03/11/2018 14:26 GMT+7

Đổi mới giáo dục kiểu 'thời vụ': cần thay đổi

VĨNH HÀ THỰC HIỆN
VĨNH HÀ THỰC HIỆN

TTO - Đã có nhiều sáng kiến, mô hình đổi mới giáo dục được triển khai mạnh mẽ nhưng chỉ trong một giai đoạn rồi lụi tàn, dù ưu điểm, sự tác động tích cực của nó đều được ghi nhận.

Đổi mới giáo dục kiểu thời vụ: cần thay đổi - Ảnh 1.

Học sinh Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) thích thú với việc nhà trường đổi mới cách dạy môn văn - Ảnh: HÀ LINH

Một hội thảo khá đặc biệt với chủ đề "Chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng thành công trong đổi mới giáo dục phổ thông" do Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông tổ chức ngày 2-11 tại Hà Nội. 

Câu chuyện làm gì để tạo nên sự lan tỏa mạnh mẽ những thành quả của nỗ lực đổi mới được ông NGUYỄN VINH HIỂN, chủ tịch quỹ này, chia sẻ cùng Tuổi Trẻ.

Đổi mới giáo dục kiểu thời vụ: cần thay đổi - Ảnh 2.

Ông NGUYỄN VINH HIỂN

* Việc chỉ đạo, khích lệ đổi mới sáng tạo trong dạy học, giáo dục học sinh đã triển khai nhiều nhưng cuối cùng thường không được nhân rộng để tạo nên sự tác động vào toàn hệ thống, theo ông vì sao?

- Trong thực tế quả thật có những sáng tạo bị buông. Theo tôi, nguyên nhân chính là việc triển khai đổi mới theo cơ chế chủ yếu là "từ trên xuống". 

Có nghĩa là cấp trên thấy cần thiết thì tập huấn cho cấp dưới, thậm chí là có tiền thì làm dự án mà chưa coi trọng đúng mức chiều "từ dưới lên". 

Cách triển khai chỉ có một chiều này khiến nhiều nội dung đổi mới cho dù đạt được các thành quả có tác động tích cực đến chất lượng giáo dục nhưng khi xong giai đoạn tập trung chỉ đạo, xong dự án thì lại bị co hẹp, dần dần quay về như cũ.

Cũng có nguyên nhân khác là "tâm lý đóng", chưa coi trọng việc tổng kết để nhân rộng. Những nơi triển khai tốt không muốn trao đổi, chia sẻ, chưa sẵn sàng hỗ trợ các cơ sở khác học tập, áp dụng. 

Những trường hợp sau khi thực hiện thành công các sáng kiến đổi mới trong quản trị, trong tổ chức dạy học, ứng dụng công nghệ giáo dục hiện đại chủ động tiếp đón các cán bộ, giáo viên nơi khác đến học tập hoặc hỗ trợ các cơ sở giáo dục trong việc tập huấn giáo viên triển khai đổi mới còn chưa nhiều. 

Phổ biến vẫn là tâm lý chờ cấp trên chỉ đạo gì thì làm, không tin tưởng, không có thói quen học hỏi, tiếp cận cái mới.

* Nhiều giáo viên chia sẻ những nỗ lực đổi mới sáng tạo của họ gặp quan điểm giáo dục của hiệu trưởng, của các cấp quản lý giáo dục không cởi mở, muốn an toàn, nặng về thể hiện thành tích mà không chú trọng đi vào thực chất...

- Có thực tế đó. Vì thế người đứng đầu các cơ sở giáo dục phải thay đổi tư duy trong quản trị, trong sử dụng, đánh giá cán bộ, giáo viên theo hướng không cào bằng, linh hoạt trong việc chỉ đạo, quản lý chuyên môn, tạo điều kiện tối đa cho giáo viên thực hiện các ý tưởng đổi mới.

Trong tương lai nếu vấn đề tự chủ trong trường phổ thông được đẩy mạnh, trong đó hiệu trưởng được chủ động quyết định các vấn đề liên quan tới chất lượng giáo dục, đồng thời thực hiện tốt việc giải trình trách nhiệm trước xã hội, trước phụ huynh, học sinh thì cơ hội cho việc áp dụng các sáng kiến đổi mới sẽ rộng mở hơn. 

Đổi mới tư duy trong quản lý chính là cách dỡ đi rào cản cho giáo viên.

* Để chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, theo ông, các nhà trường, cán bộ, giáo viên cần tiếp cận với những cái mới như thế nào?

- Một trong những yêu cầu của đổi mới là phải kế thừa, phát huy các kinh nghiệm, thành tựu đã đạt được. 

Bên cạnh đó, cần phải xác định tầm nhìn, mục tiêu dài hạn và các giải pháp từng bước thực hiện sao cho khả thi, bền vững, tránh "đẽo cày giữa đường". Nhưng tôi nhận thấy vừa qua chúng ta chưa quán triệt tốt tinh thần này.

Để tiệm cận với chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT cũng từng có nhiều chỉ đạo trong việc tổ chức dạy học, thử nghiệm, áp dụng các mô hình, phương pháp giáo dục hiện đại. 

Nhiều nỗ lực của các nhà trường ở một số địa phương cho thấy nếu chỉ đạo quyết liệt trên cơ sở linh hoạt triển khai phù hợp với điều kiện thực tế thì những thành quả đổi mới này có thể "bắt rễ", bám sâu, bám chắc và lan tỏa trong cả hệ thống. 

Những việc này đều phù hợp với mục tiêu, nội dung của chương trình mới. Tuy vậy, tiếc là do sự thiếu nhất quán, sát sao trong quản lý nên nhiều thành quả không được phát huy, thậm chí bị co hẹp so với khi mới triển khai.

* Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông có thể làm gì để những sáng kiến được nhân rộng, lan tỏa?

- Chúng tôi sẽ tìm kiếm, đánh giá những mô hình, sáng kiến tốt và tìm nguồn lực (kinh phí, nhân lực) để triển khai nhân rộng.

Quỹ có trách nhiệm lựa chọn những đơn vị, cá nhân làm nòng cốt để triển khai và hỗ trợ tập huấn cho cán bộ, giáo viên, hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia, giám sát quá trình thực hiên, khuyến nghị chính sách, giải pháp đối với các cấp quản lý.

Nhưng tôi muốn nhấn mạnh, quỹ chỉ phối hợp và hỗ trợ những hoạt động do các cơ quan quản lý giáo dục và nhà trường tự nguyện đề xuất hay chủ động khai thác, tổ chức nguồn lực tại chỗ để thực hiện.

Tôi mong muốn những sáng kiến, những cách làm hay từ cơ sở là gợi ý, là cơ sở thực tiễn để cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh chính sách, đồng thời sự lan tỏa ở chiều ngang giữa các trường, cụm trường cũng là yếu tố tích cực để cả hệ thống giáo dục có nội lực vượt qua khó khăn.

Hiệu trưởng là người ươm cây

Những sáng kiến, giải pháp đổi mới ban đầu cũng giống như cái cây non mới mọc, cần được chăm sóc, che chở trong vườn ươm. Cán bộ quản lý phải là người làm việc ươm cây.

Môi trường tốt cho những "cây" đổi mới phải là một tập thể dân chủ, muốn và biết học hỏi, có tính trách nhiệm cao, ít những thủ tục hành chính quan liêu.

Để có được môi trường như thế, trách nhiệm chính thuộc về người lãnh đạo, ở đây là các hiệu trưởng - người ươm cây.

Ông NGUYỄN VINH HIỂN (chủ tịch Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông)

TP.HCM đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh

TTO - Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết năm học 2018-2019 sẽ đẩy mạnh việc đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng phát huy năng lực cá nhân.

VĨNH HÀ THỰC HIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên