Bề ngoài cứng cỏi, ánh mắt tự tin và hy vọng, hoạt động mạnh mẽ và kiên nhẫn - đó sẽ là cảm nhận của bất kỳ ai tiếp xúc với Nguyễn Ngọc Như Uyên, tân sinh viên ĐH Công nghiệp TP.HCM.

Theo chân Uyên về nhà, theo xe Uyên đi làm, nghe lời reo vui sau buổi học đầu tiên, càng cảm nhận rõ điều đó.

Uyên năm nay đã 21 tuổi, bước vào đại học từ hệ bổ túc văn hóa. Uyên đã có 5 năm đi làm, từ phụ quán cà phê, trà sữa đến shipper công nghệ. Uyên đã nghỉ học để đi làm phụ giúp gia đình, rồi lại tự thu xếp công việc, thu nhập để có thể đi học lại, tốt nghiệp phổ thông và vào đại học.

Trên vai Uyên không chỉ là hành trang tri thức và trải nghiệm cần tích lũy, mà còn có gánh nặng cơm áo gạo tiền của một gia đình, còn có gánh ước mơ ánh sáng của rất nhiều người…

‘Đôi mắt sáng’ của cha mẹ khiếm thị tự tin bước vào giảng đường - Ảnh 1.

Như  Uyên làm đôi mắt sáng cho cha mẹ, bước chân vào giảng đường - Thực hiện: TỰ TRUNG - NHÃ CHÂN - DIỄM HƯỜNG

‘Đôi mắt sáng’ của cha mẹ khiếm thị tự tin bước vào giảng đường - Ảnh 3.

Trong căn nhà trọ trong con hẻm sâu ở Gò Vấp, TP.HCM, chị Xuân - mẹ của Uyên - ngồi cạnh mấy bịch gạo chị mới mang về từ một sự kiện từ thiện tận quận 12, chúng tôi liền nhận ra người quen. Nguyễn Thị Minh Xuân, tôi từng gặp chị trong những buổi Thư viện sách nói Hướng Dương tổ chức sinh hoạt, trong lớp phổ cập tin học dành cho người mù.

Chị gật đầu nhận người quen, nhắc lại câu chuyện trong bóng tối của chị. " Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, ở tỉnh lỵ nhỏ. Lên 5 tuổi tôi mắc bệnh sởi, không được chữa trị kịp thời, di chứng bệnh khiến tôi thành người mù. Cha mẹ bán nhà bán đất đưa tôi vào TP.HCM nhưng cũng không thể nhìn thấy gì nữa. Tôi cố gắng đi học ở trường Nguyễn Đình Chiểu đến hết lớp 9, nương nhờ những mái ấm khiếm thị, rồi học làm đủ việc. Bó chổi, làm nhang, bán vé số… Tôi lấy chồng, cũng là một người đồng cảnh ngộ".

‘Đôi mắt sáng’ của cha mẹ khiếm thị tự tin bước vào giảng đường - Ảnh 4.

Như Uyên phụ giúp sắp xếp xe hàng rong cho ba chuẩn bị đi bán dạo - Ảnh: TỰ TRUNG

‘Đôi mắt sáng’ của cha mẹ khiếm thị tự tin bước vào giảng đường - Ảnh 5.

Anh Nguyễn Quốc Phụng, chồng chị - cha của Uyên, nghe nhà có khách cũng liền gọi xe về sớm. Người bạn chạy xe ôm đưa đón anh mỗi ngày cùng lỉnh kỉnh chiếc xe đẩy treo lủng lẳng nào bàn chải, bông tắm, mút rửa chén, chà nồi, cây rửa ly…. và cây đàn guitar. Thế giới của anh không thuần màu đen mà là màn sương trắng đục với những bóng người chập choạng.

"Chúng tôi biết nhau trong những sinh hoạt của người khiếm thị, thương nhau vì đồng cảnh, rồi cưới, dẫn nhau về cùng một căn phòng trọ. Đi bán vé số thì phải đi riêng, kèm với một người sáng, kẻo ngày nào cũng bị giật hết vé. Có vợ, có con, sáng tôi đi bán vé số và mớ hàng tạp phẩm, chiều tối mang đàn đi hát ở quán ăn, nhà hàng. Cứ vậy bao nhiêu năm, nay sức khỏe cũng kém rồi, hàng quán cũng vắng khách lắm…".

Đến hôm nay mẹ Xuân vẫn chưa biết mặt Uyên, chỉ nghe người ta nói con gái giống cha lắm. Sinh con, bà ngoại đến giúp chăm sóc, con biết bò thì đeo chiếc lục lạc vào chân để cha mẹ lần mò trông con. Chị Xuân kể: "Tôi nghe nói trẻ con lên 3 tuổi hay quấy phá, còn bé Như Uyên thì lên 3 đã biết làm cặp mắt cho cha mẹ. Nhặt chiếc dép, lấy cái chén, cái ly…, chúng tôi đều nhờ vào con bé".

‘Đôi mắt sáng’ của cha mẹ khiếm thị tự tin bước vào giảng đường - Ảnh 6.

Uyên dần lớn rồi Uyên có em trai. Hai chị em gắng lo việc học, việc nhà, bù vào những thiệt thòi. Uyên mê học và biết chỉ có việc học mới giúp mình vượt lên bóng tối vốn đã sẵn có quá nhiều trong gia đình. Năm nào cũng được học sinh giỏi, nhưng năm 2020, vừa vào lớp 11 được hai tháng, Uyên quyết định nghỉ học.

Uyên giải thích rành rẽ: "Ba tôi bệnh nằm viện, rồi ba ra viện cũng không thể đi làm được vì ảnh hưởng dịch COVID-19. Nhà trường yêu cầu học online mà mình không có điều kiện để lên mạng. Quán cà phê phụ bán cũng đóng cửa. Cả nhà không còn nguồn thu nhập nào ngoài mấy bịch gạo từ thiện. Ở trọ ai cũng lo mắc bệnh, cha mẹ thì lo lắng từng chén cơm, từng ngày tiền nhà. Mình không thể ngồi đó làm thêm gánh nặng. Thời gian ấy chỉ những người giao hàng là có việc làm thường xuyên, có thu nhập…".

Uyên nghỉ học và trở thành người giao hàng, giao đồ ăn đặt sẵn. Miệt mài từng đơn hàng, cô đã gánh được gia đình qua cả mùa dịch.

‘Đôi mắt sáng’ của cha mẹ khiếm thị tự tin bước vào giảng đường - Ảnh 7.
‘Đôi mắt sáng’ của cha mẹ khiếm thị tự tin bước vào giảng đường - Ảnh 8.

Kiếm được tiền rồi đó nhưng khao khát với việc học không dứt. Uyên nhìn các bạn mình lần lượt tốt nghiệp rồi vào đại học mà rơi nước mắt. Mặc cảm thua thiệt, cô đóng trang mạng xã hội cá nhân, tập trung vào việc làm, dành dụm một khoản riêng và âm thầm nuôi một kế hoạch.

Năm 2022, Uyên đi đến một quyết định táo bạo hơn cả quyết định nghỉ học của mình: là đăng ký đi học lại vào lớp 11 hệ bổ túc văn hoá.

Lớp học buổi tối, Uyên xin cắt bớt ca làm, đăng ký giao hàng từ 8-13h mỗi ngày để đầu giờ chiều có thể về nhà, vừa nghỉ ngơi vừa chuẩn bị bài vở cho buổi học từ 18-22h.

Cứ vậy suốt hai năm, Uyên trở lại là một học sinh giỏi, đạt giải ba môn Văn kỳ thi học sinh giỏi toàn thành phố.

‘Đôi mắt sáng’ của cha mẹ khiếm thị tự tin bước vào giảng đường - Ảnh 9.

Uyên chọn khoa Marketing trường ĐH Công nghiệp TP.HCM để ứng tuyển: "Nhận đơn đặt đồ ăn thức uống, tiếp xúc với các hàng quán, người dùng, tôi nhận thấy mình có thể thích hợp với công việc sáng tạo trên thị trường, kết nối giữa sản phẩm và khách hàng. Trường ĐH Công nghiệp gần nhà, gần địa bàn mà mình đi làm mỗi ngày, để có thể tranh thủ chạy đơn sau buổi học".

‘Đôi mắt sáng’ của cha mẹ khiếm thị tự tin bước vào giảng đường - Ảnh 10.

Nói vậy nhưng việc vào đại học của Uyên vẫn là một bài toán khó cho cả gia đình. Em trai tự nhận mình không có sức học tốt, đã nghỉ học đi làm để nhường may mắn đến trường cho chị gái. Mỗi ngày cha vẫn miệt mài rong ruổi với gánh hàng buổi sáng, cây đàn buổi chiều tối nhưng việc bán mua ca hát dựa vào lòng từ tâm của người đời cũng ngày một mai một cùng với sự kinh doanh sụt giảm chung của hàng quán trong thời kinh tế khó.

‘Đôi mắt sáng’ của cha mẹ khiếm thị tự tin bước vào giảng đường - Ảnh 11.

Mẹ cô nhẩm tính: mỗi tháng, "hụi chết" có hai khoản, một là tiền thuê nhà 8,5 triệu - tôi đã chia lại một phòng cho một người bạn khiếm thị để bạn đóng đỡ tiền điện nước, hai là tiền xe tiền xăng cho người bạn đưa đón anh đi làm mỗi ngày. Gạo thì thường được các hội nhóm từ thiện cho từng đợt như Tết, tháng tư, tháng bảy, tháng mười rồi để dành ăn cả năm; dư được đồng nào mới là mắm dầu, rau cá, sinh hoạt phí.

Hai chị em Uyên đi làm, tự lo xăng xe, những chi phí cá nhân, rồi phụ mẹ tiền nhà, tiền chợ… Tính hoài mà chưa ra được khoản nào để đóng học phí cho Uyên vào đại học, khoản nào sẽ bù vào phần Uyên phải bớt giờ làm những ngày sắp tới.

Vậy nhưng Uyên vẫn lạc quan trên đường rong ruổi giữa những đơn hàng. Một đơn đặt thức ăn mang đi giao, Uyên được trả 13.500 đồng, mỗi buổi làm được từ 10-15 đơn. Miệt mài mấy tháng trước khi nhập học, Uyên khoe ngoài khoản phụ giúp ba mẹ, cô đã để dành được 3 triệu và tự mua được một đôi sandal mới để chuẩn bị đi học.

"Nhưng học phí kỳ đầu tiên ở trường là 18 triệu, vậy là mẹ phải đi vay…", Uyên thở dài lần đầu tiên trong câu chuyện của mình. Những người bạn của mẹ cũng khiếm thị, cũng rất khó khăn - mỗi người một ít - đã gom lại cho vay khi nghe Uyên vào đại học. Uyên đang mang trên vai ước mơ ánh sáng không chỉ của riêng mình, của gia đình, mà còn của rất nhiều người khác nữa.

Tuần đầu tiên nhập học, Uyên nghỉ làm, hào hứng đến giảng đường, ghi chép tỉ mỉ thời khóa biểu của 7 môn học, loay hoay tính từng giờ để tìm ca đi làm. Cô thì thầm: "Mình đọc được đâu đó: Vũ trụ sẽ lắng nghe những trái tim ngoan cường. Nếu được nhận học bổng Tiếp sức đến trường, khoản may mắn ấy sẽ dành trọn trả nợ học phí. Nếu học bổng dành cho bạn nào khó khăn hơn, mình vẫn sẽ vui và sẽ cố gắng tự lo cho mình. Mình trước giờ không bỏ cuộc và sẽ không bao giờ bỏ cuộc…".

‘Đôi mắt sáng’ của cha mẹ khiếm thị tự tin bước vào giảng đường - Ảnh 12.
PHẠM VŨ
TỰ TRUNG
VÕ TÂN
30-9-2024
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0