Tham dự hội nghị có các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, doanh nghiệp và hiệp hội liên quan. Theo các ý kiến trình bày tại hội thảo, đổi mới, sáng tạo đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển hiện nay của ngành thủy sản Việt Nam.
Bởi đó không chỉ là chuyện khai thác bền vững, nuôi trồng có hiệu quả mà còn là bảo quản, sử dụng nguyên liệu một cách khoa học để từ đó nâng cao giá trị của các sản phẩm thủy sản xuất khẩu.
Bà Phạm Thi Na, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, phân tích ngành thủy sản Việt Nam hiện nay phải lãnh hậu quả "nguồn lợi thủy sản cạn kiệt" do việc khai thác không bền vững, không đi đôi với bảo tồn của hàng chục năm qua.
Do đó phải chuyển đổi nghề, giảm các ngành khai thác hủy diệt. Và đồng thời phải cải tiến, đổi mới, sáng tạo trong chế biến thủy sản, bảo quản nguyên liệu.
Ông Trương Đình Hòe - tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - cũng khẳng định thủy sản Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế Việt Nam và đã có thương hiệu với quốc tế. Để ngành thủy sản nâng cao giá trị, hạ giá thành, xuất khẩu ổn định thì phải đầu tư công nghệ để tối ưu hóa giá thành.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp, nhà khoa học đã đưa ra một số giải pháp có tính chất gợi mở cũng như cụ thể có thể áp dụng cho khai thác, bảo quản và chế biến thủy sản. Như sử dụng máy bắn tạp chất để phát hiện tạp chất và đẩy các tạp chất ra ngoài nguyên liệu. Việc này nhằm tiết kiệm chi phí nhân công.
Ông Ngô Viết Hoài, phó tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Chế biến xuất nhập thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, gợi ý các doanh nghiệp nên chuyển nhanh sang sản xuất đóng gói nhỏ phục vụ cho nhu cầu của từng cá nhân và sấy khô thủy sản bằng năng lượng mặt trời…
"Các doanh nghiệp công nghệ không nhất thiết phải nghiên cứu các hệ thống công nghệ thật lớn, công nghệ cao để đua tranh với thế giới, mà có thể tập trung vào nhóm công nghệ giải quyết các vấn đề cụ thể của từng doanh nghiệp, thậm chí từng công đoạn sản xuất nhằm cá nhân hóa công nghệ cho từng doanh nghiệp sẽ là một hướng đi mới cho doanh nghiệp nhỏ và vừa", ông Hoài gợi mở.
Đại diện Cục Thủy sản cũng nêu ra các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp cho đổi mới, sáng tạo trong ngành khai thác thủy sản. Đồng thời đưa ra các ứng dụng công nghệ trong khai thác, bảo quản và chế biến. Điển hình là ứng dụng tời thủy lực cho nghề chụp, nghề lưới rê đáy, đèn LED cho nghề chụp mực trong khai thác.
Công nghệ đá sệt, công nghệ lạnh kết hợp, công nghệ nano trong bảo quản và các quy trình rửa, sấy phun, chín sinh học khi chế biến thủy sản…
Sau hội nghị, cuộc thi "Đổi mới sáng tạo ngành thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2023" cũng được phát động để tìm kiếm, phát triển các giải pháp công nghệ hướng tới nâng cao giá trị cho thủy sản Việt Nam.
Cuộc thi này đã có từ năm 2020. Năm nay có sự phối hợp với các doanh nghiệp ngành thủy sản để đưa ra các đề bài thực tế, phù hợp nhằm gia tăng khả năng thương mại hóa, ứng dụng vào thực tế. Hạn nộp hồ sơ vòng sơ khảo vào ngày 30-9-2023.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận