Việc bị buộc thôi làm vì vi phạm quy định sẽ ảnh hưởng nhiều đến cơ hội tìm việc mới của nhiều lao động (ảnh chụp một công ty tại Q.Bình Tân đăng tuyển lao động) - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Mọi hang cùng ngõ hẻm cạnh các khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) thuộc những thành phố lớn như TP.HCM, Đồng Nai hay Bình Dương hiện có hàng triệu công nhân ngày đêm với kế sinh nhai.
"Di chứng" nặng nề nhất mà cơn đại dịch COVID-19 để lại hiện rõ ở những xóm trọ công nhân vốn đông đúc, ồn ào của những tháng ngày trước...
Trả phòng tăng dần
Giữa tháng 7 trời hanh nắng, chúng tôi có dịp rảo quanh các khu trọ vốn là nơi ở của hàng triệu công nhân khắp TP. Khác xa hình ảnh đông đúc trước kia, những dãy trọ nay cứ đóng kín cửa cả ngày lẫn đêm. Bà Nguyễn Thị Lan (38 tuổi), quản lý dãy trọ trên đường Nguyễn Cửu Phú (Q.Bình Tân, TP.HCM), kể lại thời gian trước dãy trọ luôn kín người, không còn phòng trống.
Buổi tối một dãy trọ trên đường Lê Văn Phan (Q.Tân Phú, TP.HCM) lại không có nhiều phòng sáng đèn - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Một dãy trọ trên phường Hòa Lợi (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) vắng hoe người ở sau đợt dịch - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Tuy nhiên vào tháng trước có 3 nhóm công nhân xin trả lại phòng về quê. Tháng này lại tiếp tục có thêm 5 phòng trả, cũng toàn của công nhân vì thất nghiệp. "Nghe phong thanh là phòng 102, 103, rồi 204 cũng đang bàn chuyện trả phòng về quê nữa đó. Ai cũng than lương thấp, mất việc quá trời", bà Lan rầu rĩ kể.
Trường hợp ở dãy trọ của bà Lan không là ngoại lệ, khi hiện nay không ít xóm trọ công nhân ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương cũng ngày càng vơi dần đi.
Ông Trần Dương (51 tuổi), chủ dãy trọ ở P.Hòa Lợi (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương), cũng cho biết từ tháng 5 đến nay, lượng phòng trống tăng dần. "Tháng 5 có 2 phòng trả. Tháng 6 có thêm 3 phòng trống. Tháng 7 này cũng có thêm mấy người báo sẽ trả nữa", ông Dương kể.
Đưa tay dọc khắp các khu trọ trên đường Sinco (P.An Lạc, Q.Bình Tân), Tấn Công (27 tuổi) nói trước đó là nơi trọ tập trung của không chỉ riêng công ty anh mà còn là của hàng ngàn công nhân Công ty PouYuen (Q.Bình Tân). Nhưng gần một tháng nay, có dãy trọ 15 phòng nhưng hơn phân nửa là trống.
"Nghe chủ trọ kể nhiều công nhân xin khất tiền trọ vì thất nghiệp buộc phải về quê, bảo giữ lại phòng, sau khi hết dịch sẽ vào lại và thanh toán nhưng sau đó gọi điện xin lỗi phải trả phòng vì không biết khi nào sẽ vào hay có người còn xác định ở luôn dưới quê" - Tấn Công nói.
Nhịn ăn vẫn... nợ
Theo tìm hiểu, hiện nay nhiều công ty trong nhiều lĩnh vực như: giày dép, thủy sản, điện tử... rơi vào cảnh không có đơn đặt hàng nên buộc phải cắt giảm từ 1/3 đến 1/2 tổng thời gian làm của công nhân.
Bạn Thúy Hằng (22 tuổi, quê ở Sóc Trăng, công nhân giày da trên Q.Bình Tân) chia sẻ nếu như trước đây lượng hàng ổn định, công nhân thậm chí có thể tăng ca thì nay phải làm một tuần nghỉ một tuần. Từ đó thu nhập của Hằng cũng chỉ còn chưa đến phân nửa, khiến cuộc sống trở nên đầy bấp bênh.
Cả gia đình gồm vợ chồng, con trai, con gái và con dâu đều làm công nhân ở Q. Bình Tân khiến gia cảnh bà Châu Thị Hồng Hoa (39 tuổi) vốn chật vật nay càng túng thiếu hơn.
Tâm sự bên hành lang khu trọ vắng, bà Hoa nói: "Khi ổn định thì thu nhập của cả gia đình cũng đủ trang trải chi tiêu, có tháng còn cất được một khoản phòng ốm đau. Nhưng mấy tháng nay cũng lao đao, vì thu nhập giảm nhiều nên ăn uống cũng phải dè sẻn, tằn tiện. Lâu rồi đâu có ăn bữa thịt nào".
Với Lê Thị Tuyết Lan (27 tuổi, quê ở Tiền Giang, công nhân điện tử ở Q.9), vì các đơn hàng của công ty chỉ chưa bằng phân nửa trước thời điểm dịch COVID-19 nên thu nhập tháng cũng giảm hơn nửa. "Lâu lâu mới có được bữa thịt, cá chứ các ngày toàn chỉ nấu qua loa ăn vội cho qua bữa", Lan kể.
Nhưng trường hợp như bà Hoa hay Lan vẫn còn đỡ hơn nhiều so với những lần "ăn cơm nợ" mà bà Huỳnh Thị Ly (47 tuổi), chủ quán cơm gần KCN VSIP2 mở rộng, kể. Bà Ly cho biết khu này bình thường rất đông vui, thế nhưng vì có nhiều công nhân về quê nên đường sá mấy tháng nay cứ "im hơi lặng tiếng".
Mọi người chỉ ra đường khi cần hoặc có ai đó đến dán thông báo tuyển dụng. "Vừa mới hôm qua có đứa đến ăn rồi "kể khổ" xin nợ tiền cơm. Mà không chỉ một đứa, nhiều đứa lắm. Cũng không phải nợ một hai bữa ăn, có đứa nợ cả tuần. Ăn cơm nợ một thời gian rồi cũng không dám quay lại. Chắc là vì chưa có tiền trả, nghĩ thương ghê lắm" - bà Ly kể.
Trải qua hai tháng thất nghiệp vì bị công ty cho nghỉ việc, anh Nguyễn Văn Hưng (28 tuổi, quê ở Vĩnh Long, trọ đường Linh Trung, Q.Thủ Đức) nói đầy ám ảnh bởi cuộc sống chật vật những tháng qua.
"Ngay cả khi mọi thứ bình thường, cuộc sống tôi vẫn cứ bị xáo trộn. Cũng chỉ mới xin lại việc làm cho một công ty may được hai tuần, chưa có lương nên mấy nay cũng mượn tiền bạn bè, người thân để "cầm cự". Tiền nhà trọ thì khất đến... tháng thứ ba rồi. Ăn mì gói, uống nước cầm hơi để đi làm chứ có dám ăn gì hơn đâu", anh Hưng thở dài.
Theo anh Hưng, đã có vài người bạn cùng quê, ở cùng dãy trọ, vì không thể chịu nổi cuộc sống thất nghiệp, kham khổ nên quyết định về quê kiếm kế sinh nhai khác. "Nhưng tôi thì ở lại làm, cứ cố gắng thôi. Đời công nhân mà, làm ở đâu cũng vậy, cũng phải chịu khổ. Hi vọng những tháng sau cuộc sống đỡ cực hơn", anh Hưng trải lòng.
Vi phạm nội quy là... "ra đi"
Sau dịch COVID-19, nhiều công ty cắt giảm nhân sự khiến không ít công nhân lao đao. Trước đây, vi phạm nội quy công ty thì mức phạt từ nhẹ đến nặng. Nhưng nay, ở nhiều nơi, hễ vi phạm nội quy công ty là thất nghiệp.
Như mới đây, Vũ Huỳnh Nhân (28 tuổi, quê ở H.Hớn Quản, Bình Phước), làm công ty giày T.D (Bình Dương), bị đuổi việc vì hút thuốc trong giờ làm việc. Từ một người có công ăn việc làm ổn định với mức lương hơn 7 triệu đồng/ tháng, Nhân giờ thất nghiệp.
Quản lý của một công ty giày ở H.Trảng Bom (Đồng Nai) cũng thông tin, công ty vừa rồi tăng việc áp dụng hình thức đuổi việc nhân viên nếu vi phạm các nội quy: sử dụng điện thoại, hút thuốc, lén ngủ... trong giờ làm việc.
Kỳ tới: Luẩn quẩn trong vòng xoáy nợ nần
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận