Bìa cuốn sách - Ảnh: N.N.
Đây là cuốn sách thứ tư của tác giả được viết theo thể loại kể chuyện/tường thuật phi hư cấu (narrative non-fiction).
Nếu như tác phẩm trước - Điểm đến của cuộc đời, Đặng Hoàng Giang trải bày những suy tưởng của bệnh nhân ung thư và người thân của họ về cái chết; thì ở tác phẩm mới, tác giả bước vào thế giới của người trẻ - nơi sự sống tưởng như ngập tràn.
Tình yêu ở đâu dưới mái nhà?
Gần hai năm với hàng trăm giờ đồng hành cùng nhiều người trẻ, tác giả đã đi sâu vào nội tâm của họ, vào những địa hạt u xám mà bản thân mỗi người đã phải ẩn giấu bao năm.
Mười sáu chân dung trong cuốn sách là 16 câu chuyện về tuổi đôi mươi chơi vơi, đầy thương tích. Bên dưới lớp vỏ ngoan - hư, giỏi - dốt mà người lớn nhìn vào để phán xét là sự cô đơn tột cùng, là những hoang mang, bế tắc và lạc lối.
Để lại tuổi thơ sau lưng, những người trẻ bước vào đời sống trưởng thành với hành trang mang theo là những vết thương sâu hoắm và niềm tin cạn kiệt. Họ chật vật đi tìm căn tính, tìm yêu thương và cả chạy trốn. Họ mặc chiếc áo giáp to xụ phòng thủ với người lạ, cả người thân. Lạnh lùng và đổ vỡ, họ khước từ tình yêu, chống chọi với cô đơn và gánh nặng trách nhiệm.
Bởi tình yêu ngục tù của người lớn
Tuổi thơ và thực tại của những người trẻ trong cuốn sách là một "thế giới vắng bóng người lớn", "như cái cây không người chăm bón", như người vô hình trong gia đình.
Lịch sử cuộc đời họ cho tới năm đôi mươi có khi chỉ là đòn roi định kiến cùng tiếng chửi mắng, là "cảm giác mình không phải là người mà chỉ là bóng ma phản chiếu kỳ vọng của bố mẹ". Và cả tình yêu ngục tù của người lớn. Không một cây roi gõ xuống, không một cái tát được vung ra, không một lời nhục mạ phẩm giá nhưng tình yêu đó đã bóp chết nhiều bản thể.
Có những nỗi đau phần nào được hóa giải, vài nhân vật trong sách cuối cùng đã làm hòa với bản thân, tìm được sự trắc ẩn và bắt đầu hành trình chữa lành. Nhưng may mắn ấy chỉ ở số ít. Phần lớn các nhân vật vẫn đang phải vật lộn "tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ".
Không dừng lại ở tường thuật câu chuyện, Đặng Hoàng Giang đã tìm cách lý giải thái độ, phản ứng của các nhân vật dưới góc nhìn tâm lý học. Tác giả đã phân tích và gọi tên những nguyên nhân - hiện tượng: là những đứa trẻ bị "phụ huynh hóa", là những trường hợp bố mẹ - con cái bị "rối loạn vai", là "sự tự lập cưỡng chế", là mẫu hình "cha mẹ xe ủi"... Qua đó, người đọc xác định rõ hơn căn nguyên của vấn đề.
Những vấn đề tồn tại liên thế hệ
Chọn cách để nhân vật xưng "tôi" ở ngôi thứ nhất kể lại chuyện đời mình, Đặng Hoàng Giang đã dẫn người đọc đi vào những tầng nấc nội tâm sâu xa của người trẻ.
Thế giới của họ được tái hiện trong cuốn sách bằng điểm nhìn, câu chữ của người viết nhưng đó không phải là một trần thuật phiến diện bị chi phối thô bạo bởi cảm xúc phán xét. Đó là kết quả của một quá trình thực hành lắng nghe đầy nhẫn nại, thấu hiểu và cả sự tinh tế trong quan sát, khách quan trong phân tích của tác giả.
Từ những tự sự cá nhân, Đặng Hoàng Giang đã mang đến cho người đọc một phần bức tranh thế giới người trẻ. Trên những báo cáo nghiên cứu, những người trẻ ấy đang tồn tại với cái tên thế hệ Y, thế hệ Z, kèm những con số ngày càng lớn về bệnh trầm cảm, tỉ lệ bỏ học, nạo phá thai.
Tác phẩm của Đặng Hoàng Giang như lời nhắc nhở người đọc rằng, bên dưới những con số, hiện tượng ấy có thể là những cuộc đời bị bỏ quên, là những vấn đề tồn tại liên thế hệ trong xã hội Việt Nam đương đại.
Phụ huynh, những người bạo lực tinh thần và thể xác với con cái rất có thể cũng là nạn nhân của những sĩ diện, định kiến, lớn lên trong thiếu thốn tình thương nhưng thừa áp chế, đòn roi từ cha mẹ.
Là một trong số ít tác giả ở Việt Nam theo đuổi thể loại tường thuật phi hư cấu, Đặng Hoàng Giang đã để lại nhiều dấu ấn trong sự nghiệp viết của mình. Nhưng có lẽ, lựa chọn đi cùng và viết về những con người nhỏ bé, vô danh trong xã hội của Đặng Hoàng Giang đã là điều đẹp đẽ hơn hết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận