TTCT - Thông tin không còn được cấp thuốc ARV miễn phí như trước đây khiến nhiều người nhiễm HIV/AIDS lo lắng. Người lo không có tiền mua bảo hiểm y tế, người có bảo hiểm y tế lại không muốn về địa phương điều trị vì sợ người khác biết mình mắc bệnh… Minh họa: DAD Một buổi chiều, chị N.T.A.L., 38 tuổi, ngụ ở H.Bình Chánh, TP.HCM, dẫn theo con gái 6 tuổi đến khoa tham vấn hỗ trợ cộng đồng Q.8 (Trung tâm Y tế dự phòng Q.8) để lãnh thuốc ARV. Nghe nhân viên của khoa nói sắp tới chị không còn được cấp thuốc miễn phí như trước mà phải mua bảo hiểm y tế (BHYT) mới được lãnh thuốc, chị lo lắng tột độ. Không giấy tờ tùy thân Chị L. kể từ ngày cha chị mất, sau đó mẹ bỏ đi lấy chồng, chị đã trở thành trẻ lang thang. Hàng chục năm nay, chị không có giấy tờ tùy thân nào. Chị chở con đến UBND xã xin cấp các giấy tờ liên quan để làm thẻ BHYT, nhưng cán bộ nói không được vì chị không có giấy tờ gì, cũng không có ai đứng ra bảo lãnh. “Nhiều đêm tôi cứ nằm suy nghĩ: nếu không được cấp thuốc chắc tôi sẽ không sống được bao lâu nữa, không biết con gái tôi sẽ ra sao? Tôi chỉ sợ nếu mình ra đi sớm, cuộc đời của con tôi sẽ giống như tôi ngày xưa. Không có người thân chăm sóc, lại thành trẻ bụi đời, hút chích, làm gái và nhiễm HIV...” - chị L. bật khóc. Giờ hai mẹ con chị L. ở trong một cái chòi tại ấp 4, xã Bình Hưng, H.Bình Chánh. Cái chòi này chị tự làm cho hai mẹ con che nắng che mưa trên miếng đất đang bỏ trống. Một người dân gần đó thương hoàn cảnh của hai mẹ con đã thuê chị giúp việc nhà một tuần hai ngày. Nhiều người quanh đó cũng cho hai mẹ con chị gạo, thức ăn... Ước mong duy nhất của chị L. là được nhận thuốc ARV đều đặn như trước. Với chị, thuốc ARV cực kỳ quan trọng vì chỉ uống thuốc đều đặn chị mới có sức khỏe để nuôi con lớn. Cuộc sống đã quá khó khăn, chị không còn cách nào để có tiền mua thuốc. Ông V.V.L., 48 tuổi, ngụ ở Q.8, phát hiện mình nhiễm HIV từ 9 năm nay, cũng đang nhận thuốc ARV tại khoa tham vấn hỗ trợ cộng đồng Q.8. Ông L. chạy xe ôm nên có thể mua BHYT cho mình để được lãnh thuốc ARV. Tuy nhiên, khi ra UBND phường hỏi mua BHYT, ông nhận được câu trả lời: phải mua cho cả hộ gia đình. Với một gia đình đông anh chị em, con, cháu như gia đình ông, ông không thể kham được việc mua cho mọi người. Ông L. vì vậy chỉ hy vọng các cơ quan chức năng sẽ "xem xét" cho những trường hợp như ông để người nhiễm HIV có thể mua BHYT cho riêng họ mà không cần phải mua cho cả hộ gia đình. Còn ông N.V.T., 42 tuổi, cũng đến nhận thuốc tại khoa tham vấn hỗ trợ cộng đồng Q.8, kể vợ chồng ông cùng bị nhiễm HIV và đang nuôi một đứa con đi học, rất vất vả. “Nếu Nhà nước buộc phải mua thuốc để trị bệnh hoặc phải mua BHYT mới được phát thuốc thì chúng tôi không có khả năng” - ông T. nói. Lo khoản “cùng chi trả” Trần Thị Huệ là người nhiễm HIV khá nổi tiếng bởi chị là “hoa hậu” của cuộc thi “Dấu cộng duyên dáng”, cuộc thi dành riêng cho các chị em nhiễm HIV tổ chức năm 2010. Sau cuộc thi, Huệ rời quê nhà Hà Nam, cùng hai con trai đến Hà Nội sinh sống và được nhận vào làm việc ở Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng. Tiền lương của Huệ giờ dành cho ba việc: thuê nhà, tiền học của hai con và tiền ăn uống, sinh hoạt của gia đình. “Ngày thứ bảy, chủ nhật được nghỉ tôi cũng muốn đi làm kiếm thêm chút thu nhập. Tôi từng đi dạy thêm cho các cháu bị tự kỷ nhưng nếu đi dạy thì 9h tối mới về nhà, lúc ấy mẹ con mới nấu thức ăn để ăn tối, quá vất vả cho các cháu” - Huệ tâm sự. Hiện Huệ và con trai thứ hai đang điều trị thuốc kháng virút ARV tại Bệnh viện Bạch Mai, với các chi phí cho thuốc, xét nghiệm đều do các dự án quốc tế chi trả. Con trai đầu của chị, năm nay 15 tuổi, bị câm điếc nên chi phí cho học hành cũng tốn kém. Vì thế, Huệ lo khi dự án hỗ trợ quốc tế rút đi, bệnh nhân HIV sẽ nhận thuốc từ BHYT, mẹ con chị sẽ gặp khó với khoản cùng chi trả cho Quỹ BHYT. “Tôi cũng chưa biết khoản cùng chi trả ấy là bao nhiêu, nhưng vài trăm ngàn mỗi tháng cũng rất khó khăn với mẹ con tôi rồi. Với người có HIV đang sống ở nông thôn hoặc không có việc làm ổn định còn khó khăn hơn nữa” - Huệ nói. Có BHYT nhưng không dám sử dụng Trong khi nhiều bệnh nhân nhiễm HIV mong muốn có BHYT để lãnh thuốc ARV thì không ít bệnh nhân nhiễm HIV đã có BHYT lại ngại sử dụng ở cơ sở y tế địa phương vì sợ bị lộ thông tin nhiễm HIV. Bị nhiễm HIV 6 năm nay từ chồng, chị N.V.T., 42 tuổi, ở Đồng Tháp, kể nhiều năm qua chị thường đón xe từ Đồng Tháp lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM để khám, lãnh thuốc ARV. Từ khi vợ chồng chị phát hiện bị bệnh đến nay chỉ có anh chị em ruột và cha mẹ bên nội, bên ngoại biết, con gái lớn của chị đang học cấp III chị không cho biết, sợ ảnh hưởng tâm lý cháu. Cuối năm 2016, nhân viên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tư vấn cho chị mua BHYT để điều trị bệnh cho đỡ tốn kém. Chị đã về địa phương mua BHYT với hi vọng được sử dụng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, nếu về tỉnh chị không sử dụng vì sợ mọi người phát hiện mắc bệnh, ảnh hưởng đến việc kinh doanh và hai đứa con đang đi học. Nhưng mới đây Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thông báo thẻ BHYT của chị không được trực tiếp khám và lãnh thuốc tại bệnh viện như trước mà phải đi theo tuyến, nên chị đã ra phòng mạch tư tại TP.HCM khám và mua thuốc uống. Mỗi tháng cả tiền khám và tiền thuốc chị T. tốn khoảng 1 triệu đồng. Còn với chị V.V.H., 39 tuổi, một cô giáo cấp II ở Cần Thơ, sau khi được bác sĩ ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thông báo những bệnh nhân như chị sẽ được chuyển về địa phương điều trị, chị đã khóc như mưa. “Mắc bệnh HIV 8 năm và điều trị thuốc ARV 6 năm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, giờ nhận được thông tin này tôi không biết sắp tới sẽ phải như thế nào?” - chị H. lo lắng và cho biết nếu sử dụng thẻ BHYT khám, lãnh thuốc ARV tại địa phương thì trước sau gì cũng rò rỉ thông tin ở trường học đó có một cô giáo bị nhiễm HIV. Lúc đó, chị chỉ còn cách nghỉ việc chứ không còn mặt mũi nào mà đứng lớp.■ Theo khảo sát của Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (Hà Nội), khoảng 10-15% người nhiễm HIV không có đủ các giấy tờ tùy thân để tham gia BHYT; dưới 1/3 người có HIV đang điều trị bằng thuốc ARV sẵn sàng lộ danh tính khi điều trị, còn lại đang rất e ngại, họ sợ tình trạng nhiễm HIV của mình ảnh hưởng đến gia đình, người thân, sợ bị mất việc… Tags: HIVAIDSNhiễm HIVNgười nhiễm HIVNỗi lo mới
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Nga tuyên bố có quyền đưa tên lửa Oreshnik đến châu Á để đối phó Mỹ NGHI VŨ 25/11/2024 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga có thể triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phản ứng với các hành động của Mỹ.
Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trào dâng cảm xúc người lính DUY LINH 25/11/2024 Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, người từng là phi công tiêm kích rồi tư lệnh không quân, đã dừng hồi lâu trước chiếc MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.