04/12/2004 00:56 GMT+7

Đổi mới giáo dục Đại học: bắt đầu từ đâu?

THANH HÀ
THANH HÀ

TTO (Hà Nội) - Gần 100 giảng viên (GV) trẻ của các trường ĐH trong cả nước đã tham dự cuộc hội thảo góp ý kiến xây dựng đề cương chi tiết Đề án "Đổi mới giáo dục ĐH Việt Nam" do bộ GD&ĐT tổ chức tại Hà Nội hôm nay, 3-12. Tham dự hội thảo còn có một số nhà khoa học và nghiên cứu giáo dục ĐH.

Ban trù bị soạn thảo đề cương đề án cho biết đây là cuộc hội thảo thứ ba nhằm đóng góp ý kiến xây dựng đề cương của đề án. Căn cứ trên các ý kiến đóng góp, đề cương chi tiết của đề án sẽ được chỉnh sửa và hoàn thành vào tháng 2-1005.

Sau đó, bộ sẽ thành lập Ban Soạn thảo gồm các chuyên gia chính thức viết đề án và xây dừng kế hoạch hành động xác định những việc cần làm, thời gian triển khai, trách nhiệm cụ thể, điều kiện thực hiện... đề án "Đổi mới giáo dục ĐH Việt Nam".

Trong dự thảo đề cương đưa ra thảo luận tại hội thảo này, mười giải pháp cụ thể được đề xuất, trong đó có những đề xuất khá mới mẻ so với thực trạng GD ĐH hiện nay như: điều chỉnh thời gian đào tạo CĐ, ĐH theo mô hình 2:2:2:3 (bổ sung thêm trình độ ĐH hai năm), phân chia chương trình đào tạo thành hai hướng: học thuật và công nghệ (thực hành)...

Nhưng từ những ý kiến của các GV được cho là "trẻ" của các trường ĐH - đội ngũ đang và sẽ gánh vác vai trò quan trọng trong quản lý, đào tạo, nghiên cứu ở các cơ sở đào tạo- cho thấy nhiều vấn đề được đề xuất trong đề cương dự thảo của đề án này vẫn còn chưa có tính khả thi cao. Nhưng đồng thời, qua những ý kiến của các đại biểu, dường như con đường đổi mới GD ĐH VN vẫn chưa rõ lối đi, ngay cả đối với những người sẽ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ "đổi mới"...

Phải gắn liền với đổi mới giáo dục phổ thông

Phát biểu "với tư cách cá nhân" tại hội thảo, PGS Trần Quốc Toản, tổng thư ký Hội đồng Quốc gia giáo dục cho rằng đây là một Đề án quan trọng, phải được xây dựng với tầm quốc gia, dân tộc. Đề án sẽ có chất lượng cao nếu được xây dựng trên cơ sở tập hợp được trí tuệ, bằng tâm huyết và trách nhiệm của không chỉ ngành giáo dục mà còn các bộ ngành liên quan, các nhà khoa học, nhà giáo... trong cả nước.

Trong Đề án này, quan trọng nhất không phải các chi tiết, giải pháp cụ thể mà phải xác định được lộ trình đổi mới giáo dục ĐH, là một đề án "khung" để mà từ đó, xác định nhiệm vụ cụ thể cho từng giai đoạn, từng cấp, từng cơ sở đào tạo có thể căn cứ vào đó xác định cho mình lộ trình đổi mới...

Trong đó, trước hết phải xác định được yêu cầu đổi mới, thể hiện qua mục tiêu đào tạo của GD ĐH: Liệu có chỉ dừng lại ở mục tiêu đào tạo nhân lực, chuyên gia hay phải cao hơn: Đề ra mục tiêu của GD ĐH là đào tạo ra những chủ nhân của quá trình sáng tạo, có thể chủ động lập thân lập nghiệp, làm chủ nhân sự nghiệp đổi mới của đất nước.

GV Huỳnh Hữu Tân (ĐH Đà Lạt) bổ sung thêm yêu cầu đào tạo đối với SV ĐH khả năng ra quyết định, giải quyết vấn đề. Nhưng để đạt được mục tiêu này, phải "bắt đầu đổi mới GD ĐH từ đâu?" như câu hỏi của GV Lê Quang Sơn (ĐH Đà Nẵng) đã đặt ra. Từ nội dung chương trình hay công tác quản lý, từ cơ chế chính sách, nguồn lực hay đội ngũ GV..., một câu hỏi đã có nhiều "đáp án" khácnhau của các GV, tuỳ thuộc vào đánh giá mức độ quan trọng của từng nội dung.

Nhưng các đại biểu đã khá thống nhất quan điểm "Đổi mới GD ĐH không thể đặt ngoài tổng thể đổi mới GD, những nội dung đổi mới ở bậc ĐH phải gắn liền và đồng bộ với đổi mới ở bậc phổ thông". Đây là nhận định bắt đầu từ ý kiến của PGS Trần Quốc Toản và được nhiều đại biểu chứng minh bằng các ví dụ thực tế.

GV Nguyễn Hoàng Lộc (ĐH Huế) cho rằng "Hơn một phần ba thời lượng học của SV ta hiện nay là để học những kiến thức không phải chuyên ngành. SV VN phải học nhiều hơn SV nước ngoài nhưng phần kiến thức chuyên ngành lại học ít hơn nhiều". Theo GV Lộc, nguyên nhân là do hiện nay GD ĐH "đang phải gánh nhiều phần mà GD phổ thông chưa giải quyết được. Đó là kiến thức cơ bản về ngoại ngữ, tin học, pháp luật...". Ngoài ra, còn một số nội dung môn học chỉ nên đưa vào phần hoạt động ngoại khoá nhưng lại vẫn được thiết kế trong chương trình chính khoá (như thể dục), làm giảm thời lượng học những kiến thức trực tiếp liên quan đến chuyên ngành.

Địa phương quản lý trường ĐH ?

Trong Đề án có đặt ra vấn đề xây dựng hai cấp quản lý nhà nước về GD ĐH là cấp Trung ương và cấp tỉnh, theo đó Bộ GDDT chỉ quản lý trực tiếp một số trường công lập trọng điểm quan trọng, còn chuyển một bộ phận các trường đại học cao đẳng và đặc biệt các trường có ngành nghề về cấp tỉnh để quản lý. Ngay lập tức trong phần thảo luận các GV đến từ nhiều trường ĐH khác nhau đã bày tỏ sự lo ngại, không đồng tình với đề xuất này.

TS Nguyễn Đình Đức (ĐHQG Hà Nội) phản đối vì cho rằng UBND các tỉnh mà cụ thể đầu mối trực tiếp quản lý là Sở GD&ĐT sẽ không đủ tầm để quản lý GD ĐH. TS Đức khẳng định "Với kinh nghiệm và cảm nhận của cá nhân trong quá trình công tác và thực tế của các tỉnh, tôi thấy vấn đề này nêu ra hơi sớm, và rất quan ngại nếu như vấn đề kiểm tra, quản lý việc thực hiện Quy chế đào tạo đại học và sau đại học giao cho các tỉnh. Tôi cho rằng cấp tỉnh hiện nay chưa đủ sức quản lý mà nên tập trung đầu mối về Bộ GD&ĐT".

Quy định tạm thời về kiểm định chất lượng (KĐCL) trường ĐH đã được Bộ GD&ĐT ban hành và sẽ được Bộ bắt đầu áp dụng từ đầu năm 2005.

Trong quy định tạm thời này, lần đầu tiên hệ thống GD ĐH Việt Nam sẽ được đánh giá bằng một bộ tiêu chí gồm mười tiêu chuẩn. Trong mỗi tiêu chuẩn có các tiêu chí cụ thể, được thể hiện ở hai mức độ đánh giá.

Theo ông Nguyễn An Ninh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (bộ GD&ĐT) cho biết việc đề ra hai mức đánh giá trong từng tiêu chí KĐCL trường ĐH nhằm xác định mức độ đáp ứng mục tiêu đào tạo đề ra của trường trong từng giai đoạn nhất định.

Quy trình KĐCL sẽ được thực hiện lần lượt theo ba bước: Tự đánh giá của trường ĐH, đánh giá bên ngoài và thẩm định của cơ quan KĐCL GD, quyết định công nhận trường ĐH đạt tiêu chuẩn KĐCL. Kết quả công nhận đạt tiêu chuẩn KĐCL được công bố công khai và có giá trị năm năm.

Bộ GD&ĐT cho biết, ngay trong năm 2005, việc KĐCL các trường ĐH sẽ được triển khai ngay. Bước đầu là trên cơ sở tự nguyện tham gia của các trường. Tuy nhiên bộ chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện để trong năm 2005 có khoảng 20% các trường được KĐCL.

Tương tự, GV Đoàn Quang Vinh (ĐH Đà Nẵng) cũng cho rằng để một số tỉnh thành quản lý các trường ĐH là không hợp lý vì "trường ĐH không phải là của riêng tỉnh thành nào". Ngay cả khi trường ĐH đóng trên địa bàn địa phương không có nghĩa là trường chỉ đào tạo nhân lực cho địa phương đó.

Tuyển sinh: Nên "hai trong một"

Một trong những vấn đề được đông đảo ý kiến thống nhất là trong vòng 5-10 năm tới, GD ĐH VN phải trở thành một nền GD ĐH đại chúng.

Tuy nhiên TS Nguyễn Đình Đức (ĐHQG HN) khẳng định "Phải là nền GD ĐH đại chúng, mọi người đều có thể tiếp cận GD ĐH nhưng không thể là phổ cập ĐH". Còn GV Lê Quang Sơn lưu ý "Không thể đồng nhất hai khái niệm "nhu cầu có học" và "nhu cầu có bằng ĐH". Cần phải phân biệt rõ vì hiện nay nhu cầu học ĐH rất cao nhưng một tỷ lệ không nhỏ là học để có bằng mà không quan tâm đến kiến thức, trình độ thực chất".

GS Hoàng Ngọc Hiến (ĐHQG HN) cho rằng "Nguyên tắc ĐH đại chúng của GD ĐH VN phải gắn liền với nguyên tắc đặt mục tiêu vươn tới tầm khu vực và quốc tế" vì nếu không sẽ có nguy cơ đại chúng hoá số lượng có thể chất lượng đào tạo giảm. Ngay trước mắt, theo GS Hiến, để phù hợp với điều kiện hoàn cảnh, các nguyên tắc trên nên giải quyết bằng hai nguyên tắc cụ thể hơn: Đào tạo đại trà và đặc tuyển, có sự phân tầng chất lượng ngay cả trong từng trường ĐH.

Đúng như dự đoán, phương thức thi tuyển sinh ĐH là một chủ đề "thời sự" được khá nhiều đại biểu quan tâm và bàn thảo sôi nổi. GV Đoàn Quang Vinh (ĐH Đà Nẵng) đề nghị "Bộ phải xác định chuyển nhanh sang thi trắc nghiệm khách quan". Ý kiến này được nhiều GV hưởng ứng "vì thi bằng TNKQ không có gì là mới để bộ phải băn khoăn, dập dình lâu như vậy. Vấn đề chỉ là đâu tư, tập trung xây dựng ngân hàng đề thi, quy trình, tập huấn kỹ thuật... để triển khai".

Về cách thi tuyển sinh, nhiều GV trẻ đã nhiệt tình ủng hộ kỳ thi "hai trong một": Cục Khảo thí đứng ra tổ chức thi, các trường THPT thực thi, kết quả dùng để các Sở GD&ĐT xét công nhận tốt nghiệp THPT đồng thời các trường ĐH lấy làm căn cứ xét tuyển.

GV Đoàn Quang Vinh (ĐH Đà Nẵng) đánh giá "Kết hợp hai kỳ thi làm một là phương án thích hợp nhất mà vẫn đảm bảo cùng lúc hai mục tiêu: công nhận tốt nghiệp và xét tuyển ĐH".

Một nữ GV của ĐH Thái Nguyên đề nghị tương ứng với cách tuyển sinh này cần áp dụng phương thức đào tạo "Vào lỏng ra chặt" ở các trường ĐH, xiết chặt đầu ra để bảo đảm chất lượng SV tốt nghiệp. GV Vinh cũng cho rằng "Quan trọng nhất trong đào tạo ĐH là kiểm định bảo đảm chất lượng chứ không phải chỉ làm chặt đầu vào. Hiện nay, trên thực tế ở các trường ĐH chưa biết đánh giá chất lượng giảng dạy của từng GV như thế nào, bằng cách nào, căn cứ trên những tiêu chí gì... "

THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên