Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 13-6, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết đến nay, sau một tuần tiếp nhận gia đình ba người ở Tây Ninh bị ngộ độc nấm rừng, vẫn chưa xác định được độc tố trong nấm.
Người chồng và vợ trong gia đình này đã tử vong. Trong đó, người chồng tử vong ngay khi nhập viện, cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy vào ngày 6-6 vì ngộ độc quá nặng. Người vợ tử vong tại nhà sau ba ngày điều trị tích cực.
Riêng người con gái 17 tuổi đã xuất viện theo nguyện vọng.
Thời điểm cả gia đình cấp cứu và nhập viện điều trị, bác sĩ Nguyễn Thị Thủy Ngân - phó khoa bệnh nhiệt đới của bệnh viện - cho hay các bác sĩ chưa xác định được các bệnh nhân bị ngộ độc nấm gì, độc tố nào.
Theo bác sĩ Ngân, cho đến thời điểm hiện tại, việc xác định được độc tố trong nấm gây ngộ độc còn gặp nhiều khó khăn nên bệnh nhân chủ yếu được điều trị hỗ trợ.
Thông thường, các bác sĩ phải có chính xác mẫu vật hoặc hình ảnh cây nấm mà bệnh nhân đã ăn phải.
Một số tình huống xảy ra là bệnh nhân đã ăn loại nấm này nhưng lại thông tin cho bác sĩ một loại nấm khác. Do đó, thông tin loại nấm chính xác mà bệnh nhân đã ăn sẽ khó thu thập từ phía bệnh nhân và người thân trong gia đình.
"Bệnh nhân sức khỏe yếu, gần như không thể cung cấp thông tin chính xác về loại nấm đã ăn phải. Còn gia đình thì thường chỉ biết thông tin gián tiếp. Vì vậy thông tin chính xác về loại nấm mà họ ăn cũng như độc tố của nấm không chắc chắn", bác sĩ Ngân nói.
Theo thông tin bệnh nhân cung cấp, ngày 4-6, người chồng vào rừng hái nấm về xào mướp cho vợ và con gái 17 tuổi ăn. Trong đó, người chồng ăn nhiều nhất, khoảng một nửa phần nấm và mướp, người vợ và con gái ăn phần còn lại.
Khoảng 8 - 12 giờ sau khi ăn, cả ba có dấu hiệu đau bụng, nôn ói, tiêu chảy nhiều lần và ngày càng nặng hơn. Khoảng 2h sáng hôm sau, ba người được đưa đến bệnh viện địa phương và tiếp tục chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy.
Chưa có thuốc đặc trị
Cùng thời điểm này, người nhà phát hiện bé trai 12 tuổi (ngụ Đồng Nai) cùng mẹ đau bụng quặn từng cơn, chóng mặt, nôn ói sau khi ăn món ăn được chế biến từ nấm mọc từ xác ve sầu phía sau rẫy.
Hai mẹ con được đưa đến bệnh viện địa phương và điều trị tại đây hai ngày. Sau đó, bé trai được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM).
Bác sĩ CKII Vũ Hiệp Phát - trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 2 - cho hay bé trai nhập viện trong tình trạng hôn mê, rối loạn nhịp tim nặng và tổn thương gan, thận. Được cấp cứu kịp thời và điều trị tích cực, sức khỏe bé đang dần được cải thiện.
Bác sĩ Phát cảnh báo phụ huynh cần thận trọng với nấm ký sinh trên xác ve sầu. Hiện đang là thời điểm hoạt động của ve sầu, cùng những cơn mưa lớn là điều kiện cho nấm độc Gyrommitrin ký sinh trên thân ve đâm chồi, phát triển.
Nhiều người lầm tưởng với các loại nấm thông thường hay đông trùng hạ thảo nên mang về chế biến thành thực phẩm, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong.
Bên cạnh đó, ngộ độc Gyrommitrin hiện chưa có thuốc đặc trị, phụ huynh cần tránh sử dụng các loại nấm hình thù lạ, chưa thông dụng trên thị trường để đảm bảo an toàn, tránh sự cố tương tự tái diễn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận