Phóng to |
Kiểm tra xử lý nước thải tại một nhà máy đóng trên KCN Biên Hòa 1 |
Lộ trình từ 5 - 7 năm
Tại cuộc họp báo 6 tháng đầu năm 2008 vào ngày 25-6, ông Nguyễn Mạnh Văn, phó trưởng ban quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai cho biết, trước nguy cơ ô nhiễm từ chất thải của KCN Biên Hòa 1 đổ ra sông Đồng Nai ngày càng nghiêm trọng nên UBND tỉnh đã chấp thuận phương án chuyển đổi công năng thành khu thương mại dịch vụ. Theo ông Văn, hệ thống xử lý chất thải hiện nay của KCN Biên Hòa 1 chủ yếu đổ ra sông Đồng Nai và đã xuống cấp nghiêm trọng. Đây là một điều hết sức nguy hiểm cho nguồn nước cung cấp cho Đồng Nai và TP.HCM.
Việc chuyển đổi công năng là điều không đơn giản khi có hàng trăm doanh nghiệp đóng tại KCN Biên Hòa 1. Sau khi nghe tin thông tin chuyển đổi công năng, nhiều doanh nghiệp đến ban quản lý bày tỏ khó khăn khi phải bị di dời đi nơi khác, buộc phải đào tạo lại tay nghề cho hàng trăm lao động…
Ông Satsuo Hirayama, phó tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM cũng băn khoăn trước thông tin chuyển đổi công năng của KCN Biên Hòa 1. Bởi, có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đóng tại đây phải di dời đi nơi khác, có thể ảnh hưởng đến sản xuất và gây thiệt thòi cho nhà đầu tư.
Tại buổi làm việc mới đây, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái đã nói do tình hình ô nhiễm nước thải từ các nhà máy ở KCN Biên Hòa 1 ra sông Đồng Nai ngày càng trở nên nghiêm trọng và khó có thể khắc phục được. Việc tồn tại của KCN Biên Hòa 1 là không còn phù hợp so với yêu cầu hiện tại do không đáp ứng tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường. Vì thế, công ty Sonadezi, chủ đầu tư và quản lý KCN Biên Hòa 1, đã có tờ trình kiến nghị với tỉnh và trung ương cho phép chuyển đổi công năng của KCN Biên Hòa 1.
Trong trường hợp KCN Biên Hoà 1 được phép chuyển đổi công năng thì tỉnh Đồng Nai sẽ không để bất kỳ nhà đầu tư nào đang có nhà máy hoạt động tại KCN này bị thiệt thòi và đảm bảo về quyền lợi cho nhà đầu tư khi phải di dời.
KCN Biên Hòa 1 với tổng diện tích 335 hecta là KCN ra đời sớm nhất nước (năm 1963 – tên gọi lúc này là Khu kỹ nghệ Biên Hòa – TP. Biên Hòa – Đồng Nai). Năm 1990, công ty phát triển KCN Biên Hòa (Sonadezi) được giao nhiệm vụ khôi phục, nâng cấp và quản lý hạ tầng KCN. Đến nay, theo ông Nguyễn Mạnh Văn (phó BQL các KCN Đồng Nai), có 94 DN trong và ngoài nước đang hoạt động ở đây (lấp đầy 100% diện tích). |
Ô nhiễm ở Đồng Nai: giải bài toán khó
Ông Võ Văn Chánh - phó giám đốc sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, trình trạng ô nhiễm môi trường tại các KCN đang là vấn đề đau đầu của tỉnh, đặc biệt mới đây báo chí lại nêu vấn đề nhiều tàu nước ngoài không thèm vào cảng Thị Vải do ô nhiễm môi trường. Ông Chánh cũng cho biết, sắp tới sẽ tổ chức một hội nghị bàn tròn để mổ xẻ tình trạng ô nhiễm trên sông Thị Vải.
Riêng 27 KCN hiện nay, sở Tài nguyên và môi trường đã tổ chức đi kiểm tra và đã ra nhiều quyết định xử phạt hành chính. Đến nay có 11 KCN đã hoàn thành hệ thống xử lý nước thải, nhưng vẫn còn nhiều hạng mục chưa hoàn thành (cam kết đến 30-6 phải thực hiện xong). 11 đơn vị khác trong quá trình đầu tư xây dựng và cũng cam kết thực hiện đến 30.12. Còn lại 5 đơn vị đang trong quá trình xây dựng KCN nên chưa có hệ thống xử lý. Đại diện sở Tài nguyên và môi trường cũng lưu ý, sẽ không có việc 5 KCN mới này kêu gọi đầu tư nếu như chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải.
Trước đó, một cuộc khảo sát mức độ ô nhiễm trên sông Đồng Nai của sở Tài nguyên và môi trường phải khiến người ta thêm “giật mình”: Trong 13 KCN có lượng nước thải lớn thì tới 9 KCN lớn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong số 13 KCN có nguồn thải lớn (hơn 57.000m3/ngày đêm) thì chỉ gần 20.000m3 (chiếm gần 1/3) được qua xử lý tại các nhà máy xử lý nước thải tập trung của các KCN. Còn lại, đáng báo động là có tới 9/13 KCN lớn gây ô nhiễm mức độ nghiêm trọng gồm: Hố Nai, Biên Hòa 1, Nhơn Trạch 2, Nhơn Trạch 3, Sông Mây, Amata, Gò Dầu, Tam Phước và Loteco. Tổng lượng thải của 9 KCN này hơn 45.000m3/ngày đêm, có thông số màu sắc, coliform vượt tiêu chuẩn quy định. Đáng lưu ý, hàm lượng chì trong nước thải của KCN Biên Hòa 1 vượt 4 lần quy định, hàm lượng phốt pho trong nước thải ở KCN Amata cao gấp 10 lần, amôniăc vượt đến 95 lần. Hàm lượng crôm ở KCN Hố Nai vượt 75 lần... so với quy định. Đáng lo ngại là, lượng nước thải của những KCN này chủ yếu thải vào sông Đồng Nai, sông Thị Vải, hồ Trị An và hồ Sông Mây...
Luật Bảo vệ môi trường (có hiệu lực ngày 1-7-2006) quy định khi lấp đầy 30% diện tích, các KCN phải đưa hệ thống xử lý nước thải tập trung vào hoạt động, các nhà máy trong KCN trước khi đi vào hoạt động phải có hệ thống xử lý nước thải cục bộ. Tuy nhiên, xem ra nhiều KCN đã không thực hiện. Có tới 10 KCN bị “điểm mặt”. Trong đó điển hình là KCN Hố Nai, ở giai đoạn 1 đã cho thuê tới 82% diện tích, lượng nước thải khoảng 3.500m3/ngày đêm nhưng hệ thống xử lý nước thải vẫn chưa xây dựng. Hay KCN Bàu Xéo đã cho thuê 87% diện tích, lượng nước thải hơn 2.800m3/ngày đêm nhưng vẫn chưa xây dựng hệ thống thoát và xử lý nước thải.
Về phía doanh nghiệp đã tìm nhiều cách trốn tránh trách nhiệm xử lý nước thải của mình hoặc có ký hợp đồng với nhà máy xử lý nước thải của các KCN, nhưng chỉ đưa lượng nước qua hệ thống xử lý rất ít so với khối lượng nước thải thực tế. Điển hình như các nhà máy ở KCN Biên Hoà 1 có lượng nước thải khoảng 15.000m3/ngày đêm, nhưng mới có 16 nhà máy ký hợp đồng đưa nước thải về xử lý ở nhà máy xử lý nước thải tập trung với khoảng 200m3/ngày đêm, còn lại đều đổ thẳng ra sông Đồng Nai...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận