18/12/2013 06:17 GMT+7

Đọc phản biện và cuốn sách thay đổi đời tôi

hungthuat
hungthuat

TT - "Quyển sách thay đổi cuộc đời" là một phần của dự án xã hội do Thư viện thông minh Samsung, báo Tuổi Trẻ, Nhà xuất bản Trẻ, Nhà sách Fahasa cùng phối hợp thực hiện.

go7zDfkm.jpgPhóng to
Nhà văn Phan Việt - Ảnh: nhân vật cung cấp

Xin giới thiệu bài viết của nhà văn trẻ Phan Việt cho chuyên mục này.

Mùa thu năm 2000, tôi từ Hà Nội sang Mỹ học chương trình thạc sĩ về báo chí - truyền thông của Ðại học Nebraska. Học kỳ đầu, tôi học một lớp có tên Các nền tảng lý thuyết về truyền thông đại chúng. Chính ở lớp này, tôi đọc một cuốn sách làm thay đổi sâu sắc thói quen đọc, nghe, nhìn mà tôi đã hình thành từ Việt Nam. Ðó là cuốn The social construction of reality: A treatise in the sociology of knowledge của Peter Berger và Thomas Luckmann ("Kiến tạo thực tại: Một luận thuyết về xã hội học của tri thức", do Anchor Books xuất bản năm 1966). Cuốn sách mang tính học thuật nên trình bày nhiều khái niệm phức tạp.

Mời bạn làm clip giới thiệu quyển sách yêu thích

Từ nay đến hết ngày 9-2-2014, bạn trẻ yêu sách trên cả nước có thể làm clip giới thiệu quyển sách mình yêu thích và đăng tải lên trang web www.booktrailer.thuvienthongminh.vn hoặc gửi đĩa clip dự thi về địa chỉ lầu 9, 60 Nguyễn Đình Chiểu, P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM. Clip có độ dài không quá 5 phút, giới thiệu bằng tiếng Việt/ tiếng Anh bằng hình thức thuyết minh hoặc phụ đề. Những clip xuất sắc nhất sẽ nhận được giải thưởng có giá trị từ Samsung.

Tôi chỉ xin tóm tắt luận điểm chính của cuốn sách thế này: cái mà chúng ta cho là thực tại/thực tế (và thường mặc định đó là sự thật bất di bất dịch) bản chất chỉ là một sản phẩm xã hội. Thực tại/thực tế đó được hình thành thông qua quá trình các cá nhân và nhóm lợi ích khác nhau trong xã hội trao đổi, thương lượng, thủ tục hóa (habitualization), rồi chính thống hóa (legitimization), thể chế hóa (institutionalization) và phát tán, phổ cập (diffuse) nó qua các kênh khác nhau (đài, báo, vô tuyến, sách vở...). Khi chúng ta đọc, nghe, xem, chúng ta sẽ làm công việc nội tại hóa (internalization) cái thực tại đó, tức là biến cái thực tại do thỏa thuận và chính thống hóa kia thành thực tại của mình.

Lấy một ví dụ rất thô thiển để minh họa điều này: khi bạn xem các chương trình truyền hình thực tế như Giọng hát Việt ở Việt Nam hay The Voice ở Mỹ, bạn có thể mặc định rằng những gì bạn đang xem là "thực tế": gia cảnh nghèo của ca sĩ A, tình cảm với mẹ của ca sĩ B, sự tự tin của ca sĩ C, quan hệ giữa ca sĩ M và huấn luyện viên N, hoặc quan hệ giữa huấn luyện viên X và Y... Bạn có thể không nghi ngờ rằng cái gọi là "thực tế" này thật ra là một sản phẩm có biên tập: người làm chương trình chỉ chọn cho bạn xem những hình ảnh về gia cảnh nghèo của ca sĩ A để tạo nên một dạng chân dung A nhất định. Nếu bạn để ý kỹ, chương trình truyền hình thực tế ở tất cả các nước đều dựa trên một số dạng chân dung nhất định: chân dung "nghèo vượt khó", chân dung "người phá cách, nổi loạn", chân dung "người từng vấp ngã rồi đứng dậy", chân dung "người hài hước", chân dung "gia đình hạnh phúc"... bởi vì nó thu hút người xem. Bạn tin chúng là thật, cho đến khi có thông tin rò rỉ cho bạn thấy hóa ra không phải thế.

Ở thời điểm năm 2000, khi mà Internet còn chưa phổ biến ở Việt Nam và việc kiểm chứng các thông tin không dễ dàng như bây giờ, cuốn sách của Berger và Luckmann làm tôi nhận ra hai điều. Thứ nhất, cho tới thời điểm đó, tôi đã đọc rất thụ động, nghĩa là gần như luôn đọc, nghe, nhìn (từ đài, báo, vô tuyến, sách) với tâm thế coi điều mình đọc, nghe, nhìn là đúng vô điều kiện và nhiệm vụ duy nhất của tôi là ghi nhớ chứ không phải chất vấn. Thứ hai, tôi không ý thức được rằng ngay cả nếu những gì tôi được đọc, nghe, xem là đúng thì chúng chỉ đúng dựa trên sự thỏa thuận của xã hội ở một thời điểm nhất định.Nói cách khác: xã hội đồng ý rằng "cái này chấp nhận được", "cái này là đúng", "cái kia là sai" "x phải thế này", "y phải thế kia". Ðiều này làm nảy sinh một câu hỏi: những ai đang tạo thành "xã hội" và tham gia vào việc quyết định "cái này là đúng", "cái kia là sai"? Lấy ví dụ, khi có các quyết định kiểu như "hôn nhân đồng tính là không chấp nhận được", "phụ nữ phải...", "đàn ông phải...", "học sinh phải...", "con cái phải..." thì ai được tham gia vào quyết định đó?

Cuốn sách của Berger và Luckmann gợi cho tôi thái độ và kỹ năng đọc mới: đọc phản biện. Ðọc phản biện nghĩa là bạn phải giữ một độ lùi và độ tỉnh với thông tin đang tiếp nhận. Bạn luôn phải đặt ra các câu hỏi cơ bản như: bối cảnh xã hội của câu chuyện này là gì? Người viết đã có mặc định gì khi đưa ra kết luận này? Bằng chứng của anh ta là gì? Cách anh ta thu thập bằng chứng có đảm bảo việc trả lời câu hỏi này không hay nó thật ra trả lời cho câu hỏi khác? Ai đang hưởng lợi từ kết luận này? Ai chịu thiệt hại từ kết luận này? Vân vân và vân vân...

Tôi cũng nhận ra thói quen đọc thụ động ở tôi và nhiều người trong thế hệ tôi. Thay đổi điều này thế nào là câu chuyện dài nhưng phải được đặt ra nếu chúng ta muốn có những thế hệ người Việt Nam có cả khả năng sáng tạo, tư duy độc lập lẫn khả năng hợp tác.

PHAN VIỆT

Cổ vũ mọi người cùng đọc sách

Mục tiêu của dự án “Quyển sách thay đổi cuộc đời” là xây dựng một cộng đồng yêu sách lớn mạnh gồm những hạt nhân tiên phong góp phần cổ vũ tinh thần yêu sách trong cộng đồng, đồng thời tận dụng công nghệ hiện đại để giúp cộng đồng tiếp cận nguồn kiến thức từ sách một cách dễ dàng và đầy hứng thú.

Trong năm nay dự án sẽ có nhiều hoạt động thú vị hứa hẹn sự tham gia ủng hộ của đông đảo bạn trẻ VN.

t0sTwsFz.jpgPhóng to
hungthuat
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Tu\u1ed5i Tr\u1ebb, Nh\u00e0 xu\u1ea5t b\u1ea3n Tr\u1ebb, Nh\u00e0 s\u00e1ch Fahasa c\u00f9ng ph\u1ed1i h\u1ee3p th\u1ef1c hi\u1ec7n." />