26/11/2016 08:00 GMT+7

Đội cứu người nhảy cầu Sài Gòn

MINH PHƯỢNG - TÂM ĐỨC (minhphuong@tuoitre.com.vn)
MINH PHƯỢNG - TÂM ĐỨC ([email protected])

TTO - Đội điều tiết cầu Sài Gòn 3 có ba trạm đóng ở thượng lưu, hạ lưu và trạm trung tâm đóng ngay dưới chân cầu Sài Gòn.

Anh em đội điều tiết cầu Sài Gòn 3 đang kéo, vớt một xác trôi sông - Ảnh: TÂM ĐỨC
Anh em đội điều tiết cầu Sài Gòn 3 đang kéo, vớt một xác trôi sông - Ảnh: TÂM ĐỨC

“Cứu người nhảy cầu, vớt xác không phải là công việc chính của tụi tôi, nhưng vì cái tâm nên anh em không nề hà chi” - những nhân viên đội điều tiết cầu Sài Gòn 3 của Cảng vụ đường thủy nội địa TP.HCM (thuộc Sở GTVT TP.HCM) mở đầu câu chuyện như vậy.

Đội điều tiết cầu Sài Gòn 3 có ba trạm đóng ở thượng lưu, hạ lưu và trạm trung tâm đóng ngay dưới chân cầu Sài Gòn.

Anh em về công tác tại đây từ năm 2012, với nhiệm vụ trực điều tiết, khống chế, đảm bảo giao thông đường thủy, phục vụ cho công trình đang xây dựng là cầu metro vượt sông Sài Gòn.

Công việc này đòi hỏi họ phải trực 24/7, bất kể ngày hay đêm. Cũng nhờ đó, họ thường là những người phát hiện những vụ nhảy cầu để tức tốc lao canô ra cứu.

Anh Trần Hiếu Thảo (39 tuổi), chỉ huy trưởng của đội điều tiết cầu Sài Gòn 3, cho biết: “Anh em trong đội đã cứu rất nhiều trường hợp nhảy cầu tự tử, nhất là vào ban đêm.

Đêm tối, việc phát hiện có người nhảy cầu đã khó khăn, việc di chuyển phương tiện ra ứng cứu nhanh nhất, an toàn nhất cũng lắm vất vả.

Nhưng gặp bất cứ trường hợp nào, anh em không bao giờ chần chừ dù chỉ một giây, vì cứu sống một mạng người là phước đức rất lớn”.

Mọi người trong đội bảo nhớ như in trường hợp cứu một cô bé tầm tuổi học sinh THPT. Anh Đặng Anh Nhật (25 tuổi), nhân viên ở trạm trung tâm, cũng là người trực tiếp cứu cô bé, nhớ lại: Khi đó tầm 12g đêm một ngày tháng 5-2015, quán xá trên bờ đã đóng cửa hết.

Nước trên sông Sài Gòn xuống rất thấp. Mọi người chuẩn bị nghỉ ngơi thì bất chợt có tiếng la. Anh Nhật cùng một đồng nghiệp vội vàng chạy ra mũi sà lan (cũng là trạm nổi để anh em làm việc).

Dù ánh đèn sáng mờ nhưng anh em phát hiện ở mép bờ sông Sài Gòn phía Q.2 có một cô bé đã bị nước, sình ngập tới cổ. Chỉ bước thêm một, hai bước nữa là cô bé ấy sẽ chìm nghỉm. Nước cạn trơ sình nên anh em loay hoay rất vất vả.

May mắn phần đuôi canô vẫn còn nhấp nhô được một phần trong nước, cả hai vừa xuống canô, vừa ra sức thuyết phục cô bé không được bước ra xa. Cùng lúc ấy, trên bờ có một đám thanh niên đang hô hào, la ó đòi đuổi theo cô bé.

“Cô bé rất hoảng loạn, ánh mắt sợ hãi. Ban đầu, cô bé cứ nghĩ tôi là người trong nhóm thanh niên nên càng hoảng loạn. Lúc đó, tôi liền nhảy xuống ẵm lên và dùng mọi cách đuổi đám thanh niên kia đi” - anh Nhật cho biết.

Cô bé được cứu lên bờ, lúc ấy trên người có nhiều vết bầm, xước không rõ do bị đánh hay bị sây sát trong lúc giằng co với đám thanh niên.

Khi công an phường đến làm việc, cô bé cho biết nhà ở Q.Bình Thạnh, cha mẹ đi xa, sống với người cậu.

Tối hôm đó, em đi sinh nhật bạn thì bạn trai ghen tuông, sau đó ép đi khách sạn. Đám thanh niên kia là bạn của người bạn trai.

Cô bé chống trả nhưng không thể chống lại đông người như thế, cùng đường đã quyết định nhảy xuống sông tự tử. Nhờ những nhân viên của đội điều tiết trên sông này, cô bé đã được về nhà an toàn.

Rất nhiều người tự tử vì những lý do khác nhau, nhưng sau khi được nhân viên đội điều tiết cầu Sài Gòn 3 cứu, được phân tích, khuyên nhủ, họ biết trân quý cuộc sống và bình tĩnh để vượt qua những khó khăn và quay trở lại cảm ơn các thành viên trong đội.

MINH PHƯỢNG - TÂM ĐỨC ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên