Phóng to |
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết trả lời các câu hỏi của đại biểu về “Mô hình sách giáo khoa tiểu học tương lai” tại hội thảo - Ảnh: H.HG. |
“Cứ vào mùa tuyển sinh đại học, tôi thường được nghe các thầy cô than phiền về việc sử dụng tiếng Việt của thí sinh. Ngay các giảng viên khoa ngữ văn cũng không mấy hài lòng với năng lực tiếng Việt của những giáo viên ngữ văn tương lai, những người sẽ giúp thanh thiếu niên VN biết yêu hơn tiếng mẹ đẻ của mình và biết dùng nó thành thạo để nâng cao hiệu quả công việc, chất lượng cuộc sống. Nhiều thầy cô ngữ văn cho rằng cần phải thay cách thức tuyển sinh đầu vào: không chỉ căn cứ vào tổng số điểm của các bài thi, mà còn phải xét riêng điểm thi môn văn để chọn những thí sinh thật sự có năng lực diễn đạt, đào tạo nên những ông thầy dạy người khác cách diễn đạt. Tôi thấy đề nghị này có lý. Tuy nhiên, giải pháp đó chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề, phần gốc nằm ở việc dạy học tiếng Việt ở phổ thông”. Mở đầu hội thảo, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, tâm sự như thế.
Dạy những điều không thích...
Trong tham luận của mình, TS Dương Thị Hồng Hiếu, khoa ngữ văn ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng: “Chương trình và sách giáo khoa hiện hành với một số lượng cố định các văn bản bắt buộc chưa tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh lựa chọn văn bản. Giáo viên có khi phải dạy những văn bản mà bản thân họ không thích, thậm chí không hiểu. Còn học sinh thường phải học những tác phẩm mà các em cho là chẳng có ý nghĩa gì với cuộc sống của mình. Vì vậy, nhiều học sinh cố gắng học chỉ cốt để thi cho qua mà thôi”. Theo TS Hiếu, cách kiểm tra đánh giá hiện nay thiên về đánh giá tổng kết, chưa chú ý đến đánh giá quá trình. Nội dung kiểm tra chủ yếu là kiến thức cụ thể về những văn bản đã học chứ không chú ý đến kỹ năng và năng lực của học sinh. Hơn nữa, các đáp án chấm thi hiện nay còn cho thấy việc đọc văn bản phải hướng đến các kết luận chính xác, không chấp nhận những ý kiến khác nhau.
Nghiệp vụ sư phạm là một trong những điểm yếu kém nhất của trường sư phạm và sinh viên sư phạm. Vấn đề với các trường sư phạm hiện nay là dạy thế nào để sinh viên có thể có kiến thức và kỹ năng sư phạm đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông. Thời đại nào thì phương tiện nấy. Thế nhưng, nói một cách hình ảnh là chúng ta đang đào tạo người thầy theo mô hình của thời đi bộ để dạy những con người đang sống trong thời đại ôtô, máy bay, tàu vũ trụ... PGS.TS Nguyễn Kim Hồng |
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng nhận xét phương pháp dạy học môn văn hiện nay dù đã có sự tương tác giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với nhau nhưng chưa chú ý đến việc giúp đỡ để học sinh tự kiến tạo nghĩa cho văn bản. Các đối thoại giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với nhau trong lớp chỉ để các em phát hiện và phát triển các ý mà giáo viên muốn. Điều này thể hiện rõ ở chỗ khi bài học chuẩn bị kết thúc, giáo viên luôn phải làm thao tác “chốt lại” những ý cơ bản, quan trọng để học sinh ghi nhớ và dùng nó để thi. “Điều này trái với bản chất của hoạt động đọc văn vốn là luôn tiếp diễn, không có điểm ngừng và không tồn tại khái niệm hiểu đúng” - TS Hồng Hiếu kết luận.
Cương quyết đổi mới ở trường sư phạm
Đồng tình với quan điểm trên, TS Đặng Lưu, Trường ĐH Vinh, đề xuất: “Cần giải tỏa sức ỳ để nâng cao chất lượng dạy học ngữ văn ở trường phổ thông”. Ông phân tích: “Chẳng hạn ở việc thay thế khái niệm “giảng văn” trước đây bằng “đọc - hiểu” hiện nay. Nếu giảng văn chủ yếu là thao tác của giáo viên thì đọc - hiểu nghiêng về phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh. Thế nhưng sự thay đổi này đã rơi vào tình trạng nửa vời. Thực chất của đọc - hiểu là cung cấp tri thức công cụ và hướng dẫn kỹ năng tiếp nhận văn bản. Từ đó, học sinh tự mình khám phá các văn bản cùng loại. Tiếc thay, chủ trương học gì thi nấy, thậm chí nội dung thi còn hẹp hơn nhiều so với những gì học sinh học đã khiến quan điểm đọc - hiểu bị phá sản. Đề thi không được ra ngoài các văn bản có mặt trong chương trình đã đành, ngay cả các văn bản đọc thêm trong chương trình cũng không được đụng đến”.
TS Hồng Hiếu cũng kiến nghị: “Chương trình học phải có độ mở nhất định, lấy kỹ năng chứ không phải nội dung kiến thức làm chính. Nên có nhiều bộ sách giáo khoa hoặc có một bộ gồm những văn bản bắt buộc, phần còn lại để giáo viên và học sinh tự chọn”.
Theo các đại biểu, để đổi mới thành công chương trình - sách giáo khoa môn ngữ văn thì người giáo viên phải đổi mới trước. Giáo viên đứng lớp phải có khả năng tổ chức các hoạt động nhằm khơi gợi, tạo hứng thú đọc cho học sinh và giúp học sinh cảm thấy tự tin về khả năng “đọc” của mình để học sinh có thể tự nhiên phát biểu những suy nghĩ về văn bản. Làm sao để việc dạy và học văn trở nên nhẹ nhàng, thú vị chứ không nặng nề như hiện nay. Như thế để học sinh thoải mái trình bày ý kiến của mình, việc hiểu không đúng hay mắc lỗi khi đọc, việc có nhiều ý kiến trái ngược hoặc khác nhau về cùng một văn bản là điều hoàn toàn tự nhiên. Ý kiến của giáo viên chỉ là ý kiến của một bạn đọc có kinh nghiệm hơn mà thôi. Việc học văn bản trong nhà trường chỉ là những khơi gợi đầu tiên, học sinh cũng như những người khác vẫn có thể tiếp tục suy nghĩ và có những khám phá tiếp theo về văn bản.
Có mặt tại hội thảo, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GD-ĐT, cũng khẳng định: “Rút kinh nghiệm cho việc đổi mới chương trình năm 2000, lần này Bộ GD-ĐT cương quyết đổi mới ở trường sư phạm đầu tiên. Đổi mới phải tránh chủ quan, tránh bảo thủ. Để đổi mới chương trình môn văn, chúng ta phải thay đổi nhận thức, phải tự thay đổi chính mình trước”.
Đổi mới lần này có đảm bảo thành công không? Tại hội thảo, GS.TS Huỳnh Như Phương (Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) đặt câu hỏi: “Tôi xin trích ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đăng trên báo Tuổi Trẻ, nguyên văn là: “Đúng ra chúng ta phải xác định lại hệ thống giáo dục như thế nào, cơ cấu ra sao, rồi dẫn đến thống nhất chương trình chuẩn, chương trình khung, từ đó mới viết sách giáo khoa. Song song với sách giáo khoa là đổi mới phương pháp giảng dạy, gắn với đó là đào tạo và đào tạo lại đội ngũ giáo viên, ứng dụng công nghệ rồi đến kiểm tra, thi cử. Nhưng chúng ta không thể làm tuần tự được. Như trong dự thảo đề án đã đặt ra làm sách giáo khoa. Tuy nhiên, dù sao cũng phải khẩn trương xác định hệ thống giáo dục của chúng ta, nếu không xác định hệ thống mà lao ngay vào viết sách, rồi làm chương trình thì sẽ có những trục trặc”. Tôi xin hỏi: Chúng ta đổi mới lần này có trục trặc gì không, có bảo đảm thành công không hay là đổi mới lần này rồi 10 năm sau chúng ta lại đổi mới tiếp?”. Câu hỏi của GS.TS Huỳnh Như Phương đã nhận được tràng pháo tay đồng tình của hầu hết đại biểu. Tuy nhiên, rất tiếc là chủ tịch đoàn - trong đó có PGS.TSKH Bùi Mạnh Nhị, vụ trưởng Vụ Tổ chức - cán bộ, Bộ GD-ĐT - không trả lời được một cách rốt ráo. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận