03/03/2014 01:10 GMT+7

Đọc sách: cuộc phiêu lưu đáng giá

HẢI THI
HẢI THI

TT - Không dong thuyền ra biển sách thì không tìm được viên ngọc quý - tri thức. Thông điệp ấy, “bí quyết làm giàu” tri thức khi băng qua biển sách đã được các khách mời chia sẻ với học sinh các trường THCS, THPT Huế trong buổi tọa đàm “Chọn ngọc giữa biển sách, dễ hay khó?” được tổ chức ngày 1-3.

9H6Doapi.jpgPhóng to
Bà Tôn Nữ Thị Ninh giao lưu với học sinh Huế tại buổi tọa đàm - Ảnh: H.Thi

Bà Tôn Nữ Thị Ninh - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội, nhà văn Phan Hồn Nhiên, ca sĩ Hồ Trung Dũng đã trò chuyện cùng 350 học sinh Huế dưới mái Trường THPT chuyên Quốc học Huế. Buổi tọa đàm nằm trong khuôn khổ dự án “Quyển sách thay đổi cuộc đời” do Công ty điện tử Samsung Vina, báo Tuổi Trẻ, Nhà xuất bản Trẻ, nhà sách Fahasa phối hợp tổ chức.

Đọc là quà tặng cho mình

Nói như bà Tôn Nữ Thị Ninh, câu chuyện giữa một người và sách là hành trình khám phá, kết duyên. Với riêng bà, hành trình ấy là cơn mưa dầm xứ Huế, lâu ngày thấm đất. Bà không có một quyển sách là bước ngoặt cuộc đời. Bà có nhiều quyển sách, mỗi quyển như một hạt mưa thấm vào lòng, từ từ nuôi lớn tâm hồn, tư duy. Trò chuyện với các bạn học sinh, bà chia sẻ rằng tính cách, lối sống, phương pháp làm việc của bà chịu ảnh hưởng rất nhiều từ những quyển sách đã đọc. Nhà nữ ngoại giao hàng đầu VN ấn tượng và yêu thích nhân vật Scarlett Ohara trong tác phẩm Cuốn theo chiều gió của Margaret Mitchell. Hình ảnh Scarlett đứng giữa cánh đồng, cúi xuống vốc một nắm đất đỏ nói: “Tomorrow is another day” (Ngày mai là một ngày khác - PV tạm dịch) đã ám ảnh và thấm vào bà nghị lực phi thường bật dậy sau vấp ngã, bản lĩnh sống đương đầu. Từ trải nghiệm của mình, bà nhắn nhủ người trẻ: “Muốn tìm kiến thức, sự hiểu biết thì các bạn ơi, phải đọc sách! Sách là công cụ, là hành trang để vào đời ý nghĩa, phù hợp”.

Đồng tình với bà Tôn Nữ Thị Ninh, ca sĩ Hồ Trung Dũng cho rằng các bạn trẻ cần dành thời gian để chiêm nghiệm về cuộc sống của mình, của người, thông qua việc đọc sách. Quyển sách tâm đắc của anh - Predictably irrational (Những điều phi lý có thể đoán biết được - PV tạm dịch) của Dan Ariely - đã cho anh góc nhìn mới về cuộc sống. Anh chia sẻ nội dung tác phẩm: “Ta thường phán xét người khác vì những điều vô lý họ làm... Nhưng bằng sự phân tích của tác giả, tôi nhận ra đằng sau mỗi điều tưởng chừng phi lý đều có logic, lý do của nó”. Anh bộc bạch cuốn sách đã mở cho anh cái nhìn bao dung hơn trước lỗi lẫm của mình, của người, giúp điều chỉnh phần bản năng để biết sống chan hòa.

Trong khi đó, chạm đến những tác phẩm của nhà văn Franz Kafka - với nhà văn Phan Hồn Nhiên - là một hành trình choáng váng. Sau cú choáng, chị nhận ra: văn học đích thực phải là như thế! Từ đó, trong suốt sự nghiệp văn chương, các tác phẩm của Kafka luôn là ngọn hải đăng nhắc nhở chị đi đúng đường. Qua câu chuyện của ba khách mời, nhà văn Phan Hồn Nhiên dặn dò các bạn học sinh: các bạn có thể đọc theo bất kỳ cách nào, nhưng hãy nhớ đọc để cho mình, làm hài lòng chính mình. “Hãy xem việc đọc sách như món quà tặng chính mình”, chị nói.

Tìm chọn “ngọc”: không khó

Theo thông tin từ chương trình, từ năm 2011 đến nay đã có gần 300 triệu bản sách được xuất bản. Trước biển sách, người đọc khó tránh cảm giác “đuối” khi phải lựa chọn. Nhiều học sinh tham dự tọa đàm chia sẻ cảm giác bối rối khi bước vào nhà sách, nơi hình như quyển nào cũng được dán nhãn “best seller”, trình bày bắt mắt. Trước thực trạng trên, nhà văn Phan Hồn Nhiên bỏ nhỏ: các bạn có thể chọn sách theo tác giả, hoặc theo nhà xuất bản tên tuổi, uy tín. Ngoài ra, đọc trước lời tựa, mục lục là cách bà Tôn Nữ Thị Ninh bày cho các bạn học sinh khi chọn mua sách. Theo bà, ý kiến tư vấn của những người đáng kính cũng là con đường tắt dẫn đến những đầu sách hay.

Bà cho các bạn học sinh lời khuyên rút từ trải nghiệm bản thân: hãy xem những bộ phim chuyển thể từ sách để bén tình yêu sách, như trường hợp của bà với phiên bản điện ảnh Cuốn theo chiều gió. Bộ phim quá thuyết phục đã buộc bà phải truy lùng bản sách in và đọc ngấu nghiến. “Nên có những buổi chiếu phim, thảo luận phim, giới thiệu sách và thảo luận sách ngay trong nhà trường”, bà dặn dò, đồng thời nhấn mạnh vai trò của thầy cô trong việc chọn sách, khơi gợi cảm hứng đọc cho học sinh. “Nếu có một giáo viên dạy văn tuyệt vời, chắc chắn học sinh sẽ rất thích đọc, thích sách”, bà khẳng định.

Tại buổi tọa đàm, nhiều học sinh đã trao đổi với ba vị khách mời những thắc mắc trong chuyện đọc sách. Bạn Hồ Thị Thiên An (học sinh lớp 9 THCS Nguyễn Tri Phương, TP Huế) đặt câu hỏi: làm cách nào chắt lọc, ghi nhớ kiến thức từ sách mà không gây cảm giác nặng nề, áp lực? Bà Tôn Nữ Thị Ninh chân thành khuyên Thiên An: ở độ tuổi các bạn không nên tự đặt tiêu chuẩn quá cao khi đọc sách, rằng mình phải hiểu bao nhiêu, nhớ bao nhiêu. “Điều quan trọng - bà nói - các bạn phải biết đặt câu hỏi: cuốn sách này mang lại điều gì cho mình. Liên tục hỏi “tại sao” để tìm được viên đá quý trong mỏ đá”. Trong trường hợp gặp phải những quyển khó nhằn, nhà văn Phan Hồn Nhiên ví von: chưa yêu được từ cái nhìn ban đầu thì kết duyên rồi... từ từ yêu sau. Quan trọng là phải bắt đầu đọc quyển sách, rồi kiên trì theo đuổi đến tận cùng.

“Đọc sách là một cuộc phiêu lưu. Dù có những điều chưa hiểu, chưa thấm cũng chỉ là những rủi ro trong quá trình khám phá”, chị tâm niệm.

Kiến thức là kết tinh cuộc sống

Một số người có một quyển sách thật sự làm thay đổi cuộc đời. Một số khác không có được quyển sách như vậy, nhưng sự thay đổi cuộc đời họ tích lũy từ nhiều trang sách khác nhau. Các bạn trẻ có thể gặp khó khăn với loại hình đọc sách in giấy bởi các bạn là thế hệ công nghệ, tiếp cận việc đọc theo hướng khác. Sách có thể chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác, nhưng kiến thức vẫn là kết tinh cuộc sống. Một người giàu có, giỏi giang và thú vị là người hay đọc. Một quốc gia hùng cường là một quốc gia có nhiều người đọc sách.

HẢI THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên