Một dự án lớn được nhiều người trông chờ là tuyến đường ven sông Sài Gòn đi các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Sự kỳ vọng vào tuyến đường ven sông không chỉ là giải quyết vấn đề giao thông mà quan trọng hơn là sự kết nối các trung tâm lịch sử - văn hóa độc đáo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Từ xa xưa, sông nước chưa bao giờ là yếu tố ngăn cách giữa các vùng miền. Những tuyến sông, kênh rạch... đã hình thành đường thủy tự nhiên nối liền hai bên bờ và từ thượng nguồn xuống hạ lưu. Đôi bờ dần hình thành những xóm làng, thị tứ dần phát triển thành đô thị ven sông.
Hiện nay dọc sông Sài Gòn, sông Đồng Nai ngoài khu vực trung tâm đô thị thì vùng ngoại ô còn giữ được nhiều cảnh quan tự nhiên và nhân văn đặc trưng văn hóa của miền Đông Nam Bộ.
Việc bảo toàn những cảnh quan này vô cùng quan trọng. Ra khỏi những thành phố đông đúc con người lại được gần gũi với thiên nhiên, hưởng không khí trong lành.
Bên cạnh đô thị hiện đại phát triển nhanh, con người được nhìn thấy, chiêm nghiệm những giá trị văn hóa lâu đời của di tích lịch sử, được "sống chậm" khi những cảm xúc nguyên sơ của "người nhà quê" trở lại trong mỗi người.
Đó là giá trị tinh thần không có gì đánh đổi được đối với các thành phố. Từ giá trị này biến thành lợi ích cụ thể cho cư dân: sức khỏe, tri thức, tình cảm với nơi họ đang sống và đóng góp công sức, giúp các đô thị trở thành những "thành phố đáng sống".
Có thể xem Bangkok và Paris là các bài học, kinh nghiệm cho TP.HCM trong việc phát triển giao thông và kinh tế sông nước.
Bangkok có điều kiện tự nhiên và văn hóa, lối sống khá gần gũi với Sài Gòn - TP.HCM vì cùng ở trong khu vực Đông Nam Á lục địa, cũng là đô thị sông nước. Hệ thống đường thủy trong nội ô và kết nối với các khu vực xung quanh của Bangkok rất tiện lợi.
Chính vì xuất phát mục tiêu giải quyết và tăng cường giao thông cho dân cư nên buýt sông phát triển nhanh chóng và trở thành tuyến du lịch đường sông được du khách biết đến.
Người dân đô thị được hưởng lợi ích trực tiếp từ đường sông nên đã tham gia bảo vệ môi trường và cảnh quan hai bên bờ: không để rác và nước thải ra sông, kênh rạch, giữ gìn và làm đẹp tuyến nhà sàn ven sông, các khu phố cổ với mảng xanh và sinh hoạt văn hóa đặc trưng...
Tất cả trở thành những điểm đến thu hút du khách. Du lịch đường sông là du khách được tham gia, trải nghiệm đời sống và tiếp nhận sự thân thiện của cộng đồng dân cư.
Sài Gòn được người Pháp xây dựng theo mô hình quy hoạch của một đô thị phương Tây. Vì vậy kinh nghiệm của Paris trong sự phát triển "kinh tế sông nước" đôi bờ sông Seine rất hữu ích, đó là lấy việc bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa, phát triển các giá trị văn hóa đặc trưng của Paris và vùng phụ cận làm động lực và mục tiêu.
Du lịch trên sông Seine là đến tham quan các di tích, bảo tàng, nhà hàng ẩm thực nổi tiếng, cảnh quan công viên và làng quê lâu đời... Do đó vừa bảo tồn di sản văn hóa cho đời sau vừa mang lại lợi nhuận kinh tế lâu dài, bền vững.
TP.HCM phát triển du lịch và giao thông đường thủy, đặc biệt phát triển đường bộ hai bên bờ sông Sài Gòn, sông Đồng Nai với mục tiêu kết nối liên tỉnh liên vùng là quan trọng nhất.
Nhưng phải lấy cảnh quan tự nhiên và nhân văn mang tính đặc trưng của thành phố và vùng phụ cận làm "điểm tựa" để quy hoạch những cảnh quan mới, phải bảo toàn và phát triển môi trường tự nhiên, không gian công cộng, không gian văn hóa cho mọi tầng lớp dân cư.
Xây dựng một không gian hiện đại gắn liền nét đẹp cảnh quan và bản sắc văn hóa của dòng sông, vì đôi bờ các dòng sông không chỉ là bất động sản mà quan trọng hơn, chính là nguồn vốn văn hóa - xã hội lâu dài, bền vững nếu chúng ta nhìn rộng và xa hơn về các lợi ích của cộng đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận