TTCT - Cựu bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận từng ví đổi mới giáo dục như “trận đánh lớn”, mà đổi mới thi cử là khâu đột phá. Sau 5 năm kể từ khi nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT được ban hành, cuộc đổi mới này thế nào? Những mục tiêu chao đảo Năm 2014, khi nghị quyết 29 ban hành, việc đổi mới thi được đặt ra với ba yêu cầu: tổ chức gọn nhẹ hơn; đảm bảo tính trung thực, khách quan; nội dung, hình thức thi phải chuyển từ tập trung kiểm tra nhớ kiến thức sang đánh giá năng lực học sinh, qua đó có tác động tích cực trở lại phương pháp dạy học. Kỳ thi THPT “hai trong một” ra đời từ yêu cầu của nghị quyết này. Kết quả của nó vừa được dùng để công nhận tốt nghiệp THPT, vừa làm cơ sở tin cậy để các trường ĐH-CĐ sử dụng để tuyển sinh theo hướng giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục ĐH. Ba yêu cầu trên dẫn đến những sứ mạng mới: đổi mới cả cách thức ra đề và coi thi, chấm thi, hình thức tổ chức thi và các hoạt động thanh tra, kiểm tra thi. Những đổi mới đó cần được thực hiện có lộ trình, bước đi phù hợp, tương ứng từng bước đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học. Nghị quyết này, do vậy, yêu cầu phải có đề án riêng về đổi mới thi cử và đánh giá, tránh những đổi mới mang tính “giật cục” từng năm, tùy tiện, kém hiệu quả, chỉ chú trọng đáp ứng yêu cầu này mà bỏ qua các yêu cầu khác. Và để thực hiện nghị quyết 29, năm 2014 Bộ GD-ĐT có quyết định triển khai hai đề án: Đề án đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông; Đề án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ. Tuy nhiên trong ba năm qua, Bộ GD-ĐT vẫn chỉ loay hoay với phương thức tổ chức kỳ thi “2 trong 1” mà chưa có những bước triển khai hai đề án trên. Lộ trình thực hiện kỳ thi THPT quốc gia như thế nào, những đổi mới để tiệm cận với chương trình giáo dục phổ thông mới để tác động ngược trở lại việc dạy học phổ thông không được đặt ra rõ ràng, với tầm của một đề án. Năm 2015-2016, Bộ GD-ĐT đưa ra phương thức thi 4 môn bắt buộc để xét tốt nghiệp, trong đó ngoài các môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ, môn thứ 4 là môn tự chọn trong nhóm môn vật lý, hóa học, lịch sử, địa lý, sinh học. Từ chỗ tổ chức các cụm thi do trường ĐH chủ trì và cụm thi địa phương nhằm giữ cho kết quả thi đủ tin cậy sử dụng để xét tuyển ĐH, Bộ GD-ĐT giao kỳ thi về cho các sở GD-ĐT chủ trì, các trường ĐH chỉ phối hợp. Quyết định này thể hiện quan điểm kỳ thi “2 trong 1” nghiêng nhiều hơn về mục tiêu “công nhận tốt nghiệp”. Cùng với đó là hướng ra đề thi cơ bản. Những cơn mưa điểm 10 ở tất cả các môn phổ biến ở kỳ thi các năm này. Mục tiêu “giảm nhẹ” vào lúc đó đã phần nào đạt được, nhưng tính tin cậy của kết quả thi lại bị nghi ngại khi nhiều trường ĐH những năm này đã âm thầm làm các cuộc khảo sát với sinh viên năm thứ nhất. Kết quả cho thấy chất lượng giảm rõ rệt với các lớp sinh viên của thời thi “ba chung” (kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ theo phương thức chung đề, chung thời gian, chung kết quả). Cũng trong những năm đó, việc đăng ký nguyện vọng tuyển sinh ĐH-CĐ được thực hiện sau khi có kết quả thi nhằm tạo điều kiện cho thí sinh lựa chọn được ngành học vừa sức và phù hợp với kết quả thi. Nhưng tình trạng rối ren trong xét tuyển ĐH lập tức xảy ra khiến nhiều trường ĐH rơi vào tình trạng thụ động. Năm 2016, mặc dù xác định “công nhận tốt nghiệp” là mục tiêu chính của kỳ thi, nhưng những loay hoay đổi mới kỳ thi quốc gia này, các phương án “đối phó” với vấn đề bất cập đều nhằm vào việc “có kết quả tin cậy” để tuyển sinh. Năm 2017, Bộ GD-ĐT tiến hành một thay đổi khác đối với kỳ thi này - điều sau đó khiến bộ hứng chịu nhiều búa rìu dư luận - qua việc chọn phương án “thi theo bài” (không phải theo môn). Trong đó có 3 bài thi theo môn độc lập và 2 bài thi tổ hợp gồm nhiều môn mà thí sinh có thể chọn 1 trong 2. Và ngoại trừ môn ngữ văn, các môn khác bao gồm cả toán đều thi trắc nghiệm. Cũng chính từ đây, Bộ GD-ĐT đưa ra một quy trình chuẩn hóa câu hỏi thi đối với các bài thi trắc nghiệm và đề thi của năm 2017, được đánh giá là dễ hơn cả các mùa thi trước. Nhìn vào kỳ thi năm 2017 thì có thể thấy mục tiêu “công nhận tốt nghiệp” được đặt nặng hơn. Nhưng phần lớn các trường ĐH vẫn dùng kết quả thi này để xét tuyển, rất ít trường có phương thức tuyển sinh riêng hay có thêm tiêu chí phụ cho việc tuyển sinh. Đề thi quá “cơ bản” đã khiến nhiều trường ĐH gặp khó khăn trong sàng lọc. Sang năm 2018, tuy duy trì phương thức tuyển sinh như năm 2017 nhưng hướng ra đề thi lại đột ngột chuyển hướng mạnh. Xét ở mục tiêu “công nhận tốt nghiệp”, hầu hết đề thi đều khó. Với xu hướng ra đề dường như nghiêng về mục đích tuyển sinh nên có những đề thi khiến thí sinh bật khóc vì bất ngờ và vì quá khó. Những rẽ ngang rẽ ngửa đó cho thấy sự lúng túng rất rõ trong việc xác định mục đích nào là chính trong kỳ thi quốc gia. Có khá nhiều mâu thuẫn xảy ra trong việc nhập nhằng này. Vì nếu đặt mục tiêu “tuyển sinh” làm chính thì việc đưa kỳ thi về các địa phương, để địa phương lo việc cho các trường ĐH-CĐ là điều phi lý và khó đảm bảo chất lượng, nhất là ở giai đoạn các trường ĐH phải phân tầng, phải cạnh tranh. Nhưng nếu đặt mục tiêu “xét tốt nghiệp” thì kỳ thi lại vẫn cồng kềnh, căng thẳng, đề thi vượt mức yêu cầu... Năm 2018, trong khi hai đề án nói trên chưa thực sự được triển khai bài bản thì Bộ GD-ĐT lại hé lộ một đề án khác về đổi mới thi chỉ trong ba năm từ 2018-2020 với nội dung gần như chép lại thành quả của chuỗi loay hoay đổi mới kỳ thi THPT quốc gia và chệch ra ngoài những yêu cầu mà nghị quyết 29 đã đặt ra. Khâu đột phá chưa đủ lực Một trong những yêu cầu của đổi mới thi nói chung và kỳ thi THPT quốc gia nói riêng là tạo tác động tích cực vào việc dạy học, chuyển dần theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất cho người học. Nhưng những “tác động” chỉ mới dừng ở bề ngoài. Chỉ trong hai năm qua, hàng loạt tỉnh, thành đã chuyển hướng sang thi “bài tổ hợp”, thi trắc nghiệm tất cả các môn trong các kỳ thi chuyển cấp để “có tiếng nói chung” với kỳ thi quốc gia. Nói cho công bằng, sau khi bị phê phán, Bộ GD-ĐT đã nhiều lần ra văn bản chỉ đạo cân bằng giữa thi trắc nghiệm và thi tự luận nhưng làn sóng “thi tổ hợp” vẫn nở bung. Năm 2018, Sở GD-ĐT Hà Nội trong đề xuất trình UBND TP Hà Nội còn yêu cầu các trường THCS có nguồn tuyển lớn hơn chỉ tiêu khi tuyển đầu vào lớp 6 phải thi tổ hợp. Có nghĩa học sinh tiểu học cũng phải làm quen với “bài thi tổ hợp”. Rõ ràng tâm lý “học gì thi nấy” đã ăn vào máu, khiến các cuộc chuyển hướng theo kỳ thi quốc gia là rất rõ. Và cũng rõ luôn một thực tế là: thi quốc gia với vai trò “đột phá” đã không đủ lực để tạo cú xung điện vào chất lượng giáo dục phổ thông, không thay đổi được những trì trệ, bất hợp lý ở bậc học này. Năm 2017, Hội Toán học VN phản ứng về việc thi trắc nghiệm toán, theo đó, nhiều chuyên gia cho rằng việc lạm dụng thi trắc nghiệm trong khi kỹ thuật xây dựng câu hỏi thi trắc nghiệm của VN vốn còn “non trẻ” dẫn đến khó đánh giá năng lực người học cho chuẩn xác. Chưa kể cách các nhà trường ào ào chạy theo trắc nghiệm và bài “tổ hợp” lại càng thấy một khoảng trống khác mà Bộ GD-ĐT chưa kịp ngó ngàng đến: đó là đổi mới đánh giá quá trình dạy học. Đây là vấn đề nằm ở một trong hai đề án đã được phê duyệt năm 2014 nhưng vẫn không được triển khai chính thức, với một lộ trình rõ ràng. Việc đánh giá trong quá trình học tập nhằm tạo động lực cho việc đổi mới dạy học, phát huy năng lực cá nhân (khác với chủ trương chỉ lo đánh giá đồng loạt). Đây là một xu thế quan trọng ở nhiều nước phát triển, nhưng ở VN, các đánh giá vẫn nặng về đo kết quả học tập qua điểm số để phân loại người học. Thời ông Nguyễn Vinh Hiển làm thứ trưởng Bộ GD-ĐT là thời kỳ đặt ra nhiều mục tiêu đổi mới đánh giá trong quá trình thông qua thử nghiệm và thực hiện đại trà đổi mới đánh giá học sinh tiểu học theo hướng tăng nhận xét, khích lệ tiến bộ thay cho điểm số; hay việc áp dụng các cách đánh giá qua hoạt động, qua dự án học tập của học sinh trung học... Nhưng những đổi mới này vừa le lói đã bị áp lực của kỳ thi THPT quốc gia đè bẹp. Kỳ thi THPT quốc gia không những không tác động tích cực trở lại chất lượng giáo dục phổ thông mà còn cuốn phăng những sáng kiến đổi mới đánh giá tích cực. “Trường THPT là lò luyện thi THPT quốc gia” trở thành một nhận xét phổ biến khi người ta thấy tình trạng học lệch rõ rệt của học sinh từ khi bước chân vào trường THPT với định hướng học để thi. Ngay cả nhiều học sinh THPT ở Hà Nội cũng phát biểu “học chính là phụ, học thêm là chính” chính là để cho mục tiêu “thi quốc gia”. Tất cả sự loay hoay và hỗn loạn đó dẫn đến một hệ quả nữa: nhiều nhà trường muốn đổi mới nhưng lại lo không đảm bảo cho học sinh thi THPT quốc gia ổn thỏa. Bài toán cho họ rất “sống”: trường có nhiều sáng kiến dù tốt đến đâu, học sinh có hào hứng đón nhận đến đâu mà không đảm bảo cho học sinh luyện thi tốt thì phụ huynh cũng sẽ phản ứng và đi tìm lựa chọn khác.■ Đổi mới thi nhìn từ đề văn năm nay Đề thi ngữ văn trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay được nhiều chuyên gia, giáo viên đánh giá là một nỗ lực đổi mới nhằm tiến gần hơn đến mục tiêu đánh giá năng lực, kỹ năng người học, nhưng cũng là đề thi gây nhiều tranh cãi nhất. Đưa ngữ liệu mới mẻ, còn tính thời sự, không né tránh những việc nhạy cảm, buộc học sinh phải vận dụng năng lực, kỹ năng được học, được rèn thì mới làm tốt là các yếu tố khiến đề thi văn năm nay được người trong giáo giới ủng hộ. “Đề chọn ngữ liệu cho phần đọc hiểu từ một bài thơ từng bị cấm, có nội dung nhạy cảm. Đó là sự dũng cảm của người ra đề” - thầy Trần Hinh, giảng viên Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, nhận xét. “Cách đặt câu hỏi ở phần nghị luận văn học tuy khó hơn các năm trước nhưng đó là yêu cầu kiểm tra năng lực, kỹ năng, bao gồm cả kỹ năng đọc hiểu yêu cầu của đề, phân bố thời gian để làm bài… Nếu muốn đạt đến một cách đánh giá có thể tác động lại quá trình dạy học ở phổ thông theo hướng phát huy năng lực, kỹ năng của học sinh thì đây là một đề thi phù hợp” - cô Nguyễn Kim Anh, Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội, chia sẻ. Nhưng dư luận xã hội có quan điểm trái ngược hoàn toàn, với những phê phán cho rằng đề thi quốc gia không nên đưa những ngữ liệu nhạy cảm quá, hoặc ngữ liệu này đã lạc hậu, đề thi quá khó, học sinh cần phải được làm quen với những yêu cầu trong đề thi từ quá trình dạy học thì mới có thể làm được bài. Đây chính là một nan đề và một thế lưỡng nan mang đặc thù của giáo dục Việt Nam: Thi làm thay đổi việc dạy học, hay phải thay đổi việc dạy học rồi mới nên thay đổi đề thi, kỳ thi? Nếu hiểu sâu về thực tế dạy và học thì sẽ thấy sự trì trệ trong tư duy, thái độ với việc đổi mới ở phổ thông giống các “boong-ke”, rất khó phá bỏ nếu không có một tác động trực diện đến quyền lợi của cả người học và người dạy. Câu chuyện gây tranh cãi này một lần nữa cho thấy kỳ thi THPT quốc gia sẽ không bao giờ là “khâu đột phá” khi nó không được kết nối, tiếp nối từ những thay đổi đánh giá trong quá trình dạy học ở bậc phổ thông. Ấy vậy mà, công cuộc đổi mới thi của Bộ GD-ĐT lại chỉ thấy sự rối ren, mỗi năm một khác, khiến định hướng dạy học chạy theo như “đẽo cày giữa đường”. Tags: Đổi mới thiLoay hoay đổi mới thiLoay hoay phần ngọn
Donald Trump - Tập Cận Bình: Quan hệ cá nhân, quan hệ siêu cường NGUYỄN THÀNH TRUNG 23/12/2024 1666 từ
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
TP.HCM thưởng Tết cao nhất 1,9 tỉ đồng từ một doanh nghiệp vốn nước ngoài VŨ THỦY 23/12/2024 Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM về tình hình trả lương, thưởng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, mức thưởng Tết cao nhất năm nay là 1,908 tỉ đồng từ một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Chính thức: Trả gộp lương hưu 2 tháng đầu năm 2025 trước Tết HÀ QUÂN 23/12/2024 Bảo hiểm xã hội Việt Nam có thông báo về chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội gộp 2 tháng đầu năm 2025 trước Tết Nguyên đán.
Người phụ nữ trong clip đẩy thùng rác ra giữa đường Nha Trang rồi lái xe hơi bỏ đi nói gì? NGUYỄN HOÀNG 23/12/2024 UBND phường Tân Tiến (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đang xác minh để xử lý theo đúng quy định vụ một phụ nữ đẩy thùng rác ra giữa đường rồi lái xe đi.
CNN, AFP đăng tin sự kiện metro đầu tiên tại TP.HCM là 'thành tựu của thành phố' CÔNG KHẢI 23/12/2024 Tuyến metro đầu tiên tại TP.HCM được vận hành chính thức đã thu hút được sự quan tâm của báo chí quốc tế.