Bữa ăn đa dạng sẽ tốt cho sức khỏe - Ảnh: Châu Anh |
Bà Nguyễn Thị Lâm, phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết:
- Trong các bệnh có liên quan đến dinh dưỡng, tôi cho là tăng huyết áp, thừa cân béo phì, tim mạch và đái tháo đường là những căn bệnh tăng nhanh nhất gần đây.
Cách đây 25 năm, năm 1990 chỉ 8-9% người trưởng thành ở VN có tăng huyết áp, con số ấy coi là tăng mạnh so với năm 1960 chỉ có 1%, nhưng hiện con số này ở mức gần 30% người trưởng thành.
Tăng huyết áp liên quan nhiều đến việc ăn quá mặn, người Việt ăn muối nhiều gấp 2-3 lần so với khuyến cáo, khuyến cáo nên ăn 5 gam/người/ngày, đó là muối từ cà muối, dưa muối, từ muối nêm nếm vào thức ăn, từ thịt lợn muối hay các món có muối.
Các căn bệnh liên quan đến dinh dưỡng đặt ra vấn đề là người Việt đang ăn quá ít rau xanh, quả chín và ăn chưa cân bằng dinh dưỡng.
* Thưa bà, VN là quốc gia nhiệt đới, nhiều rau xanh, quả chín nhưng vì sao bà cho rằng người Việt đang ăn ít những thứ vốn rất nhiều này?
- Trung bình người Việt đang chỉ ăn 200 gam rau xanh/ngày, chỉ bằng 1/2 so với khuyến cáo. Còn quả chín chỉ khoảng 80 gam/ngày, trong khi khuyến cáo là 100-300 gam.
Ngoài ra, nên ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, gạo lật, ăn thêm đậu đỗ, khoai củ, trong khi người Việt lại ăn nhiều gạo trắng, nay giảm chút gạo trắng thì lại ăn nhiều bánh mì trắng.
Bên cạnh đó còn có vấn đề ăn cân bằng giữa dầu thực vật và mỡ động vật, trong thịt, sữa đã có chất béo động vật thì khi chế biến ta nên dùng dầu.
Người dân cũng nên tăng chất lượng của chất béo, tức là giảm chất béo no và tăng chất béo không no.
Một tiêu chí thể hiện sự mất cân bằng nữa là khu vực thành thị đã đáp ứng được khuyến nghị về lượng thịt, trứng tiêu thụ, nhưng nông thôn và miền núi thì chưa.
* Ngày nay bữa ăn truyền thống tại nhà, nhiều thế hệ ăn cùng mâm cơm dần dần bị thay thế bởi các bữa ăn đường phố, quán xá, kể cả bữa tối. Bà đánh giá ra sao về độ đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng của các bữa ăn kiểu mới này?
- Thức ăn đường phố cũng là nét văn hóa, cũng tốt nếu đảm bảo an toàn thực phẩm và dinh dưỡng. Nhưng nước mình thức ăn đường phố còn có vấn đề an toàn thực phẩm. Về dinh dưỡng, nếu ăn “cơm bụi”, cơm bình dân còn có vấn đề về dinh dưỡng.
Nên nói cơm bụi, cơm hàng quán chất lượng không đảm bảo thì cũng tùy nơi chế biến, nhà hàng cao cấp thì ngon và vệ sinh, thực phẩm tốt, nhưng tiền đâu mà ăn thường xuyên ở đó.
Vì thế rất nên duy trì bữa cơm truyền thống, nếu thời gian ít ỏi thì có thể duy trì 1 bữa trong ngày thôi. Đó cũng là thời điểm các thành viên gia đình được gặp gỡ, chia sẻ, trò chuyện với nhau.
Ngoài ra, nên duy trì cách ăn uống truyền thống của dân tộc ta như ăn nhiều rau, ăn đa dạng thực phẩm, người thành thị thì giảm thịt, tăng thêm đậu đỗ, đậu phụ, sử dụng các loại nước uống truyền thống như nước vối, nước trà xanh thay vì uống quá nhiều nước ngọt.
* Các chứng bệnh thời đại mà người Việt phải đối mặt còn có lý do liên quan đến thời gian tập thể thao, rèn luyện sức khỏe. Hiện có phải là chúng ta đang tập luyện quá ít, đợi bệnh rồi mới tập, mới khám, mới lo lắng?
- Chưa có thống kê nào về thời gian tập thể dục, rèn luyện sức khỏe của người Việt nói chung, nhưng theo cảm quan thì người Việt ít tập, ai cũng kêu là bận, thời gian ít ỏi không đủ tập luyện.
Các hoạt động thể lực có thể tính cả thời gian làm việc nhà, như giặt giũ, lau cầu thang, nấu ăn, điểm này thì chỉ phụ nữ đang dành nhiều thời gian, chứ nam giới chưa dành nhiều thời gian cho việc nhà. Nhưng ở nước ngoài nam nữ bình đẳng ngay từ chuyện chia sẻ việc nhà.
Ngoài ra, mỗi ngày nên dành 30-60 phút cho các hoạt động như đi bộ, chạy, tập thể dục…
Có một chứng bệnh gia tăng nhiều gần đây, như các bạn gọi thì là “căn bệnh thời đại”, đó là các tật khúc xạ.
Cái này không liên quan đến dinh dưỡng, mà do nhiều vấn đề như thói quen dùng mắt, tư thế ngồi, ánh sáng không đủ, thời gian ngồi quá lâu…
Một nghiên cứu gần đây cho thấy trẻ em VN đang ngồi quá lâu, ngoài thời gian ngồi ở trường học, có tới gần 1/3 trẻ em đang dành khoảng 3 giờ/ngày cho… ngồi, cụ thể là ngồi ăn, ngồi chơi điện tử, xem tivi.
Chúng ta đang đối mặt với nhiều căn bệnh thời đại Đó là ung thư, có thể xem là kết quả của môi trường ô nhiễm cả ở không khí, nước, thực phẩm. Ngoài ra, các bệnh rối nhiễu tâm trí, rối nhiễu hành vi tăng rất rõ rệt. Rối nhiễu tâm trí có thể là các chứng loạn thần do rượu, rối loạn sức khỏe tâm thần, hay các rối loạn hành vi như sự kết hợp giữa tính ích kỷ và sự vô cảm thể hiện không chỉ trong xã hội, mà ngay cả trong mỗi gia đình. Các rối loạn chuyển hóa, rối loạn nội tiết cũng gia tăng nhiều. Trẻ em hiện nay dậy thì sớm hơn và có căn nguyên một phần từ các hormon có trong thực phẩm, hay các bệnh béo phì, mỡ máu, tim mạch, cận thị… cũng gia tăng mạnh. BS Trần Tuấn (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận