Ông Tạ Văn Ngân (Châu Thành A, Hậu Giang) khơi dòng để bơm nước cứu lúa sắp đến ngày thu hoạch đang bị ngập do mưa trái mùa - Ảnh: CHÍ QUỐC |
Nhiều nông dân như đang ngồi trên lửa do vườn cây ăn trái và lúa đang kỳ thu hoạch bị thiệt hại nặng.
Theo tiến sĩ Võ Hữu Thoại - phó viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, trận mưa trái mùa này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến vườn cây ăn quả.
Trong đó những loại cây đang ra hoa sẽ giảm tỉ lệ đậu trái, còn những cây đang cho trái non sẽ rụng trái, gây nứt trái nếu đang phát triển. Ngoài ra, đợt mưa trái mùa này sẽ tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển gây hại mùa màng, cây trái.
Lúa gãy đổ, cây màu ngập úng
Nhiều người trồng lúa, hoa màu tại ĐBSCL cho biết như bị “chết đứng” với cơn mưa trái mùa như trút nước ngay sau tết.
Dọc tuyến quốc lộ 61C thuộc địa bàn các huyện Châu Thành A, Vị Thủy (Hậu Giang) là những cánh đồng lúa đông xuân đang chín bị sập, mọng nước. Chủ ruộng lại phải tốn kém chi phí tháo nước ra khỏi ruộng.
Tại cánh đồng lúa ở ấp 4A, xã Tân Hòa (huyện Châu Thành A, Hậu Giang), ông Tạ Văn Ngân cho biết ông được chủ ruộng thuê móc đất làm đường rãnh khai thông đường nước để phục vụ việc bơm nước ra ngoài với giá 200.000 đồng/ngày.
Xốc phần lúa bị rạp xuống ruộng, ngập nước, ông Ngân cho biết cánh đồng lúa chín sẽ được thu hoạch trong vòng 10 ngày nữa.
Tuy nhiên, cơn mưa mới đây đã làm nước lênh láng trên đồng ruộng, lúa ngậm nước cả đêm nên bị hư một phần, nếu thêm hai ba trận mưa trái mùa nữa thì thua luôn, không còn khả năng cứu lúa được nữa.
Ruộng của ông Trịnh Tấn Sĩ (huyện Vị Thủy, Hậu Giang) bị mưa làm ngập nhiều ngày, phải cắt lúa bằng tay - Ảnh: Chí Quốc |
Ông Trịnh Tấn Sĩ (xã Nhị Bình, huyện Vị Thủy) đang thu hoạch lúa trên ruộng và cho biết với nhiều trận mưa trái mùa liên tiếp trong tháng 1 và đầu tháng 2, lúa của ông chỉ đạt khoảng 800kg/công, trong khi những năm trước phải là 1,2 tấn/công.
Dù thuê máy gặt đập liên hợp cắt lúa nhưng do mưa quá lớn, ông Sĩ phải gặt tay một phần ở những nơi còn sình lầy nhiều để mang lúa lên chỗ khô cho máy gặt đập liên hợp “xử lý”.
Theo ông Sĩ, ngoài thất mùa do thời tiết thất thường, nông dân còn phải chịu lỗ khi lúa bị mưa làm ngã đổ, sình lầy nhiều nên tỉ lệ thất thoát lúa lớn.
“Thương lái đặt cọc chỉ 4.200 đồng/kg, nay giá lúa lên khoảng 4.500 đồng tui đã lỗ, giờ gặp mưa làm thất thoát nữa, vụ này coi như thua rồi” - ông Sĩ buồn rầu.
Tại Cà Mau, diện tích lúa lấp vụ tại các vùng ngọt hóa đang trong thời kỳ thu hoạch. Tuy nhiên, mưa trái mùa đã làm nhiều diện tích lúa bị đổ ngã.
Ông Nguyễn Văn Tranh, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết qua thống kê sơ bộ, gần 3.400ha lúa trong thời kỳ thu hoạch trên địa bàn bị đổ ngã sau cơn mưa này.
Người trồng đậu xanh ở địa bàn xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) cũng “méo mặt”, diện tích đậu xanh mới xuống giống đã bị chết hết.
Ông Đoàn Chí Tâm, chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây, cho biết khoảng 300ha đậu xanh vừa nhú mầm, gặp mưa nặng hạt nên có khả năng bị chết hết do đậu xanh non rất kỵ nước.
Trước Tết Nguyên đán, trên địa bàn cũng xảy ra mưa trái mùa làm trên 140ha đậu xanh của dân thiệt hại hoàn toàn.
“Đối với đậu xanh, nông dân bị mất trắng nên chúng tôi khuyến cáo bà con tạm ngưng xuống giống những diện tích còn lại. Đến thời điểm này đã trễ vụ, nếu xuống giống tiếp tục sẽ không hiệu quả” - ông Tranh nói.
Nhà vườn lo mất ăn
Tại vùng vú sữa lò rèn Vĩnh Kim (huyện Châu Thành, Tiền Giang), người dân đang rất lo bởi mưa lớn kéo dài đúng vào thời điểm vú sữa chín.
Theo nhiều hộ dân, do bị ảnh hưởng của đợt hạn mặn năm 2016 nên phần lớn vú sữa chín trễ hơn mọi năm, dự báo chín rộ trong khoảng 15 ngày nữa.
Khi gặp cơn mưa dầm và nếu còn một vài cơn mưa nữa, vú sữa sẽ bị thối trái hoặc nứt, nông dân sẽ thất trắng.
“Mưa không chỉ làm trái bị thối mà còn khiến việc thu hoạch gặp khó vì thân cây trơn trượt, khó trèo. Hơn nữa, trái vú sữa khi chín da mỏng, trái mềm nên rất dễ bị bầm giập, thương lái vịn cớ ép giá” - một chủ vườn lo lắng.
Một cây vú sữa của ông Võ Văn Tặng ở xã Bàn Long, huyện Châu Thành, Tiền Giang bị gãy cành lớn do mưa gây ra - Ảnh: Thanh Tú |
Dẫn chúng tôi ra vườn vú sữa nhà mình, ông Võ Văn Tặng (xã Bàn Long, huyện Châu Thành) chỉ tay về phía mấy nhánh vú sữa lò rèn bị tét nhánh sau trận mưa vừa qua, cho biết ngay trong thời điểm vú sữa chín, trái chứa nhiều nước nên nặng cành. Nay mưa dầm ập xuống khiến cành chứa thêm nhiều nước nên bị oằn xuống.
“Thân cành nào yếu thì bị gãy. Cơn mưa hôm qua nhà tui bị gãy 5 nhánh” - ông Tặng nói. Do bị ảnh hưởng của mưa lớn nên giá vú sữa tại khu vực này cũng giảm mạnh, trong đó vú sữa lò rèn loại đẹp (loại I) chỉ còn 20.000 - 25.000 đồng/kg và vú sữa tím chỉ còn 18.000 đồng/kg (loại đẹp, lựa mua), thấp hơn 2.000 - 7.000 đồng/kg so với cùng thời điểm này năm trước.
Ông Nguyễn Văn Ngàn, chủ nhiệm HTX vú sữa lò rèn Vĩnh Kim, lo lắng cho biết do ảnh hưởng của hạn mặn năm 2016, hầu hết vườn vú sữa lò rèn trong vùng đều bị rụng bông ở đợt ra bông đầu tiên.
Đợt ra bông thứ hai trái sẽ chín rộ từ giữa tháng giêng đến đầu tháng hai. Mức độ ảnh hưởng của cơn mưa vừa rồi chưa thể lường hết.
“Trong những ngày tới, nếu thời tiết ít nắng hoặc còn mưa dầm, vú sữa lò rèn sẽ dễ bị thối trái giống như bệnh thán thư hoặc nứt trái vì dư nước” - ông Ngàn cho biết.
Sẽ đề xuất hỗ trợ nông dân Ông Lê Văn Hoàng - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An - cho biết hai cơn mưa lớn vào ngày 28 tháng chạp (25-1) và mồng 6 tháng giêng (2-2) đã gây thiệt hại khá lớn cho vụ lúa đông xuân trên địa bàn. Theo thống kê vào chiều 3-2, toàn tỉnh đang có diện tích lúa đông xuân hơn 5.300ha, trong đó hơn 900ha lúa bị đổ ngã, ảnh hưởng đến năng suất. Theo ông Hoàng, thời tiết thất thường nên ngành nông nghiệp hoàn toàn bị động. “Trong những ngày tới, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, kiểm tra mức độ thiệt hại để có phương hướng đề xuất hỗ trợ theo mức tác động của thiên tai” - ông Hoàng nói. (SƠN LÂM) TS Dương Văn Ni (Trường đại học Cần Thơ): Ứng phó khi không còn “hai mùa mưa nắng” Cơn mưa ngày 2-2 cho thấy biến đổi khí hậu làm thời tiết có sự thay đổi thất thường, không theo quy luật “hai mùa mưa nắng” như bao lâu nay. Do đó, cách ứng phó tốt nhất là phải thay đổi nhận thức theo hướng sẵn sàng ứng phó cho tình huống thất thường. Chẳng hạn, thay vì giữ thói quen sạ hết lúa giống vào vụ đông xuân do ít bị thiệt hại bởi thời tiết thất thường, nông dân nên chọn giống lúa có khả năng chống chịu thời tiết thay vì thiên về năng suất. Mùa nắng mình tính cả chuyện mùa mưa và mùa mưa mình tính cả chuyện mùa nắng, luôn sẵn sàng trong mọi tình huống thì sẽ giảm thiểu thiệt hại. Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có giải pháp phù hợp để ứng phó với thời tiết thất thường do bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. (CHÍ QUỐC) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận