Những cặp đôi… xui xẻo và may mắn
Ngày 14-11, báo Newsweek đưa tin: Một cặp chim cánh cụt châu Phi chân đen (Spheniscus demersus), đồng tính, đã giở trò trộm trứng từ một đôi vợ chồng (dị tính), để có thể cũng được… ấp trứng như ai kia.
Chuyện xảy ra ở vườn thú Dierenpark Amersfoort, ở tỉnh Utrecht, Hà Lan, và vườn thú cũng đã đăng bài về cặp đôi ấy trên mạng xã hội Twitter. Lạ sao, trong khi việc trộm con non ở các loài luôn bị phản đối, thì dân mạng lại rào rào khen ngợi và cổ vũ cho hai gã chim cánh cụt trống táo bạo nọ.
"Cặp vợ chồng đồng tính ấy đang thay nhau ấp trứng, và chăm sóc trứng rất tốt." - người quản lý vườn thú Marc Belt nói với Dutch News.
Trước đó, đã có một số cặp chim cánh cụt đồng tính từng nhận ấp trứng do sở thú cung cấp, thay vì chủ động trộm trứng như hai gã kia ở Hà Lan.
Trong đó, nổi tiếng nhất là đôi chim cánh cụt trống tên Silo và Roy, thuộc loài Chinstrap (Pygoscelis antarcticus), sống ở sở thú Central Park, New York, Hoa Kỳ. Cả hai đã nhận trứng và ấp nở vào năm 2004, sau đó cùng nuôi chim cánh cụt con tên Tango. Gia đình chúng đã truyền cảm hứng cho cuốn sách thiếu nhi "And Tango Makes Three" (nhà xuất bản Simon & Schuster, năm 2005), và sách đã được trao giải thưởng của dự án Rainbow.
Tiếc là sau sáu năm cặp bồ với nhau, cuộc sống lứa đôi của Silo và Roy đã lụi tàn ngay trong năm 2005, váo lúc câu chuyện “Bộ Ba” được kể trong sách ấy. Năm đó, Silo đã bỏ Roy để theo đuổi một ả chim cánh cụt tên Scrappy. Sau đó, Roy được sở thú chuyển tới một cơ sở khác.
Bên Đức, sở thú Berlin từng chủ động… ghép cặp Skipper và Ping - hai gã chim cánh cụt Hoàng đế (loài Aptenodytes patagonicus). Hồi tháng 8 năm nay, cả hai gã đã làm tổ, rồi cố gắng ấp… một số “vật thể” khác nhau, như một… tảng đá ướt, hay một… con cá nhầy nhụa. Dĩ nhiên đó là những “vật không thể nở", nên sở thú đã cung cấp cho chúng một quả trứng bị một con chim cánh cụt mái 22 tuổi bỏ rơi.
Bất chấp nỗ lực thay nhau ấp trứng của Skipper và Ping, cuối cùng quả trứng không được thụ tinh của chúng đã “nổ tung” vào ngày 2 tháng 9 năm nay, theo trang tin Đức The Local.
Trước đó, hôm 27 tháng 6 năm 2019, CNN cũng đưa tin: Sở thú ZSL London bên nước Anh đã tổ chức lễ kỷ niệm “mối tình lâu năm” của Ronnie và Reggie, kèm theo biểu ngữ ghi rằng “Một số chim cánh cụt là đồng tính. Hãy vượt qua nó.”
Sở thú này có 93 chim cánh cụt Nam Mỹ Humboldt (Spheniscus humboldti), trong đó có cặp vợ chồng đồng tính gồm hai gã Ronnie và Reggie.
Ronnie và Reggie quen nhau vào năm 2014. Một năm sau, chúng nhận ấp một quả trứng đã bị một cặp vợ chồng (trống và mái) cùng loài Humboldt bỏ rơi. Chúng cũng thay nhau ấp nở, và cùng chia sẻ việc nuôi dạy con non, tên Kyton, cho tới khi nó trưởng thành và rời tổ.
Một "cặp đôi quyền lực"
Tới tháng 11 năm nay, thêm một đôi chim cánh cụt được nhiều báo, đài khắp thế giới nhắc tới và ca ngợi như một… "cặp đôi quyền lực": Sphen và Magic, ở Thủy cung Sinh vật biển Sydney, bên Úc.
Magic, ba tuổi, sinh ra ở Thuỷ cung Melbourne. Sphen, sáu tuổi, đến từ SeaWorld, cao hơn và có mỏ lớn hơn, đằm tính hơn và ít quan tâm tới các món đồ chơi và con người. Cả hai đều là chim cánh cụt trống, thuộc loài Gentoo (Pygoscelis papua).
Khi chuẩn bị xây tổ, chúng bắt đầu tìm nhặt đá để “ấp trứng". Nhân viên Thuỷ cung được phép chuyển cho chúng một quả trứng. Trứng ấy do một cặp chim cánh cụt khác bỏ rơi, vì có tới hai trứng trong tổ, và gặp khó khăn trong việc ấp cả hai trứng.
Khi nhận được trứng, Sphen và Magic thay nhau ấp, mỗi lần kéo dài tới 28 ngày liền. Tới tháng 10i năm nay, trứng nở. Chim cánh cụt con được mang tên Sphengic, là trường hợp duy nhất được ấp nở thành công trong tất cả các trứng của quần thể 33 chim cánh cụt ở Thuỷ cung Sidney năm nay.
Lúc đó, nước Úc vừa trải qua một cuộc tranh cãi đầy cay đắng về việc liệu hôn nhân cùng giới tính (ở loài người) có phải là hợp pháp, ngay cả từ phía giáo luật của một số tôn giáo. Bởi vậy, hai gã chim cánh cụt ấy bỗng nhiên trở thành một "biểu tượng lớn" ở Úc.
Chim cánh cụt không phải là loài chim duy nhất có loại quan hệ đồng tính luyến ái. Theo Live Science, có hơn 130 loài chim cũng có hành vi đồng tính luyến ái, gồm cả các nghi thức tán tỉnh phức tạp, tiếp xúc bộ phận sinh dục, và thậm chí làm tổ với nhau trong nhiều năm.
Với chim cánh cụt, chế độ “một vợ một chồng”, dù là dị tính hay đồng tính, là thuận tiện và cần thiết. Vì nhờ vậy, mỗi cặp có thể thay nhau đứa thì ấp trứng và con non, trong khi đứa kia đi tìm thức ăn. Hơn nữa, việc có “đối tác” để rúc vào nhau sẽ giúp khí hậu khắc nghiệt ở vùng Cực bớt lạnh hơn đôi chút.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận