay đổi thế nào để thích ứng phù hợp, trong điều kiện thời gian đào tạo giáo dục phổ thông vẫn được giữ nguyên là 12 năm?
- Thực tế một số chương trình đào tạo ĐH hiện nay vẫn có sự trùng lắp với kiến thức đào tạo bậc phổ thông, gây lãng phí cả thời gian và chi phí của người học. Khi đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ĐH, điều chỉnh thời gian đào tạo tương thích với các nước tiên tiến, các trường ĐH cũng sẽ phải sắp xếp lại chương trình để những kiến thức, kỹ năng ở cấp phổ thông các em đã được học rồi thì lên bậc ĐH không cần dạy lại.
Ở Pháp, sinh viên vào học các trường ĐH lớn (Grandes Ecoles) phải trải qua 2 năm dự bị. Theo Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân của nước ta mới được ban hành, một số ngành đặc thù yêu cầu sinh viên có nền tảng kiến thức cơ bản vững vàng vẫn phải tăng cường kiến thức đại cương trước khi vào học kiến thức chuyên môn, nhưng khung thời gian đào tạo ĐH tối đa không quá 5 năm.
Giáo dục tiếp cận STEM (khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học) nếu được chuẩn bị tốt ở bậc phổ thông thì có thể rút ngắn thời gian đào tạo ở bậc ĐH.
Sau khi chương trình và sách giáo khoa mới được ban hành, các trường ĐH sẽ điều chỉnh chương trình đào tạo (cả kiến thức lẫn kỹ năng mềm) để đảm bảo chuẩn đầu ra.
* Vậy những điều chỉnh trong Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân khác với quy định hiện hành sẽ được thực hiện theo lộ trình như thế nào để không trái Luật giáo dục, Luật giáo dục ĐH? - Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân cùng với Khung trình độ quốc gia là hai văn bản khung nền tảng để thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT. Trước mắt, những quy định không trái với các điều khoản của Luật giáo dục, Luật giáo dục ĐH hay Luật giáo dục nghề nghiệp thì có thể được thi hành ngay. Những quy định mới, khác với các quy định của các bộ luật hiện hành sẽ được thực hiện sau khi sửa các luật trong thời gian tới. Tất nhiên đưa ra khung thời gian mới không có nghĩa là các trường phải ngay lập tức rút ngắn thời gian đào tạo, nhưng Bộ GD-ĐT khuyến khích xây dựng các chương trình mới phù hợp với khung đó để đáp ứng chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia đã ban hành. Ví dụ, hai trường ĐH xuất sắc hiện nay là Trường ĐH Việt - Đức và Trường ĐH Khoa học công nghệ Hà Nội đã xây dựng chương trình đào tạo theo đúng tiến trình Bologna. Các trường ĐH có vốn đầu tư nước ngoài ở nước ta hiện nay cũng đã áp dụng khung thời gian đào tạo tương tự. |
“Khi rút ngắn thời gian đào tạo thì chương trình, phương pháp giảng dạy của người thầy, phương pháp học tập của sinh viên, cách quản lý đào tạo của các trường ĐH cũng phải thay đổi rất căn bản và toàn diện"
|
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận