Ông Sánh (phải) và ông Tấn là hai thợ hồ của Ban GSĐTCĐ xã Cẩm Kim, TP Hội An (Quảng Nam) đã phát hiện nhiều đơn vị thi công gian dối - Ảnh: Đoàn Cường |
Họ như những “cảnh sát” phát hiện, ngăn chặn các hành vi thi công gian dối, “rút ruột” công trình.
Nhiều vụ việc nhờ các thành viên này “tuýt còi” mà chính quyền địa phương xử lý kịp thời.
Những công trình có ban giám sát đầu tư cộng đồng thường xuyên giám sát từng bao ximăng, từng nắm cát rất thiết thực. Việc giám sát này đặc biệt hiệu quả trong phòng chống kiểu làm ăn gian dối, tham nhũng, rút ruột công trình |
Ông Phan Việt Cường (trưởng Ban nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam) |
Những bác thợ hồ
Chiều cuối tháng 11, trời âm u. Bốn thành viên của Ban giám sát đầu tư cộng đồng (GSĐTCĐ) xã Cẩm Kim, TP Hội An có mặt tại điểm đổ bêtông của con đường liên thôn.
Ông Võ Quốc Thế - chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Cẩm Kim - lên tiếng: “Trời này sẽ mưa chừ, các anh tạm dừng việc đổ bêtông, sáng mai trời khô ráo rồi làm lại”.
Ngay sau đó, các công nhân dừng việc đổ bêtông, dựng bảng phong tỏa đoạn mới đổ. Đó chỉ là một trong chín công trình mà Ban GSĐTCĐ của xã này đang thực hiện việc giám sát.
Điều thú vị là trong số bảy thành viên, ngoài ông Thế chịu trách nhiệm chỉ đạo, số còn lại đều là... thợ hồ. “Là thợ hồ nhưng tay nghề anh em đều ngon lành, có kinh nghiệm nên đừng xem thường nghe” - ông Thế nói.
Nhờ những thợ hồ này mà tháng 10 vừa qua khi đơn vị thi công công trình nạo vét cống làng nghề truyền thống Kim Bồng, nâng cấp cầu tàu Cẩm Kim làm ăn bầy hầy khi chuẩn bị bàn giao thì bị “tuýt còi”.
Ông Trương Văn Sánh với 15 năm kinh nghiệm thợ hồ chia sẻ: “Chúng tôi kiểm tra phát hiện tám trụ bêtông của cầu tàu bị nứt, không đảm bảo chất lượng. Đáng lý họ phải làm những lỗ to để đút vừa ống sắt, nhưng họ làm nhỏ, sau đó đục cho vừa nên bêtông nứt. Ban liền đề nghị với UBND xã phải có ý kiến với chủ đầu tư”.
Và ngay sau đó, chủ đầu tư là Phòng đô thị TP Hội An đã yêu cầu đơn vị thi công đập tám trụ bêtông và đổ lại theo đúng tiêu chuẩn.
Ông Sánh nói thêm: “Là dân thợ hồ nên nhìn vào cách trộn, đổ bêtông là biết nghề liền. Có lần công nhân đổ bêtông đường liên thôn, theo thiết kế dày 24cm, nhưng họ “chơi chiêu” hai bên đường đo đúng 24cm, còn giữa tim đường họ độn đất lên để rút ruột ximăng. Tụi tôi nói ngay là dẹp mấy trò tiểu xảo ấy đi, tụi tôi đứng ra xây được nhà 3-4 tầng chứ đường này nhằm nhò gì...”.
Ông Lê Trung Tấn cũng có sáu năm làm thợ hồ, tự hào nói: “Khi giám sát việc xây dựng trường tiểu học của xã, tụi tui nói mấy anh làm chi thì làm, nhìn mác bêtông là biết chất lượng hay không chất lượng”.
Ông Tấn cho biết thêm: “Nghề dạy chúng tôi rằng càng có mặt giám sát trực tiếp ở công trình thì chất lượng càng cao”.
Ông Thế cho biết để thực hiện việc giám sát, ban đã tự sắm ba máy ảnh nhằm ghi hình hiện trường làm bằng chứng. Cùng với đó, khi làm các công trình qua địa bàn nào, ban lại xuống cài cắm tai mắt ở người dân, có gì bất thường họ sẽ điện vào đường dây nóng của ban.
Tuy nhiên, nhiều khi cũng phải tham vấn thêm bạn bè, các kỹ sư khi giám sát việc thi công có đúng thiết kế không.
Tương tự, ông Hà Văn Phước - chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Sơn Phong (TP Hội An) - cho biết ban GSĐTCĐ có tổ giám sát tại các tổ với 5-7 người từ thợ hồ, kỹ sư thảm nhựa, xây dựng đã nghỉ hưu...
“Khi phát hiện công trình có vấn đề, lập tức ban sẽ đề nghị chính quyền hoặc HĐND vào cuộc” - ông Phước cho hay.
Nhân rộng cho khu vực
Ông Lê Chơi - chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP Hội An - cho biết tất cả xã, phường trên địa bàn TP Hội An đều có ban GSĐTCĐ. Thành viên của ban do dân bầu ra, họ là những người có chuyên môn về một lĩnh vực nhất định, có tinh thần trách nhiệm, công tâm, tự nguyện....
Họ sẽ giám sát các công trình đầu tư có vốn nhà nước ở địa bàn của mình từ giai đoạn đầu thiết kế cho đến khi hoàn thành. Nếu phát hiện sai phạm, ban GSĐTCĐ thông báo với UBND địa phương để làm việc với chủ đầu tư, hoặc kiến nghị lên Ủy ban MTTQ cấp trên hay HĐND để có biện pháp xử lý.
Theo ông Chơi, để tăng “sức nặng” cho các ban này, UBND TP Hội An đã chỉ đạo khi quyết toán công trình phải có chữ ký của ban GSĐTCĐ.
Đề án tăng cường năng lực giám sát của ban GSĐTCĐ do Thanh tra tỉnh Quảng Nam xây dựng và được Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Thế giới chọn thí điểm tại sáu huyện, TP của tỉnh Quảng Nam với 95 ban GSĐTCĐ (hơn 500 thành viên). Đề án được thí điểm năm 2013-2014.
Theo đó, Thanh tra tỉnh Quảng Nam phối hợp cùng Ủy ban MTTQ VN tỉnh hỗ trợ hoạt động GSĐTCĐ. Thanh tra sẽ tập huấn các nghiệp vụ giám sát cho người dân, tư vấn các vấn đề pháp lý... Ban GSĐTCĐ sẽ phát hiện, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý các vi phạm về quản lý đầu tư gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản nhà nước...
Ông Đặng Phong - chánh Thanh tra tỉnh Quảng Nam - cho biết: “Với hiệu quả hoạt động của các ban GSĐTCĐ, chúng tôi đang kiến nghị với Thanh tra Chính phủ tiếp tục nhân rộng mô hình này trên địa bàn toàn tỉnh trong năm 2015.
Không chỉ vậy, trong cuộc làm việc với Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Thế giới vừa qua, nhận thấy đề án hiệu quả nên Ngân hàng Thế giới gợi ý tổ chức hội thảo khu vực miền Trung để nhân rộng ra một số tỉnh, thành khác”.
“Tuýt còi” nhiều công trình Theo Thanh tra tỉnh Quảng Nam, thời gian qua các ban GSĐTCĐ đã kịp thời phát hiện nhiều sai phạm trong các công trình thi công tại địa bàn. Điển hình, Ban GSĐTCĐ xã Tam Dân (huyện Phú Ninh) phát hiện các công trình Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, Trường mẫu giáo Ánh Hồng có sai phạm là cửa gỗ có tạp chất, không đúng chủng loại, cát tô nhiễm mặn không đảm bảo chất lượng. Ban GSĐTCĐ xã Tam Nghĩa (huyện Núi Thành) phát hiện công trình trạm y tế xã thi công phần móng không đúng thiết kế, thi công kéo dài. Ban GSĐTCĐ P.Sơn Phong (TP Hội An) phát hiện bảy công trình có sai phạm. Ban GSĐTCĐ P.Tân An (TP Hội An) giám sát công trình xây dựng chợ Tân An (2,6 tỉ đồng) phát hiện bêtông phần nền không đúng thiết kế... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận