TTCT - Vụ đột kích của phiến quân Hồi giáo Maute vào thành phố Marawi hôm 23-5, khiến Tổng thống Rodrigo Duterte phải bỏ dở chuyến công du Nga, có “đánh thức” ông sau gần một năm cầm quyền ấp ủ giấc mơ xóa sạch nạn ma túy cũng như tàn tích một thời “thuộc Mỹ”? Ông Duterte (giữa) trong một chuyến thăm ủy lạo lực lượng đặc nhiệm Philippines đóng ở Lanao del Sur, tỉnh có thành phố Marawi -inquirer.net Nếu như thành phố Marawi sang đầu tuần này được xem là “đã được kiểm soát”, thì thành phố Iligan cách đó 38km lại rơi vào tình trạng bị phong tỏa do lo ngại phiến quân từ Marawi xâm nhập bằng cách trà trộn trong dòng người sơ tán từ đây. Thứ ba tuần trước, phiến quân Maute đã chiếm trọn Marawi, từ tòa thị chính, nhà thờ chánh tòa, đến trường học... và cả nhà giam! Thật ra, các tay súng Maute đã dọa dẫm suốt từ đầu tháng 12-2016 với truyền đơn tuyên bố họ sẽ “từ trên núi xuống” đốt Marawi thành than - điều mà nay đã trở thành thực tế. Lần đó, ông Duterte đã thách thức: “Có giỏi thì cứ xuống!”. “Một mình một ngựa” chống ma túy Ngay giữa lúc “dầu sôi lửa bỏng”, ông Duterte vẫn khăng khăng chống ma túy theo ý mình. Vừa nhắm tới việc giải quyết “gọn” chiến sự ở Mindanao bằng một lệnh thiết quân luật, ông cũng vừa tập trung “tảo thanh” bộ máy chống ma túy của mình, trục xuất những ai bất đồng. Hôm 25-5, tức ngay sau khi ông vừa về nước vì vụ Marawi, chiến sự còn sôi sục, ông vẫn kịp bãi nhiệm người đứng đầu cơ quan liên ngành bài trừ ma túy (BDD) có hàm bộ trưởng là tiến sĩ Benjamin Reyes. “Sai lầm” của ông Reyes là định trình một sách lược chống ma túy “tích hợp và cân bằng” hơn, mà theo ông, vốn là người đã có 21 năm làm việc trong ngành y tế, đặc biệt trong lĩnh vực ma túy, đây còn là một vấn đề y tế. Trong sách lược mới của BDD, nổi bật nhất là nhận định “cuộc chiến chống ma túy của chính phủ sẽ chỉ thành công nếu như được tiến hành trên các mặt trận khác nhau”, trong đó có cả các chương trình phục hồi sau cai nghiện. Tất nhiên, sách lược này nghịch với sách lược “bắn không cần hỏi” của ông Duterte hiện nay, mà “kết quả” là khoảng 9.000 người bị giết, theo cuộc hội thảo “Những con số thực” tổ chức hôm 3-5 ở Manila (con số của nhà chức trách là khoảng 2.000 người). Sâu xa hơn, vấn đề đặt ra là phương cách chống ma túy của chính quyền bị cho là chỉ nhắm vào người nghèo. Nhóm nhân quyền iDEFEND mô tả kế hoạch của tiến sĩ Reyes là một “cố gắng lương thiện nhằm dựng lại khung chính sách cho cuộc chiến chống ma túy, vốn là một cuộc chiến nơi người nghèo. Việc sa thải lãnh đạo BDD cho thấy rõ ràng Tổng thống Duterte không sẵn lòng tiếp cận dựa trên thực chứng”. Vấn đề “thực chứng” được nêu ra ở đây là góp ý của các chuyên gia hàng đầu thế giới về vấn đề ma túy từ góc nhìn y khoa trong hội thảo “Các vấn đề ma túy: những cái nhìn khác nhau” đầu tháng 5, với sự tham dự của một báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về các vấn đề pháp lý, bà Agnes Callamard. Trong tham luận của mình, bà Callamard thuật lại việc năm ngoái, các lãnh đạo quốc gia và chính phủ đã thông qua ở Liên Hiệp Quốc một Cam kết chung nhằm nhắm đến và giải quyết vấn đề ma túy toàn cầu, kêu gọi cách tiếp cận cân bằng, đa dạng, đa ngành, nhấn mạnh các vấn đề y tế, nhân quyền và công lý. Cam kết đó không xem hình phạt tử hình là trả lời thích hợp hay hiệu quả cho nạn buôn bán ma túy, chưa nói là sử dụng ma túy. Một tiến sĩ y khoa Mỹ, chuyên gia hàng đầu về ma túy cũng đã công bố những nghiên cứu nhận định nghiện ma túy là một vấn đề sức khỏe. Những nhận định kiểu đó khiến ông Duterte nổi giận. Chống khủng bố thì sao? Có vẻ ông Duterte đã đánh giá không đúng thực tế đất nước mình khi mải mê với cuộc chiến chống ma túy mà lơ là mối nguy khủng bố vốn đã luôn là một hiểm họa từ bao trào tổng thống trước. Bắt đầu là loạn quân Huk gây “khó dễ” chính quyền Roxas từ năm 1946 đến năm 1954, mà cao điểm là năm 1952 khi lực lượng này đông đến 12.000 người. Nguy hiểm hơn, còn có phái Hồi giáo Moro. Năm 1935, khu vực phía nam Philippines, gồm các đảo Mindanao (thành phố Marawi trên đảo này) và Palawan, được sáp nhập vào lãnh thổ Philippines khiến dân bản địa bất tuân. Đến năm 1969, Mặt trận Giải phóng dân tộc Moro (MNLF) ra đời. Năm 1972, phong trào Moro từng tấn công tàn phá thành phố Jolo, thủ phủ đảo cùng tên, y hệt phong trào Maute đang làm ở Marawi. Marawi khác với các thành phố khác của Philippines ở chỗ 99,6% dân số theo Hồi giáo với mọi tập tục theo luật Hồi giáo... Và ở Philippines không chỉ có chừng đó tổ chức Hồi giáo cực đoan. Trong một “cơ địa” rất nhạy cảm như thế, việc ông Duterte tháng 12 năm ngoái thách thức nhóm Maute “có giỏi thì cứ xuống” quả là một sự khinh suất lớn lao mà nay mới học được chữ ngờ! Ba tuần lễ trước vụ tấn chiếm Marawi, thượng nghị sĩ Philippines Win Gatchalian, thuộc tiểu ban quốc phòng an ninh Thượng viện, đã yêu cầu ông Duterte cân bằng các nỗ lực chống ma túy với các nỗ lực chống khủng bố. Ông Gatchalian đưa ra khuyến cáo bằng văn bản sau một chuỗi vụ nổ tại quận Quiapo đông dân của thủ đô Manila. Ông viết: “Các vụ đánh bom này là lời nhắc nhở bi thảm rằng còn có nhiều ưu tiên an ninh công cộng khác bên cạnh ưu tiên bài trừ ma túy, đáng được các cơ quan thực thi pháp luật quan tâm. Chính phủ cần sử dụng nhân lực thực thi pháp luật cùng các tài nguyên tình báo một cách cân bằng hơn... Đừng đặt tất cả trứng trong cùng cái rổ”. Dòng nạn nhân lũ lượt rời Marawi -Inquirer News Loay hoay hợp tác - không hợp tác Không phải vô tình mà ông Gatchalian đưa ra khuyến cáo trên. Tháng 9-2016, Tổng thống Duterte đã ra lệnh cho binh sĩ Mỹ đang đồn trú trên đảo Mindanao nhanh chóng rời Philippines: “Chừng nào chúng ta còn cùng chung với nước Mỹ, chúng ta sẽ không bao giờ có hòa bình trên vùng đất Mindanao này... Ở Mindanao có quá nhiều lính Mỹ. Họ ở lại chỉ làm cho tình hình thêm nóng. Họ phải ra đi”. Vào năm 2009, 600 binh sĩ lực lượng đặc biệt Mỹ đã có mặt ở Mindanao, đóng vai trò cố vấn cho quân đội Philippines chống khủng bố trong khuôn khổ chiến dịch “Bảo toàn tự do” chống khủng bố trên toàn cầu. Đến năm 2014, CIA phái tiếp một số nhân viên bán quân sự hàng đầu thuộc bộ phận “Hành động đặc biệt” sang tham gia săn lùng các đầu lĩnh khủng bố. Tới năm 2016, lần thứ 32, lực lượng đặc biệt Mỹ cùng quân đội Philippines tập trận mang tên Balikatan. Các cuộc tập trận này chủ yếu diễn ra ở Mindanao, Tarlac và các khu vực khác mà phiến quân Abu Sayyaf và các nhóm khủng bố Hồi giáo hoạt động mạnh. Truyền thông Philippines cũng sốt ruột vì lực lượng Mỹ này dường như đã trở thành một đơn vị thường trú, vĩnh viễn tại Mindanao. Cựu chánh văn phòng Phủ tổng thống Eduardo Ermita trả lời những cáo buộc này: “Lính Mỹ tất cả đều giống nhau, nên cứ như thể họ không bao giờ rời đi. Nhưng chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta vẫn được bảo đảm. Các cuộc tập trận Balikatan đã tăng cường an ninh quốc gia và khu vực. Do đó, không có gì sai khi hợp tác với lực lượng vũ trang của Mỹ”. Những nhận xét này được đưa ra nhằm đáp lại tuyên bố của Edgar Araojo, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Tây Mindanao, rằng “đất nước Philippines đã buông chủ quyền của mình”. Tới ông Duterte, không còn vấn đề “buông chủ quyền” này nữa khi ông “đuổi lính Mỹ ra khỏi Philippines để Mindanao được yên ổn”. Song tình hình lại không như ý ông. Có một điều ông Duterte có thể quên khi khước từ hợp tác quân sự với Mỹ là việc chia sẻ tài nguyên tình báo vốn đã “lâu đời” giữa hai quân đội Mỹ và Philippines. Nhưng đến ngày 10-4 vừa rồi, ông đã “đổi giọng” muốn hợp tác trở lại, trong một diễn văn: “Nay mối đe dọa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan bạo lực, cùng các tội ác xuyên quốc gia như nạn buôn bán ma túy bất hợp pháp, đòi hỏi các nỗ lực nâng cao trách nhiệm bảo vệ lợi ích chung” và không ngần ngại nhắc lại quá khứ hợp tác: “Do chúng ta từng cùng nhau chiến đấu để vượt qua kẻ thù, chúng ta nên giúp đỡ lẫn nhau để giải quyết các mối đe dọa mà xã hội, khu vực và thế giới của chúng ta phải đối mặt”. Tháng 11-2016, ông dõng dạc tuyên bố: “Nếu Trung Quốc và Nga quyết định xây dựng một trật tự mới, tôi sẽ là người đầu tiên tham gia”. Trớ trêu thay, cuộc đột kích chiếm Marawi của phiến quân Maute đã nổ ra ngay khi ông Duterte bắt đầu thăm Nga. Sự trớ trêu của thực tế này không kém thực tế quan hệ tăng cường với Trung Quốc bỗng dưng “khựng” lại bởi việc Bắc Kinh đe dọa chiến tranh nếu Philippines khai thác dầu khí trên biển. Thực tế nghiệt ngã này đã khiến nhiều chính trị gia Philippines, như thượng nghị sĩ Risa Hontiveros, phản ứng gay gắt hôm 23-5: “Lời đe dọa là một hành động gây hấn, là sự bắt nạt, vốn đã không bình thường. Việc lời đe dọa được gửi đến riêng Tổng thống Philippines khiến nó càng trở nên cay độc hơn... Chính phủ Duterte có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Chính phủ không được thiếu sót trong nhiệm vụ đó”. Mơ và thực luôn khác nhau. Có khi bằng sự sống và cái chết, bằng mất mát và đau thương.■ Tags: PhilippinesTổng thống DuterteTổng thống PhilippinesĐời không như là mơ
Phó bí thư thường trực Nguyễn Thanh Nghị: Sẽ chung sức để TP.HCM ngày càng phát triển TIẾN LONG 25/01/2025 Ngay sau khi được trao quyết định, tân Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thanh Nghị phát biểu nhận nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Thanh Nghị làm Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM VIỄN SỰ 25/01/2025 Ông Nguyễn Thanh Nghị - ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng - làm Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM.
Ông Vũ Hồng Văn làm Bí thư Đồng Nai HÀ MI 25/01/2025 Ông Vũ Hồng Văn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, được điều động, chỉ định giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai.
Ngoại trưởng Mỹ: Quan hệ Việt - Mỹ là hình mẫu tiêu biểu trong quan hệ quốc tế DUY LINH 25/01/2025 Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio khẳng định như vậy trong cuộc điện đàm đầu tiên với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tối 24-1.