14/10/2016 10:17 GMT+7

Dời 26.000 dân để làm đẹp kênh Đôi

QUỐC THANH - HỒ VĂN
QUỐC THANH - HỒ VĂN

TTO - Kênh Đôi (TP.HCM) đang khát khao được trả lại “danh phận” như nó vốn có. Đó cũng là mong muốn bao năm qua của đông đảo người dân thành phố này.

Một đoạn kênh Đôi, TP.HCM với rất nhiều ngôi nhà trên kênh - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Một đoạn kênh Đôi, TP.HCM với rất nhiều ngôi nhà trên kênh - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Anh Nguyễn Văn Dũng (P.4, Q.8) nhớ lại: ngày trước kênh Đôi rất sạch, người dân còn câu cá được, trẻ con tắm và vui đùa dưới dòng kênh.

Nhưng rồi rác cứ xả xuống kênh, nhà cửa xây cất trên kênh, ven kênh... làm kênh ô nhiễm trầm trọng. Nhiều năm nay nước kênh đen ngòm, mùi hôi nồng nặc, cá không sống nổi...

Kênh đẹp, đời sống của dân cũng phải lên

Để có thể trả lại kênh Đôi như trong ký ức của anh Dũng, thống kê sơ bộ cho thấy chỉ riêng khu vực bờ nam kênh Đôi phải di dời hơn 26.000 dân.

Đây là nhóm cư dân đang sống trên kênh, ven kênh... thuộc phạm vi bảy phường của quận 8 (gồm các phường 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7). Trọng điểm của khu vực di dời được giới hạn bởi kênh Đôi và đường Phạm Thế Hiển, với chiều dài khoảng 9km.

Ông Võ Văn Ngon (P.7, Q.8) nói chủ trương cải tạo kênh Đôi, làm sạch môi trường là việc cần làm. Nhưng điều băn khoăn của người dân là việc di dời, tái định cư... làm sao cho người dân thỏa mãn thì ai cũng ủng hộ.

Ông Ngon cho biết gia đình ông sống ở khu vực kênh Đôi từ trước năm 1975, nhà buôn bán tạp hóa rất yên ổn. Nay phải di dời nhà cửa, gia đình ông rất lo lắng, không biết buôn bán sẽ ra sao. Nếu phải về chung cư hay vào hẻm thì coi như mất nguồn kiếm sống.

Nhiều người dân cho biết trong tháng 9-2016, hầu hết ở các phường thuộc phạm vi dự kiến thực hiện dự án, cơ quan chức năng đã đo đạc đất đai, nhà cửa, phát phiếu điều tra xã hội học.

Nghĩ về kế hoạch di dời quy mô này, tác động trực tiếp đến hàng chục ngàn dân, ông Nguyễn Văn Nhiều (P.5, Q.8) nhấn mạnh: người dân đã giao đất đai, nhà cửa để cải tạo kênh thì chính quyền cũng phải làm sao cho cuộc sống của người dân - sau khi di chuyển đến chỗ ở mới - ít nhất cũng phải bằng hoặc tốt hơn chỗ ở cũ.

Chọn nhà đầu tư đủ năng lực

Dự án di dời các hộ dân sống ở trên và ven bờ nam kênh Đôi để cải tạo môi trường, chỉnh trang đô thị... đã được Phó chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa chấp thuận chủ trương.

Cụ thể hơn, khoảng lùi hành lang bảo vệ kênh rạch để làm tuyến đường dọc bờ kè và công viên cây xanh đã được xác định là 20m.

Với phương án tuyến đường dọc bờ kè và công viên cây xanh vừa nêu, theo tính toán của một nhà đầu tư muốn tham gia dự án - Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng và nhà ở Sài Gòn - thì tổng mức đầu tư dự án là hơn 9.000 tỉ đồng.

Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 4.600 tỉ đồng, vốn đầu tư cho dự án chỉnh trang đô thị (sau giải tỏa, di dời nhà cửa) cũng hơn 4.600 tỉ đồng.

Ông Lê Văn Khoa cũng yêu cầu các cơ quan chức năng TP đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư đề xuất phương án di dời dân cư, cải tạo kênh Đôi...

Ngoài Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng và nhà ở Sài Gòn đang muốn thực hiện dự án, các nhà đầu tư khác nếu quan tâm dự án vẫn có quyền đề xuất các phương án thực hiện của mình.

Thành phố sẽ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định.

Theo các nhà chuyên môn, cũng giống như dòng Nhiêu Lộc - Thị Nghè trước kia, nếu hàng chục ngàn người dân được di dời thành công, các nguồn ô nhiễm môi trường như rác thải, nước thải... hằng ngày đổ xuống kênh Đôi sẽ bị cắt.

Khi đó, chắc chắn kênh Đôi sẽ khoác lên mình chiếc áo mới, “danh phận” của nó sẽ dần được phục hồi và môi trường ở đây cũng sẽ dần trở nên trong lành...

Sơ đồ vị trí từ phường 1 đến phường 7, quận 8, TP.HCM trên kênh Đôi sẽ được giải tỏaNguồn: Quốc Thanh - Đồ họa: NHƯ ANH
Sơ đồ vị trí từ phường 1 đến phường 7, quận 8, TP.HCM trên kênh Đôi sẽ được giải tỏaNguồn: Quốc Thanh - Đồ họa: NHƯ ANH

Làm sạch đẹp kênh là điều đáng làm

Cụ Trần Ngọc Liên (84 tuổi) hiện sống tại khu chung cư Nguyễn Đình Chiểu, khu tái định cư của dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cho biết: “Nhà tôi trước đây ở khu vực cầu Bông, khi TP cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã đưa chúng tôi về tái định cư tại chung cư Nguyễn Đình Chiểu này.

Tôi chuyển về đây sống hơn 20 năm rồi, đến nay tôi nhận thấy chủ trương cải tạo kênh làm cho TP đẹp hơn, sạch hơn là điều đáng làm. Nhìn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bây giờ mới thấy hiệu quả rất tốt”.

Tuy nhiên cũng theo cụ Liên, việc di dời hầu hết người dân đều chưa thỏa mãn về giá cả bồi thường. Đây là vấn đề cũng từng gây bức xúc cho nhiều hộ dân khi bị giải tỏa trong dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Giá bồi thường thì thấp nhưng giá mua nhà tái định cư thì cao. Nhiều hộ dân vì không đủ tiền đành bán lại nơi ở mới hoặc chọn đường về lại quê cũ...

Nội dung đề xuất thực hiện dự án

Theo Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng và nhà ở Sài Gòn, khu vực kênh Đôi có 5.352 hộ dân, với khoảng 32.000 nhân khẩu; trong đó riêng phía bờ nam kênh Đôi có 4.392 hộ, với 26.352 nhân khẩu (chiếm 82% khu vực kênh Đôi).

Bờ nam kênh Đôi giới hạn bởi kênh Đôi và đường Phạm Thế Hiển thuộc quận 8 (phạm vi các phường 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7), theo tính toán có tổng diện tích đất bị thu hồi khoảng 390.000m2; ảnh hưởng 4.392 hộ (hơn 26.000 nhân khẩu).

Trong số này, có khoảng 60% hộ dân có nhu cầu cần được bố trí tái định cư; 40% hộ dân có nhu cầu nhận tiền bồi thường, hỗ trợ để tự lo nơi ở mới.

Về dự kiến tổng vốn đầu tư toàn dự án, theo phương án khoảng lùi hành lang bảo vệ kênh rạch, để làm tuyến đường dọc bờ kè và công viên cây xanh là 20m (phương án được Phó chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa kết luận chấp thuận), qua tính toán của công ty nói trên là 9.232 tỉ đồng.

Trong đó kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự kiến khoảng 4.608 tỉ đồng, mức đầu tư để chỉnh trang đô thị dự kiến khoảng 4.624 tỉ đồng.

Thời gian di dời theo đề xuất của nhà đầu tư, giai đoạn 1 thực hiện trong hai năm (2017 và 2018), di dời 1.469 hộ dân thuộc phạm vi phường 6 và phường 7 của quận 8; giai đoạn 2 di dời dân được thực hiện trong hai năm tiếp theo (2019 và 2020), với số hộ dân dự kiến di dời 2.923 hộ, ở phạm vi năm phường còn lại (1, 2, 3, 4 và 5) của quận 8.

Tương tự, đầu tư chỉnh trang đô thị cũng được Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng và nhà ở Sài Gòn đề xuất thực hiện trong hai giai đoạn gồm: giai đoạn 1, đầu tư trên phần đất thu hồi tại phường 6 và 7 của quận 8 (thực hiện trong năm 2019 và 2020); giai đoạn 2, đầu tư trên phần đất thu hồi tại năm phường còn lại của quận 8 (thực hiện trong năm 2021 và 2022).

QUỐC THANH - HỒ VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên