12/01/2004 06:00 GMT+7

Độc quyền tiềm ẩn trì trệ

QUANG THIỆN
QUANG THIỆN

TT - Nền kinh tế nào cũng cần có độc quyền của kinh tế nhà nước để điều phối chính sách kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Tuy nhiên các nhà kinh tế cho rằng để phát triển, hội nhập và bền vững thì nhiều lĩnh vực độc quyền chỉ nên có sứ mệnh trong một thời kỳ quá độ. Đặc biệt là tình trạng lạm dụng vị thế độc quyền cần được loại bỏ.

Ông Trương Quang Hoài Nam, vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thương mại), phó ban soạn thảo Luật cạnh tranh và chống độc quyền, đã trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này. Ông Nam mở đầu câu chuyện:

- Đến nay những ngành chúng ta còn độc quyền như viễn thông, điện, hàng không, xăng dầu, nước sạch, vườn hoa, đường sắt... là những ngành độc quyền tự nhiên hoặc những ngành quan trọng mà hầu như quốc gia nào cũng giữ thế độc quyền nhà nước.

Những lĩnh vực này chúng ta cũng đã mở cửa rất nhiều và như ngành viễn thông thì đang mở cửa từng ngày. Chúng ta cần hiểu rằng độc quyền nhà nước là một trong những yếu tố cần thiết và tất yếu của mọi nền kinh tế, nhất là với nền kinh tế thị trường non trẻ như chúng ta.

* Xin ông nói rõ hơn.

- Lý thuyết nói về những lĩnh vực độc quyền tự nhiên là không thể có hai doanh nghiệp (DN) cùng hoạt động. Ví dụ tuyến đường sắt Bắc - Nam chỉ cần một nhà cung cấp là Tổng công ty Đường sắt VN là đủ. Chẳng lẽ lại có thêm tuyến thứ hai, thứ ba... chạy song song để cạnh tranh? Như thế sẽ lãng phí xã hội và không đem lợi nhuận cho DN.

Tương tự như vậy với đường dây 500 kV, trục điện thoại cố định, Internet... Hay công ty nước sạch chỉ bán nước cho người dân ở một địa bàn nào đó với một hệ thống đường ống dẫn đến từng nhà là đủ, nhưng nếu có một công ty nước sạch khác thì lại đào đường, lại mua sắm lắp đặt hệ thống đường ống khác, trong khi thị trường ngày nào cũng tiêu thụ một lượng nhất định.

Những lĩnh vực này thì quốc gia nào cũng như chúng ta đều phải độc quyền. Một số lĩnh vực như sản xuất điện, cảng biển, sân bay, đóng tàu viễn dương... cách đây 10 năm không thể có một DN ngoài quốc doanh nào đủ tiềm lực kinh tế, kỹ thuật tham gia. Nhà nước buộc phải tự làm bằng cách giao cho các DN nhà nước. Đó là buộc phải độc quyền.

Giai đoạn đầu của nền kinh tế thị trường chúng ta đã đặt vấn đề công bằng xã hội lên trên. Lúc đó nếu ta mở cửa các ngành bưu chính viễn thông, điện lực, hàng không, xăng dầu... thì các DN đều chạy theo lợi nhuận, vậy ai sẽ đem một lá thư lên miền núi chỉ để thu tiền một con tem? Ai dám mắc lưới điện trị giá hàng chục tỉ đồng vào một bản sâu có chục nóc nhà, mỗi tháng dùng có 100.000 đồng tiền điện?

Tức là nghĩa vụ công ích và chính sách đi đồng thời với phát triển kinh tế bắt buộc ta phải có chính sách giá, chính sách độc quyền nhà nước. Còn một lý do nữa cũng nằm trong qui luật chung ở mọi quốc gia đó là: nhà nước đầu tư cực lớn vào cơ sở hạ tầng nên phải độc quyền kinh doanh trong một thời gian đủ để thu hồi vốn.

Bên cạnh tiến trình mở cửa những lĩnh vực, những phần trước đây Nhà nước độc quyền thì hệ thống luật pháp của chúng ta đang dần hoàn thiện, triệt tiêu sự lạm dụng vị thế độc quyền.

* Nhưng để phát triển nền kinh tế thị trường thì các DN độc quyền mà cụ thể là các tổng công ty nhà nước sẽ không thể thúc đẩy tốt tiến trình này?

- Các DN nhà nước độc quyền đó đồng thời phải giải quyết các nhiệm vụ: xây dựng nền tảng nền kinh tế, tạo công bằng xã hội, công ích, đảm bảo an ninh quốc phòng, điều tiết thị trường, giá cả, cung cầu...

Phần thứ hai là không ngừng nâng cao qui mô, trình độ, tư duy... sản xuất kinh doanh để phục vụ đời sống và từng bước thị trường hóa và hội nhập. Nhiệm vụ thứ nhất chúng ta không bàn ở đây.

Nhiệm vụ thứ hai, theo tôi, các tổng công ty cũng đã làm tốt. Không có Tổng công ty Điện lực thì chúng ta lấy đâu ra đường dây truyền tải 500 kV, nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á? Không có Tổng công ty Thép, Tổng công ty Xăng dầu làm người anh cả khai phá và dẫn dắt thì liệu có DN ngoài quốc doanh nào trong lĩnh vực này ra đời để vươn lên đủ lực cạnh tranh trong nước và quốc tế như hiện nay?

Các lĩnh vực cảng biển, đường sắt, hàng không... và những ngành kinh tế xương sống có mạnh thì những lĩnh vực kinh tế khác, các thành phần kinh tế khác mới “đủ lông đủ cánh” như hiện nay để nói đến chuyện cạnh tranh trong và ngoài nước.

* Nhưng chúng ta không thể phủ nhận những “tai biến” từ vị thế độc quyền của các DN nhà nước gây ra?

- Đúng. Đặc tính của độc quyền là tiềm ẩn sự trì trệ, thiếu năng động, dẫn đến chất lượng sản phẩm không liên tục nâng cao, giá cả đắt hơn ở thị trường có cạnh tranh, văn hóa và tư duy kinh doanh kém phát triển. Điều đó đang có ít nhiều trong nền kinh tế VN và tên nó là “sự lạm dụng độc quyền”.

Nhưng chúng ta hãy nhìn nhận công bằng hơn.Tôi cho rằng có người đã so sánh tính hiệu quả DN và chất lượng, giá cả sản phẩm ở VN với nước ngoài và kém lạc quan. Theo tôi, chúng ta là một nền kinh tế thị trường mới bắt đầu vào tuổi “dậy thì”, không thể so sánh với các “cụ lão niên”.

Nếu nói chúng ta thiếu hệ thống luật pháp cho từng ngành, đâu đó còn thói tùy tiện, hách dịch, cửa quyền trong DN độc quyền thì rất đúng, nhưng mọi sự hoàn thiện đều phải có thời gian. Chúng ta cần thấy mừng là quá trình đào thải những bất cập ấy tức là chống sự lạm dụng độc quyền đang diễn ra rất nhanh.

* Ông có thể phác thảo?

- Với ngành điện thì đã cho phép các DN nhiều thành phần bán điện, luật điện sẽ được đưa ra Quốc hội năm tới. Viễn thông đã có pháp lệnh, mở cửa cho nhiều DN tham gia cung cấp dịch vụ. Ngay cả cung cấp hạ tầng cũng không chỉ độc tôn một DN. Vừa mới đây còn trao quyền cho nhiều DN tự quyết định giá dịch vụ. Với xăng dầu đã biên độ cạnh tranh về giá, không khống chế lượng nhập khẩu.

Hầu như mỗi ngành đều có một lộ trình mở cửa và hội nhập khá cụ thể. Với toàn nền kinh tế thì quá trình cổ phần hóa DN ngày một khẩn trương, rộng mở và triệt để. Đáng nói nhất là Luật cạnh tranh và chống độc quyền đã soạn thảo xong và sẽ đưa ra Quốc hội trong vài tháng tới.

* Thưa ông, những nội dung cơ bản về chống độc quyền của luật này là gì?

- Đó là chống lạm dụng độc quyền và chống tự cấu kết tạo độc quyền. Cụ thể là bán phá giá, áp đặt giá, áp đặt điều kiện với khách hàng như mua kèm, rồi đơn phương thay đổi hợp đồng... sẽ là vi phạm luật này. Những đối tượng DN tự cấu kết thỏa thuận với nhau để hạn chế cạnh tranh tạo nên tính “ao tù” trong nền kinh tế như: tự phân chia thị trường, tự ấn định giá, tự hạn chế phát triển kỹ thuật (tận dụng công nghệ quá thời hạn - PV), thông đồng thắng thầu... sẽ bị xử lý.

Luật cho phép thành lập một hệ thống cơ quan bán tư pháp tương đương một tổng cục có các văn phòng tại nhiều địa phương. Cơ quan này có hai bộ phận độc lập là điều tra và xử lý.

____________________

Kỳ trước: Chuyển hóa độc quyền nhà nước sang doanh nghiệp

QUANG THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên