Khách du lịch đến Côn Đảo bằng đường hàng không - Ảnh: Châu Anh |
“Để Côn Đảo sớm có thể trở thành một thiên đường du lịch như kỳ vọng, đương nhiên có vấn đề “cởi trói” và đổi mới công tác quy hoạch |
Phó Trưởng ban Quản lý phát triển Côn Đảo Lê Văn Vận |
Thực tế ở Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là một minh chứng rõ nét cho việc bất cập trong công tác quy hoạch.
Câu chuyện từ Côn Đảo
Tháng 10-2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt đề án phát triển kinh tế - xã hội Côn Đảo với định hướng phát triển Côn Đảo thành khu kinh tế dịch vụ du lịch tầm cỡ quốc tế và khu vực vào năm 2020.
Sau hơn mười năm thực hiện quyết định của Thủ tướng, phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thông qua các viện nghiên cứu, các bộ ngành cho ra đời hàng chục quy hoạch với Côn Đảo.
Trong đó có thể kể đến quy hoạch xây dựng đến năm 2030 của Viện quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng), quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch - đầu tư), quy hoạch bảo tồn - tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020 của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch), quy hoạch Vườn quốc gia Côn Đảo của Phân viện quy hoạch rừng Nam Bộ (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), quy hoạch nhóm cảng biển số 8 của Bộ Giao thông vận tải...
Hệ quả là trên một địa bàn không lớn với 3/4 diện tích tự nhiên là rừng, đất có thể xây dựng chỉ 700 - 800ha, kiểu mạnh ai nấy làm quy hoạch như vậy đã dẫn đến sự chồng chéo, trùng lặp và mâu thuẫn.
Như trong khi quy hoạch xây dựng bắt buộc phải có mạng lưới giao thông, sử dụng đất... nhưng ngành giao thông vận tải và tài nguyên môi trường vẫn lập quy hoạch riêng những nội dung ấy và giữa chúng có nhiều khác biệt, thậm chí “đá” nhau; hoặc trong khi dự án mở con đường hơn 15km xuyên rừng nguyên sinh phía tây bắc đảo Côn Sơn được ngành xây dựng đưa vào quy hoạch của họ thì quy hoạch phát triển du lịch và quy hoạch Vườn quốc gia Côn Đảo lại không có dự án này, dù cả ba quy hoạch ấy đều được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Việc phải dừng dự án bến tàu thủy vốn hàng trăm tỉ đồng tại vịnh Côn Sơn cũng có nguyên nhân chính từ bất cập quy hoạch: Bộ Giao thông vận tải thống nhất nhưng quy hoạch của Bộ Xây dựng lại không có dự án này.
Tích hợp trong quy hoạch
|
Cách đây 8 năm, Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu từng đưa ra hướng tích hợp trong quy hoạch khi gặp “sự cố” quy hoạch Côn Đảo do hai cơ quan thực hiện đã “đá nhau”, nhưng đã phải “chịu thua” do vướng... cơ chế.
Cùng trên một vùng đất quy mô diện tích chỉ tương đương một dự án nơi khác nhưng đã có khoảng một chục ngành cùng làm quy hoạch, mà ngành nào cũng cho mình là quan trọng nhất, “phải đi trước một bước” - bài học về quy hoạch Côn Đảo vẫn còn nóng tính thời sự.
Hạn chế của vấn đề quy hoạch cũng là thực trạng chung trên cả nước hiện nay. Nguyên nhân chủ yếu là quy hoạch của mỗi ngành chỉ dựa trên tiêu chuẩn, quy phạm... của ngành mình nên chủ quan, thiếu tầm nhìn tổng thể.
Thực tế không phải do năng lực chuyên gia quy hoạch yếu kém, mà chủ yếu ở chỗ việc phân chia công tác quy hoạch thành những mảng rời rạc, chồng chéo, giẫm chân nhau. Có người hài hước rằng: mỗi bộ, ngành “đàn hát” riêng rẽ thì hay, nhưng tập hợp thành dàn đồng ca thì không còn biết là hợp xướng hay “loạn xướng”!
Đổi mới công tác quy hoạch là việc nên làm ngay nhằm bảo đảm các bản quy hoạch phù hợp yêu cầu phát triển. Quy hoạch cần hợp nhất, gắn kết theo hướng tích hợp giữa các quy hoạch kinh tế - xã hội, tổ chức không gian, cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường... trên cơ sở phối hợp liên ngành và sự tham gia của cộng đồng.
Luật quy hoạch theo hướng tích hợp, gắn kết, hiệu quả đang được lấy ý kiến các giới chuẩn bị trình ra Quốc hội. Hi vọng khi được Quốc hội thông qua, luật mới sẽ loại bỏ được những khiếm khuyết, bất hợp lý vốn tồn tại nhiều năm nay.
Với Côn Đảo, cần rà soát các quy hoạch dù đã được duyệt, xây dựng một quy hoạch hợp nhất, bảo đảm khả thi và phát triển bền vững, hài hòa. Nguồn lực chủ yếu cho phát triển huyện đảo này là di sản lịch sử và thiên nhiên đặc biệt, trong đó di sản và du lịch vừa là nguồn lực, vừa là mục tiêu bảo đảm phát triển bền vững trong hài hòa, cộng sinh.
Côn Đảo cách khá xa đất liền là một khó khăn, nhưng có thể lại thành lợi thế nếu được quy hoạch theo cách tiếp cận phù hợp, linh hoạt và khoa học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận