Tô bún không nhiều gia vị, màu sắc như ở các quán đặc sản khác nhưng gây nghiện, ăn mãi không chán
Thị trấn Núi Thành thì bé xíu xiu thôi hà, nhưng mà giống như cái cách người ta gọi yêu, gọi thương về huyện Núi Thành, rằng là "Núi Thành là Quảng Nam thu nhỏ", "Việt Nam thu nhỏ"…
Thì ở thị trấn nhỏ này cái gì cũng có, thèm gì cũng được ăn. Chỉ bún thôi mà sáng ra người ta cũng còn phải lưỡng lự "ăn bún gì? Bún bò Huế, bún chả cá Đà Nẵng, hay bún cá ngừ…" thì biết rồi.
Mỗi người có một gu ăn uống riêng, đa số người ta cảm nhận thức ăn ngon hay dở bằng vị giác của mình. Riêng tôi, cái con người luôn tròng trành, chống chếnh, chơi vơi lại cảm nhận cái ngon của thức ăn bằng "tâm giác".
Thế nên, tôi thường không ăn sáng ở những quán bún đặc sản mà người người tấm tắc khen ngon, đều đặn giành bụng đến 7h30 (mặc cho cái bụng của chủ nhân nổi tiếng "xấu tính đói" réo ầm ào), chạy xe đến quán bún "Bà Lùn" cách nhà 3km để ăn sáng.
Gọi là quán cho sang chớ thật ra đó chỉ là cái mái hiên của căn nhà cũ, nhỏ xíu ven quốc lộ 1A được hai chị em "bà lùn" tận dụng bán bún buổi sáng mà thôi. Quán không có biển tên, thương hiệu "Bún Bà Lùn" là do khách tự đặt theo vẻ bề ngoài của hai cô chủ luống tuổi.
Quán không bán trước 7h30, ai mà "lỡ dại" vào quán trước giờ đó thì chịu khó ngồi im, ngồi ngoan, không được hối, không được hỏi kẻo "hai bà cô" thay nhau lườm, nguýt rồi nổi cáu quát cho.
Quán chỉ bán cho khách quen, khách lạ thì phải chịu khó "làm quen" nếu không sẽ… không bán. Làm quen không phải là tán tỉnh, khen ngợi đâu nha, hai bà cô cao chưa tới mét mốt ấy không thích trai xinh, gái đẹp, nếu miệng lưỡi dẻo queo, ngọt ngào lại càng ghét đấy!
Làm quen là chịu khó ngồi im lặng, dù có lâu mà chưa được ăn thì cũng đừng có tỏ ra nôn nóng, cứ là phải ung dung, bình tĩnh cho đến khi... bún ra.
Có dạo lướt Facebook, tôi thấy có người bạn đăng dòng trạng thái: "Bún khó chịu chớ lùn liếc gì! Bỏ tiền ra ăn chớ có phải ăn xin đâu! Cạch! Cạch tới già!....".
Rồi sau đó không lâu, anh này tự giác trở thành khách quen, "khách ngoan" của Bún Bà Lùn, dù là thi thoảng anh vẫn cằn nhằn nho nhỏ do phải đợi lâu, rồi thì là thái độ phục vụ thất thường của chủ quán!
"Sao khó chịu vậy mà vẫn có người ăn?". "Sao thấy mệt mà mi ăn hoài vậy",… Người ta hỏi và tôi chỉ có thể trả lời là bún ấy có "vị nhà"!
Hai người phụ nữ ấy dậy lúc 3h30 sáng nhưng tận 7h30 mới chính thức bán bún. Một người đi lấy xương, giò heo, thịt bò ngon người ta mới mổ về rửa, chặt, thái, ướp; 1 người chuẩn bị củi lửa nhóm bếp chờ xương về nấu nước dùng, nhặt rau, chuẩn bị chỗ bán. Một cách từ từ, chậm rãi, hai người phụ nữ làm phần việc của mình.
Nhìn họ vuốt ve cọng hành, rồi đặt ngay ngắn trên thớt, cách họ làm, tôi cứ hình dung họ đang chăm 1 đứa trẻ. Nước dùng được nấu trong bếp củi rồi cẩn thận vớt bọt liên tục nên trong veo, ngọt tự nhiên.
Giò thì họ canh đảm bảo chín mà không nhừ, còn độ giòn sần sật mới vớt ra. Thịt bò thái lát xong lại tỉ mỉ đếm, chia phần tương ứng với mỗi tô bún tái rất chi là rõ ràng, công bằng. Khách đến sớm thường bụm miệng cười trước cái sự "lẩn thẩn không cần thiết" của chủ quán.
Tô bún được bưng ra cho khách với một thái độ phục vụ khá là "khó ưa", lại không nhiều gia vị, màu sắc như ở các quán đặc sản khác nhưng gây nghiện, ăn mãi không chán, "thức dậy là muốn ăn" với không chỉ riêng tôi mà với khá nhiều người.
Người đàn ông lớn tuổi, hay ngồi chung bàn mỗi sáng ở quán bún với tôi hay nói nhỏ: "Tối nhậu say, sáng ra phải phóng tới ăn bún đây ngay, cảm giác như bún mẹ nấu sáng vậy, yên bụng!".
À, đúng rồi! Là cảm giác đấy đấy! Yên - bụng!
Không hay trò chuyện với khách, nhưng có cảm giác như 2 người phụ nữ ấy thuộc khẩu vị của từng khách vậy. Tôi thích chấm giò heo với nước mắm chanh ớt, tôi chỉ xin cái bát nhỏ 1 lần và những lần sau hễ tôi ăn giò là 2 người ấy thay nhau bưng cho tôi bát nước mắm nhỏ cắt sẵn ớt. Những người khách khác tới lần 2 thì chỉ việc tới ngồi chờ, chị em họ bưng ra bát bún có rau thơm, không rau thơm, có nước béo, không nước béo đúng yêu cầu lần đầu tiên khách tới.
"Khó chịu nhưng thảo ăn" là câu mọi người hay nói về chủ quán Bún Bà Lùn. Cây xoài sau nhà ấy mà chín là bữa sáng của khách có đĩa xoài tráng miệng. Mùa bàng, hai chị em bà lùn đi hái bàng về đập vỏ lấy hạt bỏ rồi cho mỗi người khách vài hạt để "ăn nhớ cho nhớ hồi nhỏ".
Sáng ni bạn tôi bảo: "Giờ ăn uống quan trọng là phục vụ tốt, vui vẻ, nhiệt tình, bún Bà Lùn khó đăm đăm mà mi ăn miết giỏi rứa?".
Tôi cười: "Đâu chỉ mình ta thích cái "vị nhà" ở quán ấy, cũng đâu chỉ mình ta nhìn ra cái lòng, cái tâm của hai người bán bún ấy với từng bát bún! Cũng đâu chỉ mình ta, lúc ốm đến nỗi miệng đắng ngắt, không muốn ăn gì vẫn nghĩ về tô bún có nước dùng trong veo, bên cạnh có đĩa ớt nhà queo queo mới hái của Bún Bà Lùn".
Mời bạn đọc tham dự Diễn đàn Món ngon của tôi
Bài viết tối đa khoảng 1.000 chữ, kèm hình ảnh (clip nếu có), chưa đăng trên các phương tiện truyền thông trước đây.
Bạn đọc xin gửi bài về email [email protected].
Diễn đàn do báo Tuổi Trẻ tổ chức, với sự đồng hành của Công ty Nutifood.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận