25/10/2015 09:03 GMT+7

Đổi đời ở cửa Trần Đề

TẤN ĐỨC - YẾN TRINH
TẤN ĐỨC - YẾN TRINH

TT - Khi chưa có cảng, Trần Đề là xóm ngụ cư của những gia đình làm nghề đóng đáy và nghề lưới, phần đông là hộ nghèo nhưng bậy giờ thì đã đổi khác,

Một góc khu thị tứ bên cảng cá Trần Đề - Ảnh: Tấn Đức
Một góc khu thị tứ bên cảng cá Trần Đề - Ảnh: Tấn Đức

Ông Trần Văn Niên, cựu trưởng ban nhân dân tự quản ấp Cảng (thị trấn Trần Đề), nhớ lại: “Hồi trước, khi chưa có cảng, nơi đây là xóm ngụ cư của những gia đình làm nghề đóng đáy và nghề lưới, phần đông là hộ nghèo, làm ăn nhỏ lẻ, chưa có phương tiện công suất lớn để ra khơi xa. 

Nhưng bây giờ thì đã đổi khác, nhiều ngư dân trong tay có cả chục chiếc tàu, làm ăn khấm khá, cất được nhà lầu ba, bốn tầng”.

Đó là những gì đang diễn ra ở cảng cá Trần Đề, một điểm sáng nghề biển ở bờ nam cửa sông Trần Đề (huyện Trần Đề, Sóc Trăng).

Từ cửa Trần Đề đến cảng Trần Đề

8g sáng, chợ Kinh Ba hiện ra không khác gì một thị tứ sầm uất miệt biển, với những căn nhà rộng, dài, cao ba, bốn tầng. Dãy ghe thuyền, ken chật khúc sông từ cầu Kinh Ba (đường Nam Sông Hậu) ra tới cửa sông Trần Đề từ tối hôm trước, đã nổ máy ra khơi tự lúc nào.

Khu vực quanh cảng cá chỉ còn khoảng ba, bốn chục chiếc ghe neo đậu cách xa nhau, có cả ghe đánh bắt cá cơm, giàn đèn công suất lớn của ngư dân Bình Thuận cùng những chiếc thuyền thúng úp sụp hai bên.

Vài phụ nữ đội nón lá cắm cúi trở bề cá khô trên giàn, vài người nữa mời khách qua đường mua mấy món hàng khô của họ bày bán gần đó. Cuộc sống êm trôi, nhường lại nhọc nhằn bão tố cho những người đàn ông đang lu bù với lưới với ghe ngoài biển xa.

Theo dòng hồi tưởng của ông Ba Thành - chủ đội tàu đánh bắt xa bờ ở ấp Cảng, thị trấn Trần Đề, hơn chục năm trước nhà cửa ở đây còn thưa lắm. Để gầy dựng khu thị tứ này, Nhà nước đã tiến hành cấp đất cho ngư dân.

Các chủ ghe, tàu đi biển được cấp mé trước, ven bờ Kinh Ba để tiện cho việc vận chuyển sản phẩm. Phần đất liền kề theo phía sau được cấp cho ngư phủ, chuyên làm công ăn chia sản phẩm với chủ ghe.

Vậy là khu dân cư miệt biển của ngư dân tứ xứ đổ về bám biển mưu sinh nhanh chóng định hình.

Rồi nghiệp đoàn đánh bắt hải sản - tổ chức nghề nghiệp của ngư dân - cũng ra đời. “Tiếng nói” của người đi biển không còn đơn lẻ nữa. Con cá, con tôm không lo bị ép giá. Dân mới đi ghe chưa có mối mang, đã có nghiệp đoàn hỗ trợ. Những ngư phủ bán sức lao động trên những ghe tàu có nơi tập trung để dễ bề thuê mướn...

“Trước đây người dân đi đánh bắt về nhà nào đậu ở phía sau nhà đó, vậy nên chuyện mua bán cũng tự bắt mối, tự định giá, “tự xử”. Còn bây giờ ghe vô chưa tới bờ đã gọi điện khắp nơi, giá cả, mối mang đã có sẵn hết trơn, thuận mua vừa bán. Khỏe ru” - một chủ ghe vừa tấp vào cảng để lên hàng phấn khởi cho hay.

Đổi thay trong cung cách mua bán là bước khởi đầu cho những cuộc làm ăn lớn. Tại ấp Cảng, có những chủ tàu đã dám đầu tư hàng chục tỉ đồng để đóng mới đội tàu 20 - 30 chiếc, toàn công suất lớn để ra xa bờ hơn.

Kèm theo đó là các dịch vụ hậu cần: thu mua sản phẩm, cung ứng nhiên liệu, lương thực, thực phẩm tận ngư trường để giảm chi phí đi lại, kéo dài thời gian khai thác trên biển cho ngư dân.

Lớp chủ tàu thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba cũng khó mà đếm xuể. Như gia đình anh Nguyễn Văn Na đi biển cha truyền con nối, đến nay anh đã sắm sửa được hai ghe đánh bắt xa bờ trị giá hơn 4 tỉ đồng, bỏ lại sau lưng cái thời đi ghe lưới quàng, đánh bắt ven bờ, năng suất chẳng bao nhiêu. “Nếu có tiền, tui sẽ tiếp tục đầu tư một cào đôi, cho bạn đi ăn chia” - anh Na cho hay.

Từ ngư phủ, ông Nguyễn Văn Thơ đã vươn lên làm chủ hai chiếc tàu cá đánh bắt xa bờ - Ảnh: Tấn Đức
Từ ngư phủ, ông Nguyễn Văn Thơ đã vươn lên làm chủ hai chiếc tàu cá đánh bắt xa bờ - Ảnh: Tấn Đức

Ước mơ đời ngư phủ

Ông Năm Thơ (59 tuổi), ở ấp Cảng, nhớ lại buổi đầu khởi nghiệp cách đây hơn 30 năm, bằng việc đi bạn cho tàu cá của người bác ruột.

“Thời đó ra biển không có máy định vị, cũng không có máy tầm ngư hay điện thoại di động như bây giờ, mà chủ yếu nhờ vào kinh nghiệm, có khi đi thì khí thế, về được một nhúm cá” - ông Năm Thơ kể.

Mấy ngày đầu ông bị sóng quật tả tơi, nhưng vẫn quyết bám trụ, chứ không thì vợ con ở nhà bị đói. Thấy ông say sóng, người bác đâm lo, định trả ông về đất liền, nhưng ông kiên quyết: “Say sóng không chết được đâu, bác đừng lo, cứ cho cháu theo học nghề”.

Dần dà ông trở thành ngư phủ, rồi tài công, thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm. Mỗi chuyến đi biển 2 - 3 tuần ông được chia bảy, tám trăm ngàn, có khi cả triệu đồng. Đó là số tiền rất lớn, vì lúc ấy tuy thiếu phương tiện nhưng nghề biển thường trúng đậm, cá bán cũng được giá hơn bây giờ.

Nhờ vậy, sau mười mấy năm đi bạn, ông Thơ đã tích lũy được hơn 30 lượng vàng, tách ra đóng cho riêng mình một chiếc ghe nhỏ. Rồi từ ghe chuyển lên tàu, trang thiết bị hiện đại hơn để vươn ra xa bờ.

Tích cóp dần, đến giờ trong tay ông đã có hai chiếc tàu lớn, mỗi chiếc trị giá hàng tỉ đồng, trang bị đầy đủ phương tiện hiện đại, một chiếc giao cho con trai, chiếc còn lại thuê tài công, bạn lưới, ông ngồi nhà điều khiển công việc từ xa qua điện thoại di động. Khi chúng tôi đang ngồi chuyện trò, người con trai của ông từ ngoài biển gọi về thông báo tình hình.

Nghe xong ông khoe: “Nó nói ở ngoải êm lắm, trúng luồng cá, sắp đầy ghe rồi, ít bữa nữa vô”. Câu chuyện từ ngư phủ trở thành chủ tàu của ông Năm Thơ được nhiều ngư dân ở cảng Trần Đề nhắc tới với lòng ngưỡng mộ.

“Dân làm nghề biển kiêng kỵ nhất là chuyện ngay trước lúc xuất hành, ai đó vui miệng chúc chuyến đi bình an, thuyền đầy ắp cá.

Nhưng trong thâm tâm chúng tôi luôn cầu mong cho “bà cậu” độ đi mau về mau, trúng đậm vài chuyến đặng còn sắm sửa ghe tàu để được đổi đời như ông Năm Thơ” - ông Út Hồng, một ngư phủ quê ở Chợ Gạo (Tiền Giang), nói.

Đó cũng là ước ao của nhiều ngư phủ đang ngồi trên sạp tàu trong khu neo đậu, chờ chia tiền sau chuyến ra khơi.

Họ là dân tứ xứ, từ Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau tới Quảng Ngãi, Bình Định... phần lớn tuổi đời còn khá trẻ, nhưng nhiều người đã có cả chục năm gắn bó với nghề.

Theo nhiều ngư phủ, bình quân mỗi chuyến đi biển chừng 20 ngày, trừ tiền dầu, tiền ăn, tiền nước đá ướp cá, mỗi người được chủ ghe chia khoảng 7 - 8 triệu đồng.

Nếu gặp luồng cá, thời gian đi biển rút ngắn còn phân nửa, trong khi thu nhập tăng gấp đôi, gấp ba. Bởi vậy, nghề đi bạn với những niềm vui bất ngờ, đôi khi lại có hấp lực thu hút cả ngàn lao động tìm về nơi cảng cá thuộc loại lớn nhất miệt Tây Nam bộ!

Chiều muộn, chuyến đò ngang từ cù lao Dung băng qua cửa biển Trần Đề, cặp bến sát bên cảng cá, khiến thị tứ nơi cửa biển càng trở nên rộn rịp hơn.

Vùng đất một thời mang tên Kinh Ba - Bãi Giá (nơi mọc nhiều cây giá), gợi tưởng sự xa xôi, cách trở đang đổi thay từng ngày kể từ khi có cảng cá Trần Đề, có quốc lộ 91C (đường Nam Sông Hậu) thênh thang chạy qua.

Thị trấn Trần Đề hiện có gần 400 tàu khai thác hải sản, tập trung ở ấp Cảng, trong đó 263 chiếc đánh bắt xa bờ (công suất 250 CV trở lên), mỗi năm thu về khoảng 30.000 tấn sản phẩm.

“Đa số hộ gia đình sống bằng nghề biển ở đây kinh tế khá ổn định, nhưng việc đánh bắt xem ra ngày càng đòi hỏi sự đầu tư lớn hơn, bởi đánh bắt theo kinh nghiệm dân gian, đánh bắt gần bờ không còn trúng như trước đây” - ông Trần Văn Niên cho hay.

______________

Kỳ tới: Sống nơi miệng rồng

TẤN ĐỨC - YẾN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên